Chung tay tạo nguồn thực phẩm sạch

QUỐC ĐỊNH 06/05/2023 08:00

Để có được những sản phẩm từ nông nghiệp chất lượng đến tay người tiêu dùng, cần cả quá trình với sự nỗ lực từ nhiều phía như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và cả chính người tiêu dùng.

Thực phẩm cho ra thị trường cần phải có quy trình tổ chức sản xuất chặt chẽ.

Quá khó để kiểm tra chất lượng

Là địa phương có dân số đông nhất cả nước, lượng hàng hóa nông sản tiêu thụ từ các tỉnh, thành rất lớn nên TPHCM luôn là tâm điểm của vấn đề an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Phước Trung - nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TPHCM cho biết, không chỉ thịt mà ngay cả rau cũng được thu gom thông qua thương nhân, sau đó đưa lên xe tải từ nhiều nguồn khác nhau để đưa về thành phố tiêu thụ, chưa có cơ sở để chứng minh được đó là sản phẩm của hộ nào, xã nào.

Theo ông Trung, việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm hiện nay cũng chưa ổn. Sản phẩm khi đến TPHCM được lấy mẫu để kiểm tra, tuy nhiên, sau khi có kết quả thì sản phẩm đó đã được đưa đi tiêu thụ hết. Trong trường hợp lô hàng không đủ tiêu chuẩn, rất khó để tìm lại. Còn nếu tìm cách giữ hàng lại sẽ khiến chất lượng bị giảm sút.

Có nhiều hội nhóm đã tích cực chia sẻ những thông tin liên quan tới thực trạng rau chợ “đội lốt” rau VietGAP để vào một số hệ thống bán lẻ. Điều này cho thấy, xã hội đang ngày càng quan tâm hơn tới nguồn gốc, an toàn thực phẩm của các loại rau quả, thực phẩm lưu thông trên thị trường, nhất là với thực phẩm trong các siêu thị, nơi mà lâu nay vẫn được coi là đáng tin cậy hơn so với hàng bán ở chợ.

Mới đây, trong một diễn đàn về an toàn thực phẩm được tổ chức tại TPHCM, TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) đặt vấn đề: Sản phẩm Việt Nam, nhất là hàng nông sản vào các chợ đầu mối (nơi tập trung phân phối đi khắp nơi) hầu hết bao bì trắng thì làm sao mà kiểm soát được thông tin?

Ông Nguyễn Bình Phương - Phó Giám Kinh doanh tiếp thị, Công ty CP Quản lý & Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cơ sở chuyên cung cấp hàng nông sản có quy mô hàng đầu miền Nam cũng thừa nhận rằng, mỗi ngày chợ tiếp nhận hàng nghìn tấn hàng các loại từ nhiều địa phương khác nhau. Do đó, khi các chuyến hàng vào chợ, lực lượng quản lý chỉ có thể kiểm tra đăng ký nguồn hàng, mã hàng, số điện thoại người cung cấp hàng… tất cả ghi vào để khi có cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra thì cung cấp thông tin để quản lý Nhà nước truy xuất ngược lại. Còn việc kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, đóng gói, thông tin nhãn mác, bao bì trước khi đưa hàng lên xe là trách nhiệm của quản lý các địa phương nơi xuất xứ hàng, trách nhiệm ở các trạm kiểm dịch động thực vật.

“Ngay cả việc test ngay dư lượng độc tố, nếu làm cho đúng cũng phải mất từ 2-3 ngày, mà đợi có kết quả thì có 2 hướng xảy ra: Một là, sản phẩm đã hư hết; hai là, hàng đã phân phối đến người tiêu dùng” - ông Phương nêu bất cập.

Cơ chế làm khó nhà quản lý

Không ít chuyên gia về thực phẩm cho rằng, những nghi ngờ của người tiêu dùng hoàn toàn có cơ sở, bởi thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm và khẳng định được chất lượng nông sản trên thị trường.

Vấn đề bức thiết đặt ra là lỗ hổng lớn nhất để thực phẩm bẩn tràn ngập thị trường nằm ở đâu? Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, có nguyên nhân từ chính sách. Ví dụ như sản phẩm rau tươi VietGAP luật không bắt buộc phải có nhãn mác, đây là “chốt” quan trọng khiến nơi cung cấp hàng nông sản, chợ đầu mối có muốn làm cũng không thể.

Bà Minh đề nghị, phải sửa quy định này, bổ sung cho đầy đủ, lúc đó bắt buộc rau củ quả phải có nhãn mác, nguồn gốc; phải làm sao để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Làm sao để sản phẩm khi đưa vào chợ nếu không an toàn là bị gạt ra ngay.

Ông Trần Minh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản Đông Nam cũng đề nghị, Nhà nước cần phải hỗ trợ sản phẩm sạch, minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng tiếp cận được thị trường. Để làm tốt điều đó, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để thay đổi từ hóa học sang hữu cơ, mà thời gian để chứng nhận hữu cơ rất lâu, tốn kém.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp nhận định, người tiêu dùng đang dần nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm sạch, nhất là sản phẩm hữu cơ đối với môi trường, sức khỏe con người và tạo ra hệ sinh thái bền vững.

Để phát triển thị trường nông nghiệp an toàn, ông Tiến nhấn mạnh về việc xây dựng “lòng tin” đối với người tiêu dùng, điều này cần cả quá trình với sự nỗ lực từ nhiều bên từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm sạch cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Cũng bàn về trách nhiệm của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thảo Loan - Giám đốc một doanh nghiệp thực phẩm tại TPHCM cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh phải thực hiện đúng tiêu chuẩn sản xuất, từ giống, quản lý dữ liệu nhật ký trồng trọt, dữ liệu hóa hết các thông tin trồng trọt từ gieo giống đến lúc thu hoạch, giúp cho người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc.

Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, mỗi người cần đề cao trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn sự vi phạm về an toàn thực phẩm, cũng là cho mình và cho nền kinh tế nói chung.

QUỐC ĐỊNH