Bỏ trần giá vé máy bay: Thời điểm nào thích hợp?

H.Hương 08/05/2023 07:30

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 168 gửi Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ Tài chính, Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) trả lời kiến nghị của doanh nghiệp hàng không về việc bỏ quy định khung giá trần nội địa đối với dịch vụ vận tải hàng không.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ trần giá vé máy bay để cho thị trường quyết định giá dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường. Ảnh: Quang Vinh.

Theo đó, cơ quan này cho rằng chức năng quản lý Nhà nước về hàng không do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định. Để làm rõ điều này, Bộ Tài chính dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: “Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT”. Theo Bộ Tài chính, cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ GTVT là nhà chức trách hàng không. “Căn cứ quy định trên, Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng và giá dịch vụ vận chuyển hàng không” - Bộ Tài chính khẳng định.

Do đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề nghị Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Tài chính báo cáo Bộ GTVT có ý kiến, đề xuất cụ thể kèm theo đánh giá tác động đối với các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa như kiến nghị của doanh nghiệp hàng không.

Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã kiến nghị bỏ quy định khung trần giá vé nội địa đối với dịch vụ vận tải hàng không.

Cũng tại cuộc họp về dự thảo Luật giá sửa đổi do Cục Quản lý giá tổ chức ngày 26/4, đại diện các doanh nghiệp hàng không tiếp tục có kiến nghị về các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.

Theo khung giá vé máy bay đang được áp dụng, giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500-800km, mức giá vé tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 - 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.

Đây là mức giá thu thuộc về hãng hàng không, còn về phía khách hàng sẽ phải thanh toán thêm thuế VAT áp dụng trên doanh thu thuộc về hãng hàng không cộng thêm mức thuế, phí sân bay (từ 80.000 – 120.000 đồng tùy theo các cấp sân bay).

Liên quan đến trần giá vé máy bay, câu chuyện này đã gây ra nhiều tranh cãi với hai luồng ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến nên bỏ để thị trường vé máy bay cạnh tranh hơn, thu hút thêm các nguồn lực để phát triển. Ngược lại có luồng quan điểm yêu cầu giữ trần giá vé máy bay bởi hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện, thậm chí cần rất nhiều điều kiện để được cấp phép hoạt động. Do đó, có giá trần để cơ quan quản lý nhà nước điều tiết, bảo đảm quyền lợi của hành khách là cần thiết.

TS Lương Hoài Nam – một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nêu quan điểm, nên bỏ trần giá vé máy bay để cho thị trường quyết định giá dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường. Việc duy trì trần giá vé máy bay sẽ làm các hãng hàng không mất đi cơ hội cải thiện tài chính ở giai đoạn cao điểm. Bên cạnh đó, việc này cũng vô hình trung kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa.

Giáo sư Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng nhận định, rất ít nước trên thế giới áp giá sàn và trần vé bay. Bởi vậy, việc bỏ giá trần vé máy bay là việc cần làm. Song song với đó, cần có công thức điều hành giá và tạo khung dao động bảo đảm mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch phù hợp với lợi ích của người dân. “Cơ chế quản lý giá có yếu tố đặc thù cho nên cần tham khảo kinh nghiệm của các nước để bảo đảm sự phát triển của ngành hàng không ổn định lâu dài và bền vững” – ông Đạt nói.

H.Hương