Mua bán sổ bảo hiểm trên mạng lại tái diễn
Tại nhiều địa phương có khu công nghiệp lớn tập trung đông lao động, công nhân thường rao bán sổ bảo hiểm dưới hình thức ủy quyền, cam kết không đi làm và nếu hủy kèo rút lại sổ sẽ phải đền tiền gấp đôi. Giá thu gom, mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) chỉ bằng 30-50% so với giá trị được thanh toán BHXH một lần.
Hối tiếc vì bán sổ bảo hiểm
Sau gần một tháng tìm việc chưa thành công, gia đình lại có việc gấp nên anh Nguyễn Đức Tạo (ở Bắc Giang) được bạn bè mách lên hội nhóm rao bán sổ BHXH. Mới đi làm được 10 năm, giờ công việc không ổn định nên không chút đắn đo, anh Tạo bán sổ BHXH với giá 120 triệu đồng. Số tiền này so với số tiền rút BHXH, anh Tạo sẽ bị thiệt hơn 30 triệu đồng. Biết bị thiệt nhưng vì cần tiền gấp nên anh vẫn quyết bán sổ BHXH.
“Với số tiền này tôi đã tạm đủ trang trải việc gia đình. Giờ may mắn tôi đã xin đi làm ở công ty nhưng ở tuổi 40 tôi mới đóng lại BHXH từ đầu, điều này đồng nghĩa với việc khi về hưu, lương hưu tôi sẽ rất thấp. Giá như thời điểm trước, hoàn cảnh không bí bách quá, không mang bán sổ BHXH thì bản thân không phải thiệt và không phải nơm nớp lo khi về già. Đi làm công nhân ngoài đồng lương ít ỏi thì nguồn động viên lớn nhất chính là cuốn sổ hưu và tấm thẻ bảo hiểm y tế để dưỡng già” - anh Tạo ngậm ngùi.
Trong thời gian qua vì khó khăn trước mắt đã có hàng chục nghìn người lao động mang sổ BHXH của mình đi bán. Theo cơ quan BHXH Việt Nam, thời gian gần đây liên tiếp nhận được thông tin phản ánh về một số trường hợp người lao động (NLĐ) và các hội, nhóm quảng cáo mua, cầm cố sổ BHXH trên Website, Facebook.
Qua rà soát sơ bộ trên mạng xã hội Facebook và sử dụng công cụ tìm kiếm Google với từ khóa “cầm, thanh lý sổ BHXH” đã cho thấy nhiều kết quả về các hội, nhóm này. Đơn cử như: nhóm "Mua và cầm sổ bảo hiểm xã hội" thu hút hơn 15.000 thành viên; nhóm "Cần bán, thanh lý sổ bảo hiểm xã hội" có 4.000 người... Người mua đăng số điện thoại kèm nội dung "nhận tất tần tật sổ lỗi, sổ trùng, sổ nợ bảo hiểm, sai tên, nghỉ ngang, chưa chốt gộp". Điều kiện chỉ cần sổ đóng trên 3 năm, có căn cước gắn chip, không cần cọc, không cần phí và sau 15 phút giao dịch người bán nhận được tiền.
Trước đó tại Thái Bình theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), giai đoạn 2020-2022 có trên 85.000 sổ bị thu gom, mua bán.
Chuyển cơ quan điều tra xử lý
Trước thông tin trên, ngày 5/5/2023, Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) đã có Công văn (kèm danh sách các đường link dẫn đến các trang/nhóm Facebook lập ra với mục đích mua, thu gom sổ BHXH của NLĐ để trục lợi) gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đề nghị đơn vị này vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động nói trên trên môi trường Internet. Về phía BHXH Việt Nam, nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng này, BHXH các tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua, bán sổ BHXH, như: Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần của NLĐ, kiểm soát, đối chiếu dữ liệu trên Hệ thống với thông tin trên sổ BHXH và Đơn đề nghị, đảm bảo các thông tin của người hưởng thống nhất, kiểm tra tính pháp lý của Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền; kiểm tra, đối chiếu đảm bảo đủ điều kiện giải quyết hưởng BHXH một lần, các giấy tờ tùy thân của người nhận kết quả giải quyết hưởng BHXH một lần theo đúng quy định hiện hành; đảm bảo trả hồ sơ, trả tiền đúng cho NLĐ hoặc người được ủy quyền hợp pháp…
Theo quy định của pháp luật hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho từng NLĐ giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH gắn với nhân thân từng NLĐ và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, đặc biệt khi đủ điều kiện, NLĐ sẽ được hưởng chế độ hưu trí và được cấp thẻ BHYT để an sinh, chăm sóc sức khỏe khi về già. Do đó, hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là hành vi trục lợi bất chính và bị xử lý nghiêm.
Theo Bộ LĐTB&XH, quy định hiện nay là NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng, mới được rút BHXH một lần.
Lý do là thực tế hiện nay, có tình trạng thu gom mua bán, cầm cố sổ BHXH với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị được thanh toán BHXH một lần, dưới hình thức ủy quyền làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần. Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình lớn từ giới chuyên gia cũng như của người dân. Bởi thực tế do nhận thức của một bộ phận NLĐ còn chưa đầy đủ, các đối tượng xấu đã lợi dụng quy định trên để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo NLĐ nhằm thực hiện việc mua, bán sổ BHXH của NLĐ với giá rẻ, kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp BHXH để sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan BHXH và hưởng chênh lệch.
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các địa phương, đơn vị đề xuất bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua, bán sổ BHXH; mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia BHXH. Đề nghị bổ sung quy định: “Nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội”.