Chỉ ra trách nhiệm của các hãng công nghệ đối với AI

Hà Anh (theo AP) 05/05/2023 14:06

Các tập đoàn công nghệ phải gánh vác trách nhiệm “đạo đức” trong công cuộc bảo vệ xã hội trước những mối nguy hại tiềm tàng mà công nghệ AI có thể gây ra.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong cuộc họp hôm 4/5. Ảnh: AP.

Nhà Trắng ngày 4/5 đã tuyên bố với các Giám đốc điều hành (CEO) của những “gã khổng lồ” về trí tuệ nhân tạo (AI) của Mỹ rằng, họ phải gánh vác trách nhiệm “đạo đức” trong công cuộc bảo vệ xã hội trước những mối nguy hại tiềm tàng mà công nghệ này có thể gây ra.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nhấn mạnh: “Như tôi đã chia sẻ trong ngày hôm nay với các CEO của những công ty tiên phong về đổi mới AI của Mỹ, khu vực tư nhân này có trách nhiệm đạo đức, lương tâm và pháp lý nhằm đảm bảo an ninh và an toàn đối với các sản phẩm của họ”.

Tại cuộc họp với đội ngũ CEO từ các hãng công nghệ Google, Microsoft, OpenAI và Anthropic, Phó Tổng thống Harris đánh giá, AI có “tiềm năng trong quá trình cải thiện đời sống của người dân và giải quyết một số thách thức lớn nhất của xã hội. Nhưng đồng thời, nó cũng có nguy cơ làm tăng dần những mối đe dọa đối với an ninh và an toàn, xâm phạm đời tư và quyền công dân, cũng như làm xói mòn niềm tin của công chúng và niềm tin vào nền dân chủ”.

Phó Tổng thống Harris lưu ý, bà và Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ “thúc đẩy những quy định và dự luật mới” về vấn đề này.

Ảnh minh họa: CCO.

Sự phổ biến của chatbot ChatGPT đã gây ra làn sóng đầu tư thương mại vào các công cụ AI có thể viết văn bản giống con người một cách thuyết phục và tạo ra hình ảnh, âm nhạc và mã máy tính mới. Nhưng việc nó có thể bắt chước con người một cách dễ dàng đã khiến các chính phủ trên khắp thế giới cân nhắc cách nó có thể lấy đi việc làm, lừa mọi người và truyền bá thông tin sai lệch.

Tình trạng thiếu quy định liên quan đã tạo điều kiện để Thung lũng Silicon tự do đưa ra những sản phẩm mới một cách nhanh chóng và làm dấy lên lo ngại rằng công nghệ AI sẽ tàn phá xã hội trước khi Chính phủ Mỹ có thể bắt kịp.

Công nghệ AI xuất hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống.

Tổng thống Biden đã hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua luật áp đặt các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực công nghệ, nhưng chưa đạt được tiến triển. Liên minh châu Âu (EU) cũng dự kiến sẽ ban hành luật AI vào cuối năm nay với hệ thống quy tắc quản lý rõ ràng.

Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố khoản đầu tư 140 triệu đô la để thành lập 7 viện nghiên cứu AI mới. Ngoài ra, Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng dự kiến sẽ ban hành hướng dẫn trong vài tháng tới về cách các cơ quan liên bang có thể sử dụng các công cụ AI.

Bên cạnh đó còn có một cam kết độc lập của các nhà phát triển AI hàng đầu về việc tham gia đánh giá công khai hệ thống của họ vào tháng 8 tại hội nghị hacker DEF CON ở Las Vegas. Cùng với Google, Microsoft, OpenAI và Anthropic, còn có Hugging Face (nhà sản xuất chip Nvidia và Stability AI, được biết đến với công nghệ khuếch tán ổn định tạo hình ảnh), đã đồng ý tham gia.

Hà Anh (theo AP)