Vĩnh Phúc: Thực hiện hiệu quả chính sách cho vùng đồng bào DTTS và miền núi
Thực hiện chiến lược công tác dân tộc, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách dân tộc. Trong đó, việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội hội của tỉnh được đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn ngày càng khởi sắc.
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS có hơn 55.000 người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là các dân tộc Sán Dìu, Dao, Sán Chay (nhóm Cao Lan), Tày, Mường, Nùng… Các DTTS sống đan xen, rải rác ở địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh. Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến công tác dân tộc và đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay, tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn; 37/40 xã vùng DTTS và miền núi đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới; cơ sở hạ tầng tại các xã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ. Cùng với những chính sách của Nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động, linh hoạt thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi như: Hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người DTTS sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; hỗ trợ học phí cho con em người DTTS; hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là đồng bào DTTS.
Ông Hoàng Anh, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Dân tộc tỉnh cho biết, chương trình Mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện trên địa bàn 11 xã, thị trấn vùng DTTS. Trên cơ sở hướng dẫn và yêu cầu của Trung ương, tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản triển khai các cơ chế, chính sách, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương trong tỉnh thực hiện. Theo đó, các sở, ban, ngành và UBND các huyện bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc để triển khai thực hiện nguồn vốn đã được giao, đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các danh mục dự án đầu tư để trình giao vốn theo quy định. Hệ thống các văn bản bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp điều kiện phát triển kinh tế và phát triển của địa phương.
Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ quan tâm tạo điều kiện cho người nghèo ổn định, phát triển sản xuất, việc làm, tăng thu nhập. Trong đó, tiếp tục thực hiện cho vay vốn đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác; nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, đảm bảo các đối tượng hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn. Tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để có vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo DTTS; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản; hỗ trợ phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ chi phí giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, tư vấn, nâng cao kiến thức kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật theo hướng sản xuất hàng hóa nhất là đối với các sản phẩm là thế mạnh của các địa phương, ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo làm nông nghiệp có lao động, có tư liệu sản xuất nhưng thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm sản xuất nhằm tạo cơ hội cho người nghèo ổn định sản xuất, việc làm, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương…