Cô gái 'chim cánh cụt' và ước mơ đứng trên bục giảng
Sinh ra đã thiếu mất đôi bàn tay nhưng bằng nghị lực phi thường, Lê Thị Thắm ở Thanh Hóa vẫn cố gắng vươn lên, tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá. Với mong ước trở thành giáo viên, sau khi ra trường, Thắm mở lớp tiếng Anh ở quê nhà, dạy miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Dẫu biết ước mơ được đứng trên bục giảng vẫn còn nhiều gian truân nhưng cô gái khẳng định, mình sẽ chờ đợi và nỗ lực hết mình khi được trao cơ hội.
Hành trình kỳ diệu
25 năm về trước, em Lê Thị Thắm (trú thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được sinh ra nhưng thiếu mất đôi bàn tay. Những tưởng ước mơ, hy vọng của em đã thực sự khép lại từ đó nhưng bằng ý chí, nghị lực kiên cường, Thắm đã vượt lên nghịch cảnh, tiếp tục học tập rồi tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức, trở về quê hương dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo.
Ấn tượng đầu tiên về Thắm đó là một cô gái có đôi mắt sáng, gương mặt hiền hậu. Với chiều cao 1,4m, nặng 30kg, trông cô lọt thỏm trước đám học trò tinh nghịch.
Bà Nguyễn Thị Tình, mẹ của Thắm cho biết, từ khi sinh ra, em đã kém may mắn so với các bạn cùng trang lứa. Thương con nhưng bất lực, người mẹ nghèo chỉ biết gửi nỗi đau vào trong những giọt nước mắt. Mỗi lần ôm con, tương lai mịt mù phía trước lại hiển hiện khiến bà Tình không ít lần khóc thầm, suy sụp. Do thiếu đôi tay nên phải đến năm 4 tuổi, Thắm mới có thể tự đứng vững. Thời điểm đó, tuy việc đi lại còn nhiều khó khăn nhưng em đã khéo léo dùng đôi chân để giúp mẹ việc nhà.
Khi đã đi lại được, Thắm được mẹ đưa đến trường mầm non. Lúc ấy, bà Tình chỉ mong Thắm được trông giữ cẩn thận chứ không nghĩ rằng đứa con gái bé bỏng sẽ làm nên được điều kỳ diệu với con chữ.
Nhìn các bạn tập viết, Thắm cũng mạnh dạn xin cô giáo một tờ giấy và cây bút chì để chơi. Vì không có tay, Thắm phải kẹp bút vào giữa hai ngón chân trái tập viết. Và từ đó, đôi bàn chân của em bắt đầu xoay chuyển nhịp nhàng theo những đường nét thẳng, cong. Khi đã viết được, em nỗ lực gấp đôi người bình thường, ngày đêm luyện viết. Và sau 1 năm, khi 5 tuổi, Thắm đã đạt được thành quả không ngờ khi đọc thông, viết thạo. Đến 6 tuổi, Thắm vào lớp 1, đặt bước chân đầu tiên trong hành trình chinh phục tri thức.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Thắm được xét tuyển thẳng vào khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường ĐH Hồng Đức. 4 năm sau, em ra trường với tấm bằng loại khá và trở về quê hương mở lớp dạy tiếng Anh. Hiện tại, lớp học của em đang có 30 học sinh từ lớp 2 đến lớp 5.
Ước mơ đứng trên bục giảng
Nói về cơ duyên khi mở lớp dạy tiếng Anh, Thắm cho biết: Từ mùa hè năm thứ 3 đại học, có một số cô, bác ở trong thôn nhờ em dạy kèm cho con của họ. Từ đó, em đã nung nấu việc mở một lớp dạy tiếng Anh ở quê hương, và sau khi ra trường, em đã thực hiện được điều đó.
Lớp học của cô Thắm có nhiều thành phần, trong đó, có những em có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Thấu hiểu điều này, cô giáo “chim cánh cụt” sẵn sằng dạy miễn phí cho các em nhỏ thiếu thốn, chưa đủ điều kiện. 4 năm qua, căn phòng vọn vẹn 20m2 dường như đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của rất nhiều em học sinh ở các xã Đông Thịnh, Đông Yên (huyện Đông Sơn) và phường Đông Tân (TP Thanh Hóa). Ở đây, các em không chỉ được dạy học mà còn được cô Thắm truyền cảm hứng về tinh thần nỗ lực, ý chí vượt lên số phận để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Vào dịp nghỉ hè, em dạy 2 ca (sáng, chiều) cho các cháu. Còn trong năm học mới, do các cháu phải đến trường nên em chỉ dạy ca tối, khoảng 3 tiếng mỗi ngày. Công việc này giúp em duy trì đam mê và cũng tạo ra một khoản nho nhỏ để hỗ trợ bố mẹ” - Thắm cho biết.
Chị Nguyễn Thị Lan - một phụ huynh ở thôn Ngọc Lậu, xã Đông Thịnh có con học tại lớp tiếng Anh của cô Thắm cho biết, cô có vốn ngôn ngữ tiếng Anh tốt, phương pháp dạy phù hợp nên các cháu học ở đây tiếp thu rất nhanh.
Nói về ước mơ của mình, Thắm chia sẻ, đã từ rất lâu, em luôn mong có một ngày được đứng trên bục giảng. Nói rồi, Thắm lại ngậm ngùi, có lẽ, do hạn chế về cơ thể nên em nghĩ mình khó xin được việc. “Những ngày còn trên giảng đường, em luôn cố gắng trau dồi kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn với ước mơ trở thành cô giáo. Sau khi rời ghế nhà trường, trong 3 năm qua, em đã cố tìm kiếm thông tin tuyển dụng ở nhiều nơi, tuy nhiên, công việc nó vẫn chưa tới. Dù còn nhiều chông gai nhưng em luôn tin rằng, sau này, khi được trao cơ hội, em nhất định sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành thật tốt” - Thắm bộc bạch.
Ông Phạm Văn Dũng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Sơn cho biết: Trường hợp của chị Lê Thị Thắm thuộc đối tượng tuyển dụng bình thường, không có sự phân biệt. Tuy nhiên thời gian qua huyện chưa có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ.