Đầu tư vào tăng trưởng xanh: Nhiều tín hiệu tốt
Những năm gần đây ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài với những dự án bền vững, xanh hóa đã và đang lựa chọn Việt Nam để đầu tư. Đây là tín hiệu rất tích cực.
Vai trò của doanh nghiệp
Ông Chris Hogg - Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé đã khẳng định: “Thế giới đã và đang gặp phải những tình huống khẩn cấp về mặt khí hậu. Việt Nam đã đặt mục tiêu là sẽ phát thải ròng bằng 0, thì tập đoàn cũng mong muốn trở thành một doanh nghiệp (DN) đạt phát thải bằng 0. Năm 2050 có thể là một khoảng thời gian xa nhưng từ nay đến đó chúng ta cũng cần những lộ trình, cột mốc. Chẳng hạn năm 2025 thì sẽ có phát thải ròng giảm 20%, đến 2030 giảm 50% và bằng 0 vào năm 2050...”
Trong số các DN quốc tế đang tham gia hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam, Nestlé hướng tới cách tiếp cận toàn diện tập trung vào các mục tiêu nhằm tái tạo và tái sinh, đặt ra lộ trình cắt giảm phát thải carbon theo từng giai đoạn tiến tới phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050.
Trong định hướng được đưa ra, Chính phủ Việt Nam ngày càng thể hiện quyết tâm cao và mạnh mẽ thúc đẩy “xanh hóa” nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Những mô hình kinh tế cụ thể có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có kinh tế tuần hoàn cũng đang được nghiên cứu, tạo thuận lợi, hướng tới thúc đẩy chuyển đổi xanh ngay trong quá trình phục hồi kinh tế.
Theo phân tích của giới chuyên gia, quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế xanh cũng đã nhận được sự phối hợp của DN. Thực tế, các dự án FDI bắt đầu có sự chuyển hướng rõ nét. Không chỉ Nestlé mà ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài với các dự án xanh chọn Việt Nam làm điểm đầu tư. Một số dự án năng lượng sạch đã được cấp phép trong thời gian gần đây, như Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD (năm 2020), hay dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An (năm 2021).
Một thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cho đến nay, khu vực DN, bao gồm DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD vào các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như: năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, hay đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh. Theo ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế xanh, sản xuất xanh ít nhiều tạo được những tác động lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, vai trò của DN trong việc triển khai các chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững là rất quan trọng. Đã đến lúc, cộng đồng DN cần phải nhìn lại vào những chiến lược, đặc biệt là chiến lược tăng trưởng xanh, để định vị lại giá trị của mình. Không chỉ là vai trò, mà chính là DN tạo ra những giá trị gia tăng như thế nào trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh. DN cần phải đưa ra những giá trị mới để đáp ứng được những nhu cầu mới, nhu cầu phát triển xanh và bền vững, phát triển bao trùm.
Cần sự chung tay
Trao đổi về chiến lược tăng trưởng xanh, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng Bộ Tài chính nghiên cứu những cơ chế, chính sách để giúp các DN có thể tiếp cận các nguồn tài chính xanh, như tín dụng xanh, trái phiếu xanh…
Đại diện nhiều Hiệp hội có vốn ngoại cũng đã thẳng thắn chia sẻ sẽ đồng hành cùng với Chính phủ trong tăng trưởng xanh. Ông Nagaoka Teketoshi, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho hay, các DN Nhật Bản mong muốn đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả ở Việt Nam bằng cách tăng cường đầu tư tư nhân và ứng dụng các công nghệ giảm phát thải, hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Còn ông Greg Testerman - Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhìn nhận, đây là thời điểm tốt để cải thiện khả năng tiếp cận và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi Việt Nam củng cố cam kết cho phép các nhà sản xuất tiếp cận năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.
AmCham cũng mong muốn, tiếp tục hợp tác với Chính phủ để thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới trong cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững, ban hành các chính sách để tiếp tục thu hút ngành sản xuất có giá trị cao và nâng cao vai trò của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, việc tăng cường đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam đang là yêu cầu đặt ra cấp bách. Cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp trong công tác này. Bên cạnh đó, một số hạn chế cần sớm khắc phục như tình trạng chậm, khó khăn trong giải phóng mặt bằng xây dựng dự án; thiếu hướng dẫn cụ thể trong đàm phán đối với dự án công - tư, thiếu sự chuẩn bị và sẵn sàng của cơ quan chức năng trong việc thực hiện tăng trưởng xanh.