Ngày 8/5: Có 2.055 ca mắc Covid-19, 1 F0 tại Tây Ninh tử vong
Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 8/5 của Bộ Y tế cho biết có 2.055 ca mắc mới, tăng nhẹ so với hôm qua; trong ngày có 1 bệnh nhân tại Tây Ninh tử vong; 474 ca khỏi.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.577.938 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.004 ca nhiễm).
Tình hình điều trị Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 474 ca
Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.627.736 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 84 ca, trong đó:
Thở ô xy qua mặt nạ: 74 ca
Thở ô xy dòng cao HFNC: 7 ca
Thở máy không xâm lấn: 2 ca
Thở máy xâm lấn: 1 ca
ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
Trong ngày ghi nhận 1 ca tử vong tại: Tây Ninh.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 1 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.197 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine Covid-19
Trong ngày 7/5 có 0 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.272.067 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.642.061 liều: Mũi 1 là 70.908.603 liều; Mũi 2 là 68.452.759 liều; Mũi bổ sung là 14.343.924 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.108.523 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.828.252 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.366 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.664.463 liều: Mũi 1 là 10.214.324 liều; Mũi 2 là 8.450.139 liều.
Covid-19: Từ khẩn cấp sang phòng ngừa dài hạn
Theo SKĐS, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng cho rằng dù WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng "không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ rơi, không hành động gì".
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thực tế ngày 3-5 vừa qua, WHO xây dựng và đã công bố chiến lược mới trong phòng chống Covid-19 giai đoạn 2023-2025, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn.
Ông cũng dẫn các thông tin cho rằng WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu có nhiều lý do như: Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 của WHO đã đưa ra những bằng chứng rằng Covid-19 đã giảm rủi ro đối với sức khỏe con người chủ yếu là nhờ khả năng miễn dịch từ nhiễm bệnh và tỉ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu ngày càng cao.
Cùng đó, độc lực của virus gây bệnh cũng có sự ổn định tương đối, kể cả với các biến thể phụ đang lưu hành của Omicron và các biến thể phụ trước đó. Dù virus SARS-CoV-2 có tiếp tục tiến hóa với các biến thể nhưng nó không liên quan đến mức độ nghiêm trọng và không gây ra yếu tố bất ngờ.
Ngoài ra, tỷ lệ nhập viện và tử vong có chiều hướng giảm, không còn gây căng thẳng cho các hệ thống y tế như trước. Đặc biệt là sự cải thiện tình trạng bệnh của ca lâm sàng, cải thiện việc quản lý ca bệnh lâm sàng…
Những yếu tố này đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19.