'Ngôi nhà chung' cần cơ chế đặc thù
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã gặt hái được những thành quả nhất định trong việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc. Tuy nhiên, hoạt động của “ngôi nhà chung” vẫn chưa thu hút được các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước dẫn đến thiếu nhiều dịch vụ thu hút khách du lịch thời gian qua...
Nơi hội tụ và lan tỏa
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam xây dựng tại Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) được coi là điểm kết nối tuyến du lịch phía tây Thủ đô và là một nơi có cảnh quan “sơn thủy hữu tình”, vị trí lý tưởng cho việc đầu tư xây dựng một quần thể Văn hóa - Du lịch.
Kể từ khi đi vào hoạt động, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã nỗ lực trong việc phối hợp với các địa phương tổ chức đưa bà con các dân tộc về giới thiệu một số nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc mình tại Khu các làng dân tộc.
Cùng với đó là tổ chức các hoạt động thường niên tại đây như: Sắc xuân trên mọi miền tổ quốc (dịp đầu năm mới âm lịch); các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4); Tuần Đại đoàn kết dân tộc - di sản Văn hóa Việt Nam (chào mừng Ngày Di sản văn hóa và thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam từ ngày 18 - 23/11).
Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, các nghệ nhân đang tham gia sinh hoạt ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã bày tỏ mong muốn được gắn bó với “ngôi nhà chung” để khơi dậy giá trị và quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Bà Nguyễn Thị Xuyến, dân tộc Tày, đến từ Thái Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi về đây sinh hoạt với mong muốn bảo tồn và giới thiệu những bản sắc dân tộc của mình. Khi du khách đến đây tham quan, chúng tôi có dịp giới thiệu những làn điệu hát then và sản phẩm đặc trưng”.
Ghé thăm tại khu làng của người dân tộc Xơ Đăng đến từ tỉnh Kon Tum, những nghệ nhân đang sinh hoạt tại đây cho biết, họ mong muốn được biểu diễn những tiết mục văn nghệ để quảng bá giá trị văn hóa của người Xơ Đăng. Trò chuyện với các nghệ nhân, chúng tôi nhận thấy rõ những tâm huyết và tình yêu mà họ dành cho “ngôi nhà chung”. Hơn ai hết, họ mong muốn bản sắc văn hóa của dân tộc mình được nhiều người biết đến.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, chuyên gia lĩnh vực văn hóa cho rằng, từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu và khám phá về văn hóa các dân tộc Việt Nam của người dân, mà còn được xem là những khuôn thước văn hóa rất riêng tạo nên sự đa dạng, phong phú, năng động và sáng tạo của văn hóa 54 dân tộc anh em. Những khuôn thước văn hóa ấy chính là cốt lõi, nền tảng trong hành trang xây dựng cuộc sống hiện tại và tương lai.
Cần cơ chế đặc thù
Tuy nhiên, cho đến nay Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mới cơ bản hoàn thành xây dựng các công trình kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật theo nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước mà chưa thu hút được các dự án đầu tư ngoài ngân sách, chưa xây dựng được nội dung hoạt động và cơ chế phối hợp trong quản lý và vận hành Khu các làng dân tộc nên việc tổ chức hoạt động còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Ban Nghiệp vụ văn hóa dân tộc, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, việc chưa thu hút được các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam do thiếu các dịch vụ du lịch như vui chơi giải trí, lưu trú, nhà hàng, khách sạn...
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trịnh Ngọc Chung - Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, hiện nay, những hạ tầng cung cấp dịch vụ tại không gian của 54 dân tộc có những cơ sở được đầu tư. Nhưng đối với một đơn vị sự nghiệp công lập mà không có được cơ chế liên doanh liên kết, không được sử dụng tài sản một cách hợp pháp, hợp lý thì không thể phát huy hết đầu tư công.
“Chúng tôi đang trình lãnh đạo Bộ VHTTDL đề án đưa tài sản công vào việc liên doanh, liên kết cho thuê. Nếu được phê duyệt thì ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ cho bà con, phục vụ các sự kiện của đất nước, thì có thể khai thác tối đa các hạ tầng đã được nhà nước đầu tư bằng hình thức xã hội hóa. Có những hoạt động như vậy không những phát huy tối đa đầu tư công mà chúng ta còn có thêm nguồn lực để quay trở lại đầu tư cho bà con, cho các hoạt động văn hóa, từ đó thúc đẩy sự phát triển của “ngôi nhà chung” - ông Chung nói.