Kỷ niệm 69 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2023) - Trở lại Mường Phăng

TRẦN NGUYÊN TRUNG 06/05/2023 07:00

Chúng tôi về thăm Điện Biên Phủ, nơi dấu tích hào hùng gần 70 năm trước, giờ đây trở thành một quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia, hàng năm thu hút rất nhiều khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế. Đứng giữa bao la đất trời Điện Biên, văng vẳng đâu đây tiếng thì thào của gió, tiếng hò kéo pháo của những người lính Điện Biên năm xưa, mang trong tim niềm khát khao độc lập - tự do.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Các cựu chiến binh chúng tôi thuộc thế hệ sau nên không được trực tiếp chứng kiến những gì đã xảy ra tại đây, chỉ được ôn lại qua những trang sách báo và những lời kể của những người đi trước.

Bia Sở chỉ huy chiến dịch. Ảnh: Đăng Anh.

Vẫn còn đây đồi A1, đồi Him Lam, kia là hầm Đờ Cát, nơi được mệnh danh là một căn cứ quân sự hiện đại, bất khả xâm phạm của quân đội viễn chinh Pháp lúc bấy giờ, bởi sự bố phòng cẩn mật và kiên cố; nhưng đã bị quân ta chọc thủng, làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ của dân tộc ta.

Như vẫn còn đây, hình ảnh anh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo; anh Bế Văn Đàn bị thương nặng vẫn gượng dậy làm bệ tì súng cho đồng đội bắn; anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội xông lên tiêu diệt quân thù. Và, còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương hy sinh anh dũng khác, máu của các anh đã thấm vào Đất Mẹ, tên tuổi các anh sẽ sống mãi với non sông, đất nước. Chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ, nơi các anh yên nghỉ, thắp nén hương thơm tưởng nhớ và bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân với những người đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử hào hùng của dân tộc.

Bản Che Căn, xã Mường Phăng.

Rời trung tâm thành phố, chúng tôi về thăm Mường Phăng, khu di tích lịch sử nổi tiếng. Đây là nơi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn đặt Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ bởi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng.

Từ dốc Nà Nhạn, nơi đặt Tượng đài Chiến sĩ kéo pháo sừng sững hiên ngang giữa đất trời, dọc theo con đường nhựa gần 40 cây số xuyên qua những cánh rừng rậm để đến với Mường Phăng. Sau đó, chúng tôi tiếp tục leo dốc, đi dưới những tán rừng đại ngàn để lên khu di tích. Khu rừng ở đây rất đẹp, có nhiều cây cổ thụ rất to, được gọi là “Rừng Đại tướng”. Sở Chỉ huy chiến dịch nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển. Tại đây vẫn còn lưu giữ dấu tích nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ chiếc lán nhỏ, đơn sơ này, Đại tướng và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những phương án tác chiến mang tính lịch sử quyết định thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tôi vẫn còn nhớ, đúng vào dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004), Đại tướng trở về với Mường Phăng, dự buổi gặp mặt thân tình với cán bộ, nhân dân Mường Phăng. Đại tướng chậm rãi nói: “Tôi tuổi cao sức yếu rồi nên có lẽ đây là lần cuối cùng tôi đến thăm Mường Phăng” khiến mọi người có mặt bùi ngùi, xúc động. Và, cũng không ai ngờ được rằng, đó cũng là lần gặp cuối cùng của Đại tướng với mảnh đất và nhân dân Mường Phăng.

Theo sự chỉ dẫn của cô hướng dẫn viên, chúng tôi tham quan một lượt Trung tâm Sở Chỉ huy chiến dịch, xem đường hầm xuyên núi dài gần 100m được xây dựng kiên cố, là căn cứ đầu não của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ căn hầm chỉ huy đi ra triền núi phía sau không xa là đỉnh núi Pú Cá. Đây cũng là đỉnh núi cao nhất và có vị trí quan trọng về mặt quân sự. Từ đây, có thể nhìn thấy toàn bộ thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm của Điện Biên Phủ như cầu Mường Thanh, đồi A1, đồi Him Lam, đồi Độc Lập, hầm Đờ Cát…

Chúng tôi trở về trung tâm xã Mường Phăng. Với sự chung tay đoàn kết, phát triển, năm 2018, Mường Phăng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, điều dễ thấy nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm… đã cơ bản được hoàn thành. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn 8%… Cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Hàng hóa ở đây cũng có đủ các loại, từ đồ điện tử, hàng dân dụng, nhà hàng ăn uống, giải khát đến các sản phẩm của núi rừng như mật ong, nấm hương, hạt dẻ, táo mèo… và những sản phẩm có tính chất đặc trưng của người Thái như khăn Piêu, quần áo thổ cẩm,... đáp ứng nhu cầu du khách tham quan.

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là tỉnh Điện Biên, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Mường Phăng đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Từ nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua các chương trình của Chính phủ cùng với các chương trình, dự án phối hợp khác kết hợp với việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng đã mở lối thoát nghèo cho xã vùng cao này.

Ngoài việc xóa đói, giảm nghèo, chính quyền địa phương đang tích cực đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó tập trung đầu tư xây dựng khu du lịch hồ Pá Khoang, cạnh xã Mường Phăng và Bản du lịch cộng đồng Che Căn. Năm 2006, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký Quyết định công nhận bản Che Căn, xã Mường Phăng là bản truyền thống tiêu biểu dân tộc ít người và là một trong 20 bản văn hóa truyền thống của cả nước được đầu tư, bảo tồn.

Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức các món ẩm thực truyền thống của người bản địa và được xem chương trình văn nghệ dân gian do các nghệ sỹ dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú biểu diễn. Các lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát huy góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và tạo nên vóc dáng mới của Mường Phăng hôm nay.

Chia tay Mường Phăng trong nắng chiều bảng lảng, ngắm nhìn những ngôi nhà sàn còn thơm mùi gỗ mới, những ngôi trường mới được xây dựng, những con đường nhựa phẳng lỳ, được chứng kiến cuộc sống của người dân ngày càng no ấm, chúng tôi càng tin tưởng hơn về một tương lai tươi sáng với mảnh đất lịch sử và nhân dân Mường Phăng.

Và một điều mong muốn của tôi có lẽ cũng giống như nhiều người dân nơi đây là Mường Phăng sớm được công nhận là xã An toàn khu.

TRẦN NGUYÊN TRUNG