Nhận diện trầm cảm ở trẻ vị thành niên

Đức Trân 06/05/2023 09:30

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận không ít trẻ vị thành niên có chấn động về tâm lý, rối loạn trầm cảm...

Bác sĩ tư vấn sức khỏe tâm lý cho trẻ vị thành niên. Ảnh: TL.

Một trường hợp cụ thể, bệnh nhân nữ (14 tuổi), chủ yếu sống cùng ông bà nội. Trẻ vốn ngoan ngoãn, học giỏi, vui vẻ nhưng khoảng 1 năm nay lại trở nên lầm lì, ít nói, học tập sa sút... Sau một thời gian quan sát, người thân phát hiện trẻ thường xuyên mất ngủ, thậm chí còn tìm hiểu về cách tự sát trên mạng xã hội. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, bác sĩ kết luận, trẻ có dấu hiệu của trầm cảm nặng.

ThS Ngô Thị Thanh Hoa - Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: Trầm cảm ở trẻ vị thành niên thường do nhiều yếu tố, nguyên nhân kết hợp. Nguy cơ trẻ bị trầm cảm tăng lên nếu trong gia đình có người bị trầm cảm. Một số trẻ bị trầm cảm do bị trải qua những điều căng thẳng trong cuộc sống như áp lực, sự kỳ vọng của gia đình với trẻ về học tập, mâu thuẫn bạn bè lâu ngày không được giải quyết, bất đồng quan điểm hoặc thiếu sự quan tâm thích đáng với trẻ… Một số khác bị lạm dụng tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bị mất đi người thân, gia đình tan vỡ. Một số trải qua tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như: Chấn thương, bệnh tật… Những điều này khiến trẻ bị căng thẳng, buồn bã hoặc đau buồn kéo dài dẫn đến bị trầm cảm.

Cũng theo bà Hoa, biểu hiện của trầm cảm ở trẻ vị thành niên thường không giống nhau, tuy nhiên có một số dấu hiệu điển hình có thể giúp cha mẹ nhận diện. Đó là trẻ cảm thấy buồn, cô đơn và ít tham gia với mọi người hoặc không vui, dễ cáu hay ẩu đả với các thành viên trong gia đình và bạn bè, điều này có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, cảm xúc thay đổi (dễ khóc, dễ cáu giận); Trẻ không có cố gắng, nỗ lực và khó tập trung trong học tập so với trước đây; Trẻ không còn nhiều niềm vui hay thích chơi đùa với bạn bè như trước nữa; Trẻ có thể khó ngủ, ngủ không ngon giấc hoặc trẻ cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi trẻ ngủ đủ giấc. Đôi khi trẻ có cảm giác thèm ăn hoặc chán ăn…

BSCKII Nguyễn Hoàng Yến - Phòng trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai lý giải, trầm cảm là một rối loạn cảm xúc, biểu hiện bằng khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay thích thú, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động. Ở trẻ vị thành niên, trầm cảm ảnh hưởng đến học tập và khả năng hòa nhập của trẻ trong xã hội. Ngoài ra, trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ý tưởng và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát.

Tuy nhiên, BS Yến cũng bày tỏ một thực tế vô cùng đáng ngại: “Đó là khi trẻ chớm bộc lộ ý nghĩ về tự sát, chán sống thì nhiều bậc cha mẹ lại gạt đi và cho rằng không nên nghĩ đến những điều tiêu cực. Trong khi đây là tín hiệu kêu cứu mà các bậc cha mẹ phải đặc biệt lưu tâm. Khi trẻ bày tỏ cảm xúc đó là lúc con rất cần sự đồng cảm, chia sẻ, lắng nghe… Các bậc cha mẹ, người thân khi bắt được tín hiệu này nên hỏi han, khơi gợi để con nói ra những bất an, sự đau khổ, tuyệt vọng của mình”.

Các chuyên gia khuyến cáo, trầm cảm hiện tại là rối loạn có thể điều trị ổn định được. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trầm cảm, gia đình nên đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Các biện pháp điều trị bao gồm điều trị thuốc, liệu pháp tâm lý và giáo dục cho trẻ và gia đình. Tùy thuộc chẩn đoán và mức độ trầm cảm, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp về lựa chọn điều trị. Các liệu pháp tâm lý thường được áp dụng đối với các trường hợp trầm cảm mức độ nhẹ và vừa.

Theo các chuyên gia y tế, cần có sự tham gia hỗ trợ của nhà trường trong việc phát hiện sớm, giáo dục kiến thức, liên kết gia đình và các nhà chuyên môn trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho trẻ có các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm. Đối với những trẻ có biểu hiện và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát, cần loại bỏ những vật sắc nhọn hoặc dây thừng trong môi trường xung quanh trẻ và luôn có sự giám sát của cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Đức Trân