Sức bật của rau quả
Với đà tăng trưởng xuất khẩu rau quả trong quý 1/2023 ước đạt gần 1 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022, ngành rau quả phát tín hiệu tốt cho xuất khẩu trong năm 2023, sau xuất khẩu lúa gạo.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, quý 1/2023 xuất khẩu rau quả đạt 982 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam, chiếm đến 57,5% và tiếp đến là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Dự báo về tình hình xuất khẩu rau quả quý 2/2023, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, quý 2 xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục có nhiều thuận lợi. Theo ông Nguyên khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, thị trường này vẫn liên tục đặt hàng sầu riêng. Trong 3 tháng đầu năm 2023, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ nên chỉ xuất khẩu cầm chừng sang thị trường này. Từ tháng 4 trở đi, sầu riêng vào thời điểm chính vụ, hàng hoá dồi dào, bắt đầu đáp ứng các đơn hàng.
Cùng đó, mít, chuối và thanh long là các nông sản chính sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc, đạt ít nhất là 2,5 tỷ USD trong năm nay. Điều này cho thấy ngành rau quả đang có triển vọng lớn tại thị trường này.
Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị Mỹ sớm mở cửa cho trái dừa và chanh leo xuất khẩu sang thị trường này. Nếu hai loại trái cây này được xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới sẽ đưa số lượng trái cây xuất khẩu sang thị trường này lên con số 9. Hiện có 7 loại nông sản được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ là xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa và bưởi da xanh. Đối với thị trường Úc, hiện có 4 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang đây bao gồm xoài, nhãn, vải thiều, thanh long. Việt Nam đang đàm phán để chanh leo và bưởi được xuất sang thị trường này. Với thị trường New Zealand, đang có 3 loại trái cây được phép xuất khẩu là xoài, chôm chôm, thanh long.
Đánh giá về xu hướng xuất khẩu rau quả trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng, người tiêu dùng đang dần chuyển sang sử dụng các sản phẩm rau quả chế biến. Điều này thể hiện rõ khi trong tất cả các sản phẩm rau quả xuất khẩu, thì rau quả chế biến chiếm tỷ trọng đáng kể. Theo đó, trong năm 2022, rau củ quả chế biến chiếm 1/3 lượng kim ngạch, quý 1/2023, tỷ lệ này cũng giữ được vị thế.
Đánh giá lợi thế khi xuất khẩu rau quả chế biến, ông Nguyễn Văn Thứ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm G.C cho rằng việc đầu tư, phát triển ngành rau quả theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát chi phí, hạ giá thành sản phẩm, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với hàng tươi. Đặc biệt, chế biến nông sản còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung. Tuy nhiên, ông Thứ cho biết, ngành hàng này cần nguồn vốn lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại nên không phải DN nào cũng có đủ năng lực. Hiện nay, Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Các công nghệ sấy bằng điện lạnh đang là xu hướng mới mang lại chất lượng sản phẩm cao hơn với chi phí sản xuất thấp, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, cần chiến lược xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
Đối với thị trường Trung Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) Tô Ngọc Sơn cho rằng, hiện Trung Quốc đang thực thi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy, do đó, đòi hỏi hàng hóa Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu chính ngạch với phía bạn. DN cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, DN phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả trong năm 2023, một trong những yêu cầu quan trọng nhất là phải nhanh chóng thích nghi và đáp ứng các yêu cầu mới về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đăng ký DN xuất khẩu theo quy định của từng quốc gia; mở rộng cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhiều mặt hàng... Vấn đề quan trọng hiện nay đối với ngành hàng là nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng thị trường. Chính phủ, các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương quy hoạch khu chế biến và có chính sách khuyến khích đầu tư; hỗ trợ về nguồn vốn cũng như chuyển giao công nghệ… Ðặc biệt, cần có các hỗ trợ về vốn, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết hiệu quả và bền vững tại vùng nguyên liệu.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), các DN cần tận dụng lợi thế đang có để tạo sức bật cho ngành rau quả, nhất là khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Đây là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng rau quả của Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị rau quả của Việt Nam.