Ngày 5/5: Số mắc Covid-19 tiếp tục tăng, cao nhất hơn 6 tháng qua
Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 5/5 của Bộ Y tế cho biết có 3.399 ca mắc mới Covid-19, tăng hơn 1.000 ca so với hôm qua và là ngày có số mắc cao nhất trong hơn nửa năm qua; Bệnh nhân thở oxy cũng tăng lên 161 ca, cao nhất trong thời gian gần đây.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.571.127 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.935 ca nhiễm).
Tình hình điều trị Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 997 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.625.838 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 161 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 106 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 13 ca
- Thở máy không xâm lấn: 1 ca
- Thở máy xâm lấn: 41 ca
- ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.195 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine Covid-19
Trong ngày 4/5 có 15.550 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.266.588 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.637.149 liều: Mũi 1 là 70.908.583 liều; Mũi 2 là 68.452.712 liều; Mũi bổ sung là 14.343.922 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.106.937 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.824.995 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.366 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.663.896 liều: Mũi 1 là 10.214.069 liều; Mũi 2 là 8.449.827 liều.
Ca Covid-19 mới tăng, nhiều ca thở máy: Những ai cần tiêm vaccine?
Theo SKĐS, trước diễn biến gia tăng ca mắc Covid-19 mới, số bệnh nhân nặng cũng tăng, đã ghi nhận 9 trường hợp tử vong do Covid-19, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm… tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ cao để bảo vệ chặt chẽ hơn nữa những đối tượng này.
Theo thống kê của đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế, số mũi vaccine Covid-19 trong ngày 4/5 là 15.550 mũi tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó 13.815 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 1.735 mũi tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Đây là ngày có số lượng tiêm vaccine cao trong khoảng 1 tuần trở lại đây.
Đến nay tổng số mũi vaccine Covid-19 đã tiêm ở nước ta là 266.266.588 mũi, trong đó nhóm từ 18 tuổi trở lên:
- Tiêm mũi 3: Tổng số có 52.106.937 mũi tiêm (81,8%) trong ngày có 8 tỉnh triển khai với 3.850 người được tiêm
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (63,6%); Bình Định (65,8%); Đồng Nai (54%); Tây Ninh (65,7%); Đồng Tháp (60,7%).
Tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Nghệ An (100,1%); Lâm Đồng (102,8%); Sóc Trăng (100,7%).
- Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.824.995 mũi tiêm (89%), trong ngày có 8 tỉnh triển khai với 9.333 người được tiêm
Nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.813.288 mũi tiêm (69,3%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Quảng Ngãi (48,6%); Bình Thuận (44,1%); TP HCM (36,4%); Đồng Nai (43,1%).
Tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Lâm Đồng (111,3%); Sóc Trăng (103,5%).
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.663.896 mũi tiêm:
- Mũi 1: 10.214.069 mũi tiêm (92,5%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,6%); Hải Phòng (72,7%); Đà Nẵng (68,6%); TP HCM (64,9%), Bà Rịa - Vũng Tàu (77%)
- Mũi 2: 8.449.827 mũi tiêm (76,5%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (57,4%); Đà Nẵng (37,4%); Quảng Nam (50,7%); TP HCM (41,8%), Bà Rịa - Vũng Tàu (53,4%)
Vaccine có hiệu quả trong phòng bệnh và các biến chứng do Covid-19 gây ra
Trước diễn biến gia tăng các ca mắc Covid-19 thời gian gần đây, trong đó gia tăng cả bệnh nhân nặng và số trường hợp tử vong trong hơn 2 tuần qua đã ghi nhận 9 ca - có những trường hợp bệnh nền nhưng không tiêm đủ, chưa tiêm đủ mũi vaccine theo khuyến cáo, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm… đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ cao để bảo vệ chặt chẽ hơn nữa những đối tượng này trước diễn biến tăng về số ca mắc.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tiêm vacccine phòng Covid-19 đã giúp Việt Nam chuyển từ giai đoạn Zero Covid-19 sang giai đoạn thích ứng an toàn hiệu quả, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, miễn dịch của vaccine Covid-19 không thật bền vững. Sau 4-6 tháng, miễn dịch giảm đi rất nhiều và cần tiêm nhắc lại. Lịch tiêm nhắc lại được khuyến cáo tiêm sau mũi cuối cùng đã tiêm khoảng 6 tháng. Như vậy, những người đã tiêm mũi vaccine cuối cùng cách đây 6 tháng có thể tiêm bổ sung. Vaccine có hiệu quả giảm triệu chứng nặng, giảm nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong.
Vì vậy, chuyên gia tiếp tục khuyến cáo những đối tượng nguy cơ cao dễ bị tổn thương là người già, người bệnh nền, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch cần tuân thủ tiêm vaccine theo khuyến cáo đủ liều, đúng lịch bởi đây ;à nhóm đối tượng khi nhiễm dễ chuyển nặng, làm tăng số bệnh nhân cần điều trị tại cơ sở y tế, có thể dẫn đến quá tải hệ thống y tế và tăng tỉ lệ tử vong.
Cùng đó chuyên gia khuyến cáo mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cộng đồng nhất là đối tượng dễ bị tổn thương như đã nêu trên. Điều này không chỉ giúp phòng Covid-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B...
TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nêu rõ: Vaccine phòng Covid-19 có hiệu quả trong phòng bệnh và các biến chứng do Covid-19 gây ra, giảm tỉ lệ mắc bệnh nặng và tử vong.
Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo các nước triển khai tiêm vaccine Covid-19, ưu tiên hoàn thành liều cơ bản đối với các đối tượng từ 5 tuổi trở lên và bao phủ trên diện rộng để đạt miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh cho cá nhân và những người xung quanh. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm nhắc các liều tiếp theo dựa trên tình hình dịch bệnh.