PGS.TS Bùi Xuân Đính: Mất sắc phong là mất gốc văn hóa làng
Thực trạng mất cắp, rao bán, tổ chức đấu giá sắc phong của Việt Nam ở nước ngoài đã diễn ra nhiều năm nay. Gần đây nhất, thông tin nhiều sắc phong cổ của đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị đánh cắp năm 2021, sau đó được rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc đã tiếp tục đặt ra vấn đề cần gìn giữ, bảo vệ sắc phong quý tại làng quê Việt Nam. Xung quanh câu chuyện này, PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
- PV: Sắc phong là di sản của mỗi làng, tuy nhiên đến nay việc sắc phong bị mất cắp đã không còn là chuyện hiếm gặp. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
PGS.TS BÙI XUÂN ĐÍNH: Hiện tượng mất sắc phong (hay còn gọi là Đạo Sắc) trong các đình, đền của làng đã diễn ra từ đầu thập niên 1990 chứ không chỉ mới xuất hiện những năm gần đây. Một ngày tháng 6/1995, tôi đang làm việc với Đảng ủy xã Đông La (huyện Hoài Đức, khi đó thuộc tỉnh Hà Tây), về việc xuất bản cuốn Lịch sử cách mạng của xã thì một cụ ở làng Đông Lao hốt hoảng vào phòng họp báo mất 25 đạo sắc phong. Rồi vài ngày sau, cán bộ xã lại báo với tôi, làng Thọ Vực (xã Yên Nghĩa, ở làng bên (nay là phường Yên Nghĩa quận Hà Đông), cũng mất hết 7 đạo sắc. Thực trạng mất cắp sắc phong hiện nay đã trở nên trầm trọng. Nhưng rất tiếc, những tiếng “kêu cứu” của các nhà nghiên cứu, các làng quê chưa được quan tâm đúng mức.
Nguyên nhân dẫn đến các sắc phong dễ bị mất cắp là gì, thưa ông?
- Tôi thường về đình, đền, chùa các làng xã sưu tầm tài liệu, thấy các cụ để sắc phong sơ hở. Tôi đã nhắc các cụ (và cả cán bộ thôn, xã) có biện pháp bảo vệ bằng cách phô tô thành vài bản, còn bản chính cất kỹ chỉ vài ba cụ có trách nhiệm biết với nhau. Nhưng các cụ ở nhiều làng không thấy được sự hệ trọng của sắc phong, rồi kẻ gian lợi dụng thời điểm sơ hở để lấy cắp. Thêm nữa, tôi lo ngại rằng người dân và cán bộ ở các làng xã chưa hiểu hết được các giá trị của cổ vật, sắc phong, chưa thấy được nguy hại khi bị mất. Ở khía cạnh khác, có những người mang danh cơ quan văn hóa đến các làng xã mượn sắc phong sau đó không trả, hoặc đánh tráo sắc phong.
Theo ông, việc mất cắp sắc phong có thể gây tổn thất như thế nào đối với các làng quê?
- Trước tiên, phải khẳng định sắc phong là văn bản viết trên giấy sắc (loại giấy được vua, chúa sử dụng để viết sắc phong) có ấn của vua, có nội dung công nhận việc thờ thần của một làng (sắc phong thần) hay phong chức tước cho một vị quan (sắc phong chức tước).
Sắc phong là một sự khẳng định trên bình diện tín ngưỡng đối với việc thờ thần của một làng. Đó là hồn của di tích. Nếu đình, đền là phần xác thì sắc phong là phần hồn nên rất thiêng liêng. Nhiều làng được phong rất nhiều sắc và người ta giữ được rất cẩn thận. Cho nên có những làng có những nhà thờ riêng để lưu sắc gọi là đình sắc, ví dụ như làng Triều Khúc. Sắc phong được giữ gìn cẩn thận, không ai được động đến ngoài những người có trách nhiệm biết đến. Một năm tổ chức làm lễ và phơi sắc phong cho đỡ ẩm mốc sau đó cuộn lại để trong ống quyển, mang đi cất trong cung kín.
Sắc phong là tài sản độc bản vô giá. Việc mất sắc phong là mất gốc văn hóa làng. Điều đó là nguy hại cho thế hệ mai sau tìm hiểu về lịch sử. Nếu làng mất sắc phong sẽ dẫn đến tâm lý người dân trong làng nghi kỵ lẫn nhau, cộng đồng mất đoàn kết.
Khi sắc phong bị mất cắp, ai là người chịu trách nhiệm, thưa ông?
- Trước hết tôi cho rằng trách nhiệm sẽ thuộc về từng địa phương, bao gồm: Ban quản lý di tích và chính quyền xã, phường... Thứ hai cũng là trách nhiệm lớn nhất, tôi cho rằng đó thuộc về Bộ VHTTDL vì chưa có những chỉ dẫn cụ thể đến từng địa phương để ngăn chặn sự việc mất cắp sắc phong.
Về việc quy trách nghiệm đối với những người trông coi di tích, ở đây là các ban quản lý di tích ở các xã phường và các tiểu ban quản lý di tích ở các thôn làng không được rõ ràng. Tôi cho rằng luật Di sản ban hành đầy đủ nhưng tính thực thi làm thế nào để đảm bảo là chuyện khác.
Tôi thấy rất buồn là từ xưa đến giờ, những vụ việc ăn cắp cổ vật, sắc phong rất ít khi được đưa ra xét xử. Quan điểm của tôi thì tội trộm cắp, hủy hoại di sản văn hóa thì phải có chế tài đủ mạnh. Đặc biệt trong trường hợp cổ vật sắc phong phản ánh được giá trị lịch sử, văn hóa không dễ gì tạo được. Chính vì thế luật thời Lê và thời Nguyễn xử phạt rất nặng. Trong các bộ luật của nhà nước phong kiến đã quy định rõ trách nghiệm của những người coi giữ các di tích. Có những điều khoản trừng phạt những kẻ xâm phạm di tích, đánh cắp cổ vật trong di tích. Chỉ dụ năm 1853 vua Tự Đức ban hành lệnh chỉ cấp sắc phong 1 lần, nếu làng nào để mất thì không cấp lại nữa. Làng nào để mất sắc phong thì lý trưởng và người giữ đình sẽ bị đánh trượng.
Vì vậy, tôi cho rằng cần phải quy rõ trách nhiệm cho chủ tịch UBND xã, tiểu ban quản lý di tích, những người trông coi di tích phải có trách nhiệm thực sự, mất phải bồi hoàn, không để tình trạng của chung không ai khóc. Nếu chúng ta không làm nghiêm thì tình trạng mất cắp cổ vật, mất cắp sắc phong vẫn cứ tiếp diễn. Muốn giữ được sắc phong thì tính chủ động của làng xã vẫn là cái quan trọng nhất.
Lâu nay vẫn có một số người sưu tập sắc phong để làm tài sản văn hóa, như một thú chơi cá nhân. Ông nhìn nhận thú chơi ấy như thế nào?
- Theo tôi những người sưu tập sắc phong cổ nếu không muốn nói là vi phạm pháp luật thì cũng là xâm phạm đến tài sản di sản văn hóa của từng làng quê. Tính độc bản chỉ có ở từng làng quê, từng dòng họ có người làm quan. Đó không phải là tài sản của anh, nếu anh chấp chiếm là vi phạm pháp luật.
Gần đây một số hội, nhóm tiến hành trao tặng sắc phong cho làng quê. Tại Hà Nội một số nhóm, hội như Nhân sỹ Hà Đông đã trao trả 10 đạo sắc phong cho ấp Ứng Luật, Quang Thiện, Kim Sơn và 2 đạo sắc phong cho Dĩ Ninh, Kim Sơn của tỉnh Ninh Bình (24/4/2023)... Ông đánh giá như thế nào về hành động dâng lại sắc phong cho các làng từng bị mất?
- Đó là một hành động tốt đẹp và nên khuyến khích. Tuy nhiên để thu thập được những sắc phong đó là cả một vấn đề lớn, sau đó mang hoàn lại sắc phong cho làng quê lại là một vấn đề khác.
Có những trường hợp khi trao trả lại sắc phong cho làng nhưng do người dân và cán bộ ở các làng xã chưa hiểu hết được các giá trị của cổ vật, sắc phong, chưa thấy được nguy hại khi bị mất. Làng không biết hoặc nghi ngờ có phải sắc phong của làng không? Rất nhiều làng hiện nay không còn ai biết chữ Hán. Tiếp theo là nghi ngờ có sự lừa đảo, nhận sắc phong nhỡ sau này bị "há miệng mắc quai" phải trả bao nhiêu tiền...
Từ câu chuyện trên, vấn đề gìn giữ, bảo vệ sắc phong quý tại làng quê tiếp tục được đặt ra, vậy theo ông chúng ta cần có những biện pháp như thế nào để bảo vệ sắc phong?
- Bộ VHTTDL, các địa phương và những nhà nghiên cứu cần phải phối hợp thì mới có thể bảo vệ, bảo tồn được sắc phong. Bộ cần có chỉ đạo cụ thể về việc bảo vệ sắc phong. Bảo vệ sắc phong thứ nhất là bảo vệ an ninh cho di tích, an ninh cho người trông coi di tích. Ngay việc đãi ngộ, mỗi địa phương một kiểu. Các cụ đi trông coi di tích chẳng qua vì cái tâm chứ họ không có quyền lợi hoặc quyền lợi rất nhỏ.
Tôi cho rằng cần có kế hoạch bảo vệ như cất kín lại. Tôi ví dụ như làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) họ cho sắc phong vào két lớn, mật mã két chỉ có 3 cụ trong làng biết, bất kể thành viên nào muốn xem sắc phong phải có sự đồng ý của Ban quản lý di tích và có biên bản mở ra. Bản thân tôi muốn viết lịch sử cho làng muốn xem cuốn sắc phong cũng phải xin phép.
Và lưu ý, tuyệt đối không cho bất kỳ cá nhân nào mang bản gốc sắc phong ra khỏi di tích với bất kỳ lý do, danh nghĩa nào.
Trân trọng cảm ơn ông!