Đề thi môn Ngữ văn: Cẩn trọng lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa

Hàn Minh 09/05/2023 06:37

Sau gần một năm đổi mới dạy và học môn Ngữ văn ở lớp 10 bậc THPT theo hướng triệt tiêu văn mẫu, một trong những khó khăn đó là việc lựa chọn ngữ liệu văn bản ngoài sách giáo khoa (SGK) làm sao để tránh trùng lặp, phù hợp với trình độ đa dạng của học sinh.

Học sinh ngay từ khi học THCS đã được chuẩn bị cho những thay đổi của môn Ngữ văn ở cấp THPT (Ảnh minh họa).

Mỗi văn bản trong cuộc sống không giống nhau

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất đồng tình với chủ trương đổi mới với môn Ngữ văn, cụ thể là việc ngữ liệu của đề thi sẽ nằm ngoài SGK. Đây là mong muốn lâu nay bởi với thực tế dữ liệu có sẵn trong SGK thì sẽ có văn mẫu. “Khi đề thi quay đi quay lại ở vài ngữ liệu như vậy, với văn mẫu thì tiêu cực trong thi cử sẽ xuất hiện. Chẳng hạn trong khi coi thi thầy cô lơ là một chút, buông một chút thì lập tức sẽ nảy sinh gian lận” – TS Nhất nêu quan điểm.

Theo ông Nhất, học môn Ngữ văn trước hết là để đọc hiểu được văn bản. Nếu chỉ loanh quanh ở các ngữ liệu quen thuộc thì sẽ khó đánh giá được các nội dung này nói gì đến cảm thụ văn bản… Trong cuộc đời mỗi người sẽ liên tục gặp các văn bản mới, cần trang bị cho người học để có thể hiểu, giảng giải được văn bản đó.

Thực tế sau gần 1 năm triển khai đổi mới giảng dạy môn Ngữ văn cấp THPT, đến nay cả thầy và trò đã dần làm quen và thích ứng với việc ra đề kiểm tra mới mẻ, thoát ly được văn bản quen thuộc trong SGK cũng đồng thời thay đổi cách dạy đọc - chép vốn được áp dụng nhiều năm nay. Học sinh không cần phải học thuộc lòng nội dung giáo viên cho ghi trên lớp để đưa vào bài làm. Từ đó tạo điều kiện cho các em có cơ hội làm giàu kiến thức của bản thân thông qua việc được tự mình đọc - hiểu, cảm nhận về tác phẩm khác cùng thể loại đã học.

Triệt tiêu văn mẫu cũng giúp giáo viên đánh giá đúng năng lực làm bài của học sinh. Học sinh cũng được tự do thể hiện các ý tưởng khác nhau theo hiểu biết, quan điểm cá nhân mà không bị gò bó với những nội dung đã được quy định.

Dẫu vậy, để có được một đề kiểm tra, một đề thi Ngữ văn phù hợp, có khả năng phân hóa với từng đối tượng học sinh là điều không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh hiện nay đa số các trường đều phân công một giáo viên giảng dạy nhiều lớp cùng một lúc. Cô giáo Dương Bích Huyền (Trường THPT Lịch Hội Thượng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, để tạo sự công bằng cho học sinh và cũng để giáo viên đánh giá khách quan kết quả làm bài ở các lớp, các thầy cô đảm nhiệm dạy nhiều lớp 10 phải chọn nhiều ngữ liệu khác nhau thiết kế bộ đề kiểm tra tương ứng với từng đối tượng học sinh các lớp.

Bám sát yêu cầu cần đạt

Vừa qua, trên mạng xã hội xôn xao về đề thi học sinh năng khiếu cấp huyện môn Ngữ văn lớp 7 năm học 2022 - 2023 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ). Nhiều ý kiến cho rằng, đề quá khó với nhận thức và kinh nghiệm, hiểu biết của học sinh lớp 7. Trong khi có ý kiến cho rằng, đề đưa ra nội dung để bàn luận, mỗi học sinh ở mức độ nhận biết khác nhau sẽ bình luận theo cách khác nhau, miễn là thuyết phục được giám khảo bằng các lập luận chặt chẽ, dẫn chứng… Sau đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo Cẩm Khê đã đưa ra thông báo, thầy cô trong tổ ra đề kiểm tra, thẩm định lại nội dung. “Các ý kiến đều đồng thuận đánh giá đề Văn này không sai, phù hợp để đánh giá học sinh trong kỳ thi này”.

Đúng là đề thi không sai về mặt nội dung văn bản, nhưng để khẳng định phù hợp với học sinh lớp 7 hay không, cần căn cứ vào yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông đặt ra đối với học sinh ở lứa tuổi này. Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chỉ yêu cầu các em đọc hiểu, viết và nói, nghe ở những mức độ rất vừa phải. Về đọc, học sinh đọc hiểu các văn bản: Tục ngữ, truyện ngụ ngôn, truyện khoa học viễn tưởng, truyện nói chung, thơ trữ tình, tùy bút, tản văn. Về viết, chương trình lớp 7 chỉ yêu cầu học sinh biết viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử; viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc một bài thơ 4, 5 chữ...

Như vậy, đối chiếu theo các yêu cầu của chương trình, đề Văn trên vượt xa các nội dung cơ bản và nâng cao, ngay cả đề ra cho học sinh giỏi thì vẫn cần phải căn cứ vào các yêu cầu của chương trình.

Để thiết kế một đề thi Ngữ văn cho học sinh với ngữ liệu ngoài SGK là câu chuyện không dễ dàng với bất cứ giáo viên nào. Học trò không có văn mẫu, chính giáo viên cũng không có văn mẫu nên bắt buộc phải dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu tập huấn, trao đổi và sưu tầm, học hỏi từ đồng nghiệp để có những đề thi không chỉ không sai mà còn phải phù hợp với học sinh, kích thích khả năng sáng tạo, tư duy của các em.

Cô giáo Đặng Thị Thanh Ngân - giáo viên Ngữ văn (Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, theo yêu cầu kiểm tra đánh giá mới, cấu trúc đề kiểm tra Ngữ văn được thiết kế có đầy đủ các mức độ đánh giá năng lực của học sinh từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao. Trong đó sự phân loại học sinh thể hiện ở những câu hỏi yêu cầu vận dụng cao chiếm tỷ lệ 10 - 20%. Riêng phần trích dẫn hay các ngữ liệu bên ngoài phải rất cẩn trọng, ngoài việc phải lựa chọn những văn bản uy tín, đã được kiểm định, tránh vi phạm, thầy cô cũng cần nghiên cứu mức độ phù hợp với từng đối tượng học sinh bởi mỗi lớp, mỗi học sinh có năng lực cảm thụ riêng.

Hàn Minh