Cần bổ sung nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tiến Đạt 08/05/2023 07:00

Góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), ông Ngô Sách Thực - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần tập trung hoàn thiện các quy định liên quan đến khái niệm và nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Ông Ngô Sách Thực.

Theo ông Ngô Sách Thực, khái niệm người tiêu dùng quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần bổ sung thêm đối tượng là tổ chức. Bởi trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại (nhà trẻ, trường học, công ty,…). Việc bổ sung này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức khi tham gia tiêu dùng, khắc phục được hạn chế của các quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân, do không phải mọi tổ chức đều có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh. Quy định này cũng kế thừa quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành và Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999; đồng thời kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặc dù quy định về vấn đề này tương đối khác nhau nhưng pháp luật một số nước vẫn điều chỉnh người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức.

Liên quan đến nội dung giải quyết tranh chấp tại Tòa án quy định tại Mục 5 dự thảo Luật, ông Ngô Sách Thực cho rằng, cần quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong khi đa số các vụ tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị nhỏ, cần được giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Ông Thực cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội, là nội dung quan trọng cần được xem xét, quy định chi tiết, kỹ lưỡng trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đối chiếu dự thảo Luật với Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, tại Điều 6 của dự thảo Luật hiện đang quy định 5 nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Thực đề xuất bổ sung thêm nguyên tắc thứ 6 là “Xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi bị cấm, không tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn”.

Bởi đây là biện pháp phòng ngừa chung và giáo dục riêng, Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trách nhiệm của người bán hàng, trách nhiệm của quản lý nhà nước rất lớn. Trên thực tế, người tiêu dùng khó có thể thu thập đủ thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để kiểm định được chất lượng sản phẩm mà chỉ đơn thuần chọn mua sản phẩm, hàng hóa đó dựa trên niềm tin. Khi niềm tin đó không còn, quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng thì phải có căn cứ và biện pháp để xử lý nghiêm minh.

Nguyên tắc này cũng chi phối toàn diện các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, tác động rất lớn đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phù hợp với quan điểm xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): “Bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính. Theo đó, các quy định cần phải được xây dựng theo hướng giúp ngăn chặn, hạn chế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm nhưng cũng cần khuyến khích, bảo vệ các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính”.

Trên thực tế, người tiêu dùng khó có thể thu thập đủ thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để kiểm định được chất lượng sản phẩm mà chỉ đơn thuần chọn mua sản phẩm, hàng hóa đó dựa trên niềm tin. Khi niềm tin đó không còn, quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng thì phải có căn cứ và biện pháp để xử lý nghiêm minh.

Tiến Đạt