Đi trước mở đường
Ngay ngày đầu bước vào dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, ngày 29/4 vừa qua, 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2017-2020) là Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây chính thức khánh thành và đưa vào khai thác. Phát biểu tại điểm cầu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của cao tốc Bắc - Nam.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến Bình Thuận chỉ còn chưa đầy 2 tiếng, thay vì hơn 4 tiếng như trước đây.
Thời gian qua, những chuyến công tác đặc biệt tới các công trình giao thông trọng điểm cho thấy Thủ tướng hết sức chú ý tới những dự án giao thông trọng điểm, trong đó “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam phía Đông chính là nơi được Thủ tướng quan tâm nhiều nhất. Sau hơn 2 năm triển khai, 4 dự án thành phần đã hoàn thành, đưa vào khai thác, gồm các đoạn: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây, với tổng chiều dài gần 276 km.
Còn nhớ, vào những ngày đầu tiên của Tết Quý Mão 2023, Thủ tướng đã cùng đoàn công tác Chính phủ thực hiện chuyến công tác kéo dài 6 ngày, kiểm tra 10 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài gần 600km; dự khởi công 1 dự án đường sắt; kiểm tra, đôn đốc dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự phát lệnh xuất khẩu đầu năm tại cảng Cát Lái - cảng biển lớn nhất Việt Nam.
Sự có mặt của Thủ tướng đã mang đến nguồn động viên, khích lệ tinh thần rất lớn cho tập thể cán bộ, kỹ sư, người lao động đang làm việc trên công trường. Nói như tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì sự quan tâm của Thủ tướng đã tiếp lửa không chỉ cho ngành giao thông vận tải mà còn cho các bộ, ngành, địa phương để cùng hành động.
Mối ưu tiên thật đặc biệt của Thủ tướng là dành cho việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng - một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải. Thủ tướng nhấn mạnh, “giao thông đi trước mở đường", "đường mở đến đâu, dân giàu đến đó".
Trước đây, nhiều đoạn cao tốc gặp vướng mắc, khiến tiến độ thi công chậm trễ, gây lãng phí. 2 nút thắt lớn nhất là giải phóng mặt bằng và vật liệu đắp nền đường. Tuy nhiên, với quyết tâm không bàn lùi, không chần chừ, không do dự, phải làm bằng được và đạt kết quả cụ thể, có thể cân đong đo đếm được, hầu hết các vướng mắc đã được tháo gỡ.
Đáng chú ý, dự án đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù nên tiến độ thi công được đẩy lên. Cùng đó, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân vùng dự án đi qua nên chỉ trong khoảng thời gian ngắn “hàng núi công việc” đã được giải quyết; từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ điều kiện khởi công các dự án, rút ngắn 1/2 thời gian làm thủ tục so với cách làm trước đây.
Thực tế cho thấy, đường mở ra đến đâu thì không gian phát triển cũng mở ra đến đó. Phát triển hệ thống giao thông đã làm cho đất nước thay đổi mạnh mẽ. Nhân đây, xin được kể lại câu chuyện của nhiếp ảnh gia Nick Út. Ông sinh năm 1951, người Mỹ gốc Việt, là tay máy nổi tiếng, từng là phóng viên ảnh cho hãng tin Associated Press, người chụp bức ảnh “Em bé Napalm” Phan Thị Kim Phúc, vào tháng 6/1972 tại Trảng Bàng (Tây Ninh). Cô bé trong bức ảnh lúc đó 9 tuổi, bị bỏng do bom napalm của Mỹ. Bức ảnh đã mang lại cho Nick Út giải Pulitzer; được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.
Vừa rồi Nick Út về thăm quê hương Việt Nam 3 tháng. Ông vô cùng ngạc nhiên trước sự đổi thay của đất nước. Trở lại Trảng Bàng, nơi 51 năm trước ông chụp bức ảnh “Em bé Napalm”, ông đã không còn nhận ra nơi mình từng tác nghiệp. Những dãy nhà cao tầng hai bên đường đã thế chỗ cho con đường bị hủy hoại vì bom đạn. Ông nói rằng, Việt Nam bây giờ đã có một hệ thống đường giao thông tuyệt vời, khiến cho bộ mặt đất nước đổi khác.
Con đường thiên lý Bắc - Nam phía Đông với chiều dài 2.063km, nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố, chiếm 62,1% dân số đang hình thành. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc. Nếu với tốc độ xây dựng như hiện nay, mục tiêu ấy có thể nói là trong tầm tay.