Giữa 'ma trận' ngành nghề: Thí sinh lựa chọn thế nào?
Chọn ngành nào, trường nào là câu hỏi khiến nhiều học sinh trăn trở trước ngưỡng cửa bước vào các trường đại học, cao đẳng tới đây, nhất là với những em thích nhiều ngành học.
Phân vân giữa nhiều ngành học
Từ nay cho đến 17h ngày 13/5, học sinh lớp 12 trên cả nước bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo hình thức trực tuyến.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi đặc biệt quan trọng với các thí sinh khi điểm thi không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp mà còn là cơ sở để các trường đại học xét tuyển.
Bước vào giai đoạn nước rút, học sinh lớp 12 không chỉ chịu áp lực từ học tập mà còn nhiều lo lắng trong việc chọn ngành, chọn trường trước bước ngoặt lớn.
Theo tìm hiểu của PV, tới thời điểm này, bên cạnh số học sinh đã có lựa chọn ngành nghề phù hợp thì có không ít học sinh cuối cấp loay hoay không biết chọn ngành học nào, trường đại học nào khi cùng một lúc thích nhiều ngành học.
Yêu thích ngành kỹ thuật nên em Nguyễn Hoàng Anh – học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) đã dành nhiều thời gian tìm hiểu phương án tuyển sinh của một số trường khối kỹ thuật.
Tuy nhiên, Hoàng Anh cho hay: “Bố mẹ em lại thích em học ngành kinh tế bởi muốn em theo nghề của bố mẹ và ở khối ngành này, bố mẹ em có thể xin được việc làm cho em. Em đang không biết có nên theo định hướng của bố mẹ hay theo sở thích của bản thân”.
Dù thích trở thành giáo viên nhưng em Trịnh Bảo Ngọc – học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết, một vài mùa tuyển sinh trở lại đây, khối ngành công nghệ thông tin có chiều hướng lên ngôi. Năm nay, nhiều trường cũng mở nhiều ngành học mới liên quan tới lĩnh vực này, dự báo cơ hội việc làm sau khi ra trường sẽ rộng mở.
Thế nên, thời điểm này, Ngọc cho hay: “Em đang phân vân giữa hai ngành học sư phạm và công nghệ thông tin”.
Tính toán thứ tự ưu tiên hợp lý
Việc các trường đưa ra nhiều chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người học. Song trước "ma trận" ngành nghề, không ít thí sinh như đứng giữa ngã ba đường, không biết lựa chọn ngành học nào cho phù hợp.
Trước trăn trở của thí sinh, cô Đỗ Hải Yến – Trưởng phòng Chính trị Công tác sinh viên, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đưa ra lời khuyên, để có những lựa chọn đúng đắn, các em nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng các ngành yêu thích trước.
Theo cô Yến, nếu thí sinh có năng khiếu về hội hoạ, âm nhạc… thì theo học các trường nghệ thuật; yêu thích kinh doanh thì lựa chọn các trường kinh tế; có đam mê về viết lách, sáng tạo thì cân nhắc các trường báo chí, truyền thông… Mỗi sở thích tương ứng với một ngành nghề khác nhau, phải có sự yêu thích mới có thể theo học được.
Ngoài ra, các em nên chọn ngành dựa trên các yếu tố khác như: triển vọng phát triển của ngành đó; vị trí công việc sau khi tốt nghiệp, nội dung đào tạo, học phí, điều kiện kinh tế gia đình… Sau đó, tìm những trường có đào tạo ngành học đó để tìm hiểu, thống kê điểm chuẩn ngành học của các trường qua từng năm. Từ đó xem xét, đối chiếu năng lực bản thân và chọn ra ngành học phù hợp nhất.
Cô Yến lưu ý: “Thí sinh cần được tìm hiểu kỹ lưỡng để tránh tình trạng không phù hợp, bỏ ngang gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc”.
Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, từ ngày 10/7 đến 30/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ. Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay là 20 ngày, trong khi năm 2022 là một tháng.
Quy định cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng xét tuyển nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học, trường học thí sinh yêu thích. Mặt khác, cơ sở đào tạo cũng tuyển sinh được những sinh viên phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa lưu ý, thí sinh khi lựa chọn thứ tự ưu tiên nguyện vọng cần chú ý sắp xếp nguyện vọng phù hợp nhất lên trên. Bởi dù có nhiều lựa chọn thì thí sinh cũng chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất. Do vậy, thí sinh cần cân nhắc từng nguyện vọng và tính toán thứ tự ưu tiên sao cho hợp lý.