Trung tâm Lưu trữ quốc gia tiếp nhận nhiều tư liệu quý

Phạm Sỹ 06/05/2023 08:30

Ngày 5/5, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tiếp nhận tài liệu, tư liệu của cố nhà văn Sơn Tùng do đại diện gia đình nhà văn trao tặng.

Tư liệu do gia đình nhà văn Sơn Tùng trao tặng.

Đây là lần thứ 3 Trung tâm được tiếp nhận khối tài liệu lớn của gia đình nhà văn Sơn Tùng gồm tài liệu giấy, kỷ vật. Trong đó, tiêu biểu là các bản thảo viết tay, đánh máy tiểu thuyết “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Sen vàng - con đường từ Huế”, “Người vẽ cờ Tổ quốc”, “Từ con đường ấy”, “Người Sài Gòn trong đêm Hà Nội đánh B52”... và nhiều bài viết khác.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên gia đình gửi bảo quản tại Trung tâm 15 băng “Bác Hồ đến Mỹ”, “Người chụp ảnh Bác Hồ”, “Dấu ấn thế kỷ”, “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”, “Hẹn gặp lại Sài Gòn”… và nhiều hiện vật quý gắn với cuộc đời và sáng tác của nhà văn như radio, máy đánh chữ, đồng hồ đeo tay, hộp đựng bút, các loại kính, bản khắc dấu, các danh hiệu Anh hùng lao động, Huân chương, Huy chương, Kỷ niệm chương …

Những tư liệu chân thực, sinh động, đa dạng cùng với những tác phẩm từ chính ngòi bút của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và niềm say mê nghệ thuật của nhà văn Sơn Tùng là nguồn thông tin tin cậy, quý giá về các chặng đường lịch sử của dân tộc; là đóng góp của nhà văn với văn học nghệ thuật nước nhà. Ông không chỉ là một thương binh nặng, một người có công với nước mà còn là tấm gương về nhân cách và sự nỗ lực phi thường trong lao động.

Ông Bùi Sơn Định, con trai nhà văn Sơn Tùng cho biết, ông muốn giữ lại để làm nhà lưu niệm gia đình, nhưng vì tuổi đã cao, sẽ khó thực hiện được mong muốn, trong khi để có được khối tài liệu này là cả một quá trình gian truân, cha mẹ ông đã phải đổi cả bằng xương máu. Những người cung cấp tài liệu, tư liệu cho cha ông đều đã nằm xuống. Ông muốn gửi gắm những tài sản cha mẹ để lại cho mình, nhờ Trung tâm quản lý, bảo quản lưu giữ cho hậu thế.

Cảm ơn gia đình đã gửi gắm những tài liệu quý, bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho biết, đợt này Trung tâm được tiếp nhận bản gốc của tác phẩm và nhiều kỷ vật mà gia đình đã lưu giữ nhiều năm. Trước đó, gia đình đã gửi nhiều kỷ vật, có thể nói với đợt trao hiện vật này là những kỷ vật quý nhất.

“Những kỷ vật sẽ góp phần giúp cho công chúng có thể tìm hiểu về cuộc đời của Bác Hồ, cũng như về thân thế, gia đình và quá trình hoạt động cách mạng của Người. Những kỷ vật góp phần phong phú cho phông lưu trữ quốc gia Việt Nam” - bà Hoa chia sẻ.

Sinh thời, nhà văn Sơn Tùng đã gửi rất nhiều bản thảo, tác phẩm vào cơ quan lưu trữ quốc gia. Ông là một trong những cá nhân từ rất sớm đã tin tưởng gửi gắm những đứa con tinh thần của mình vào cơ quan lưu trữ.

Phạm Sỹ