Sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp Covid-19?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố chiến lược mới trong phòng, chống Covid-19, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát lâu dài đối với dịch bệnh này.
Chiến lược mới của WHO
WHO vừa công bố kế hoạch chiến lược ứng phó với Covid-19 cho giai đoạn 2023-2025. Đây là lần thứ 4 tổ chức này công bố kế hoạch ứng phó với dịch bệnh kể từ khi các trường hợp mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận vào cuối năm 2019.
Chiến lược mới sẽ duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó, được đưa ra vào năm 2022, là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài. Tuy nhiên, kế hoạch mới bổ sung mục tiêu thứ 3 là "hỗ trợ các quốc gia khi họ chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch Covid-19 một cách bền vững lâu dài hơn".
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, chiến lược mới cũng nhấn mạnh vào việc giải quyết tình trạng Covid-19 kéo dài, phát sinh ở bệnh nhân có triệu chứng. Các trụ cột chính trong chiến lược vẫn là quản lý thông tin dịch bệnh, các điểm nhập cảnh, du lịch, vận chuyển quốc tế; tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao; nghiên cứu và phát triển các loại vaccine phù hợp với tình hình thực tế.
Việc công bố này diễn ra trước thềm cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp về Covid-19 của WHO để quyết định liệu có nên duy trì mức cảnh báo tối đa đối với đại dịch Covid-19 hay không. WHO lần đầu tiên đưa ra mức cảnh báo cao nhất về Covid-19 vào ngày 30/1 năm 2020 và nó liên tục được giữ trong các cuộc họp được tổ chức 3 tháng 1 lần của tổ chức này.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất khi cho rằng, việc dỡ bỏ nhãn "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế" (PHEIC) có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực hợp tác hoặc tài trợ toàn cầu.
Giáo sư Marion Koopmans - nhà virus học người Hà Lan, thành viên của Ủy ban khẩn cấp về Covid-19 của WHO - cho biết: “Tình trạng khẩn cấp có thể được chấm dứt, nhưng điều quan trọng là phải thông báo rằng Covid-19 vẫn là một thách thức phức tạp đối với sức khỏe cộng đồng”.
Trước đó, ông Tedros cũng cho biết, thế giới đang bước vào giai đoạn chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Covid-19 sẽ không biến mất, các quốc gia sẽ phải học cách vừa đối phó với nó và những di chứng hậu Covid-19, vừa phòng, chống các bệnh dịch khác. Ông Tedros cảnh báo, ứng phó với Covid-19 là quá trình dài hơi và tốn kém. Tuy nhiên, thế giới sẽ phải trả một cái giá lớn hơn nếu không đầu tư vào hoạt động này bằng các cam kết khoa học, y tế bền vững.
Những diễn biến khác nhau
Hiện nay, số ca Covid-19 đang tăng trở lại ở một số quốc gia, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, song số ca tử vong và nhập viện không tăng. Các nước đang phải đối mặt với biến chủng phụ mới của Omicron là XBB.1.16. Tuy nhiên, một số quốc gia đã bắt đầu dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong nước, chẳng hạn như Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó, "trong đó chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến đại dịch Covid-19". Quyết định này sẽ chấm dứt các khoản chi cho các xét nghiệm Covid-19, tiêm vaccine miễn phí và các biện pháp khẩn cấp khác được triển khai từ tháng 1/2020.
Gần đây nhất, ngày 1/5, Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ dừng các yêu cầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho khách du lịch quốc tế và nhân viên liên bang từ ngày 11/5, trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng kết thúc.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng cho biết, bắt đầu từ ngày 12/5, họ sẽ không còn yêu cầu khách du lịch không phải người Mỹ nhập cảnh vào nước này qua các cảng nhập cảnh và phà trên đất liền phải được tiêm phòng Covid-19 và cung cấp bằng chứng đã tiêm phòng theo yêu cầu nữa.
Trong khi đó, đầu tuần này tại Indonesia, Bộ Y tế nước này cảnh báo số ca mắc Covid-19 sẽ tiếp tục tăng trong vài ngày tới sau khi lực lượng chức năng nước này phát hiện Arcturus - một loại biến thể mới của Omicron.
Giám đốc Trung tâm Dịch tễ học và Tiêm chủng thủ đô Jakarta Ngabila Salama cho biết, xu hướng các ca lây nhiễm Covid-19 vẫn đang tăng lên và dự báo đỉnh dịch sẽ xảy ra vào tuần tới.
Theo dữ liệu của chính phủ Indonesia, tuần qua, trên toàn lãnh thổ Indonesia có khoảng 10.000 người thực hiện xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày, trong đó 10% có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.
Tại Thái Lan, Bộ Y tế nước này đang sửa đổi chiến lược tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 để đối phó với tình trạng số ca mắc mới Covid-19 gia tăng trong và sau dịp Tết cổ truyền Songkran.
Tiến sĩ Tares Krassanairawiwong, Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) khuyến nghị tất cả các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là người già và những người mắc bệnh mãn tính, cần tiêm mũi nhắc lại càng sớm càng tốt. Trước tình hình gia tăng số ca mắc Covid-19 và ca trở nặng như hiện nay, ông Tares cho biết, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch Covid-19, theo đó sẽ bắt đầu cung cấp các mũi tiêm nhắc lại giống như các mũi tiêm phòng cúm theo mùa.
Giáo sư Salim Abdool Karim, một chuyên gia hàng đầu về Covid-19, người trước đây đã tư vấn cho chính phủ Nam Phi về cách ứng phó, cho biết: “Chúng ta chưa thoát khỏi đại dịch nhưng chúng ta đã bước sang một giai đoạn khác. Tuy nhiên, nếu tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, các chính phủ vẫn nên duy trì các chương trình xét nghiệm, tiêm chủng và điều trị”.