Nỗ lực kéo giảm mặt bằng lãi suất
Một điểm dễ nhận thấy hiện nay là mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang tiếp tục đi xuống, nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa thuận chiều.
Ông N.C.T. ( Gia Lâm - Hà Nội) cho biết, ông đang muốn vay tiền ngân hàng, tài sản thế chấp là ngôi nhà 200m2 mà ông tìm hiểu lãi suất tại một ngân hàng, sau khi mua bảo hiểm tính ra là 12,5%/năm.
Về vấn đề này, ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc một công ty tư nhân cũng nói rằng, lãi suất cho vay trong thời gian qua đã hạ nhiệt và giảm đáng kể, đây là một động thái tích cực và mang tính cấp thiết, thổi một làn gió mới vào thị trường nguồn vốn, giảm một phần gánh nặng lãi suất hiện nay trên thị trường. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay bất động sản hiện nay còn khá cao, tùy theo nhóm ngân hàng mức cho vay bất động sản dao động từ 10% - 14%/năm, chưa kể đến các chi phí tài chính khác. Với mức lãi suất này rất khó để có thể kích cầu, giúp thị trường hồi phục.
Ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)cho biết, NHNN đã chủ động, linh hoạt và nhanh chóng 2 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Trên cơ sở đó một mặt hỗ trợ Tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, mặt khác tạo định hướng giảm dần lãi suất trên thị trường. Kết quả của việc điều hành đồng bộ các công cụ nêu trên cho đến nay về cơ bản mặt bằng lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của thị trường đã giảm đáng kể. Cụ thể, hiện nay lãi suất cho vay mới phát sinh đối với nền kinh tế đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.
Song song với công tác điều hành thanh khoản tiền đồng thì NHNN cũng điều hành rất linh hoạt việc can thiệp thị trường ngoại tệ. Theo đó, từ đầu năm trở lại đây, tỷ giá đồng Việt Nam ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực và NHNN đã mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối. Từ đó góp phần đưa được một lượng lớn tiền đồng vào nền kinh tế để đưa vào lưu thông, tạo sự dồi dào thanh khoản trong hệ thống tổ chức tín dụng.
Đại diện NHNN cho biết, định hướng điều hành tín dụng trong thời gian tới nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Triển khai với nỗ lực cao nhất các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.