Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
Thời gian qua, MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đến nay, nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu đã dần được xóa bỏ, đưa các nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vào quy ước thôn, tổ dân phố.
Xã Hùng Lợi (huyện Yên Sơn) là địa bàn có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm trước, khi trong nhà có người qua đời, đồng bào người Mông thường giết mổ rất nhiều trâu, bò, lợn, gà... mời cơm anh em, làng xóm. Điều này dẫn đến tốn kém cả về thời gian, công sức, tiền bạc, trong khi đa phần cuộc sống người dân còn khó khăn.
Để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xóa bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu, MTTQ huyện Yên Sơn đã triển khai xây dựng mô hình “vận động đồng bào dân tộc Mông tham gia thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”. Sau thời gian ngắn thực hiện, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, được người dân đồng thuận hưởng ứng. Các thôn bản xây dựng quy ước, người dân đã tự nguyện thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang.
Đến nay, các đám cưới được tổ chức theo hướng tiết kiệm, ngắn gọn, phù hợp với phong tục tập quán địa phương và hoàn cảnh của từng gia đình. Đám cưới, đám tang về cơ bản không sử dụng âm thanh gây tiếng ồn quá mức quy định, không mở nhạc trước 6h sáng và sau 22h đêm, không dựng rạp trên lòng, lề đường gây cản trở giao thông…
Cùng với huyện Yên Sơn, trên cơ sở phong tục tập quán của từng địa phương, dân tộc, MTTQ các huyện, thành, thị đã có những cách làm sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Tại TP Tuyên Quang, Ủy ban MTTQ thành phố đã hướng dẫn, chỉ đạo 100% tổ dân phố đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang để nhân dân bàn bạc, thảo luận, đưa vào quy ước thôn, xóm, tổ dân phố thống nhất thực hiện. Cùng với đó, Mặt trận thành phố cũng xây dựng 4 mô hình điểm khu dân cư tự quản trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang tại các phường Đội Cấn, Phan Thiết, An Tường, Minh Xuân.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phát huy tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, việc thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, văn minh, đúng pháp luật, không phô trương, kéo dài và thực hiện không sử dụng thuốc lá. Việc tổ chức các đám tang cơ bản được rút ngắn, không còn các hủ tục lạc hậu.
Theo ông Nguyễn Hưng Vượng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, để bảo tồn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa của từng dân tộc, dần xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong vận động đồng bào các dân tộc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Từ năm 2021 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang phối hợp tổ chức 7 cuộc gặp mặt tại 7/7 huyện, thành phố và tổ chức hội nghị trực tuyến đến các xã, phường, thị trấn hướng dẫn triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Sau hội nghị của tỉnh, có 7/7 huyện, thành phố, 138/138 xã, phường, thị trấn tổ chức gặp mặt với 6.655 đại biểu với 708 lượt ý kiến bàn về những nội dung cần được thay đổi hoặc loại bỏ cho phù hợp với phong tục của từng dân tộc và quy định của pháp luật.
Tại nhiều địa phương, MTTQ các cấp đã chủ động xây dựng những mô hình hiệu quả, như Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Yên Sơn tổ chức ký chương trình phối hợp với UBND xã Trung Minh, Hùng Lợi xây dựng mô hình “vận động đồng bào dân tộc Mông tham gia thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Tuyên Quang với mô hình “Khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”. Thông qua tuyên truyền, vận động, đến nay các thủ tục trước, trong và sau đám cưới ở một số nơi đã đơn giản, gọn nhẹ; các đám tang cơ bản được tổ chức tiết kiệm.
Tính đến tháng 12/2022, toàn tỉnh Tuyên Quang có 1.305/1.733 thôn, bản, tổ dân phố thuộc 4 huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa đã hoàn thành sửa đổi, bổ sung và ban hành quy ước thôn, bản, tổ dân phố; 428/1.733 thôn, bản, tổ dân phố thuộc 3 huyện, thành phố: Na Hang, Lâm Bình, TP Tuyên Quang đang sửa đổi, bổ sung, trong đó đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vào quy ước thôn, tổ dân phố.