Tín hiệu tích cực từ thị trường lao động

Lê Bảo 09/05/2023 06:37

Báo cáo mới đây về thị trường lao động, Bộ LĐTB&XH cho biết, dựa trên những dữ liệu cũng như từ nhu cầu thực tế, bước vào quý II thị trường lao động sẽ có nhiều dấu hiệu lạc quan. Theo đó, khoảng 51,25 triệu người có việc làm trong quý II, tăng thêm 150.000 người so với quý I.

Quý II dự báo thị trường lao động sẽ có nhiều dấu hiệu lạc quan .Ảnh: Quang Vinh.

5 nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là phát triển phần mềm, quản trị mạng, an ninh mạng, chuyên viên dữ liệu và truyền thông; kế toán và tài chính; kinh doanh, bán hàng quản lý sản phẩm; tư vấn sức khỏe và các công việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe; kỹ sư cơ khí, điện tử, tự động hóa.

Ông Gaku Echizenya - Tổng giám đốc Navigos Group (Tập đoàn sở hữu trang tuyển dụng lớn tại Việt Nam) cho biết, có nhiều tín hiệu kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc vào 2 quý cuối năm 2023. Nhờ có lợi thế của các hiệp định thương mại nên các nhãn hàng đều cam kết khi thị trường phục hồi vẫn tiếp tục gia công ở Việt Nam, đây là tín hiệu tốt về cơ hội phục hồi của thị trường trong nửa cuối năm 2023. Vì thế các doanh nghiệp tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để duy trì việc làm ổn định nhằm giữ chân NLĐ, nhất là lao động có tay nghề cao, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi thời gian tới…

Dự kiến trong thời gian tới, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục được duy trì phát triển, cho nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại. Theo đó, tình hình thị trường lao động sẽ trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tăng.

Mặc dù có những dấu hiệu lạc quan song theo các chuyên gia kinh tế, muốn thị trường lao động phát triển thì kinh tế phải tăng trưởng, vì giữa tăng trưởng kinh tế, sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó phải kể đến các giải pháp để phát triển thị trường bất động sản, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Khi vốn được bơm ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, thu nhập của người dân tăng, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn, thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ sẽ bù đắp lại một phần do xuất khẩu giảm.

Theo ông Lê Quang Trung - Nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH), thị trường lao động thời gian tới sẽ có những tín hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên, vẫn cần lường trước, dự báo những biến động của thị trường tác động đến việc làm, đây không phải vấn đề có thể khắc phục một sớm một chiều.

Để phục hồi thị trường lao động, ông Trung cho rằng, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực cũng như nắm chắc thị trường lao động đang có nhu cầu ở những ngành nghề nào, số lượng bao nhiêu, từ đó đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn. Chỉ khi doanh nghiệp tồn tại mới có thể giữ chân người lao động. Giữ được chân người lao động sẽ đỡ chi phí tuyển dụng sau khi sản xuất phục hồi.

Theo ông Trung, hiện nay Cục Việc làm đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho NLĐ; thúc đẩy việc học tập, nâng cao tay nghề cho công nhân lao động. Nghiên cứu phát triển các chương trình đào tạo về tác phong, kỷ luật, tâm lý NLĐ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Một số ý kiến cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần triển khai giải pháp để giữ chân, thu hút NLĐ. Cùng với đó là việc đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động, đặc biệt là đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, những lao động có kỹ năng tay nghề để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.

“Tình trạng cắt giảm lao động diễn ra thời gian qua nguyên nhân chính do các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, khi cắt giảm lao động, doanh nghiệp sẽ thay thế lao động có tay nghề thấp, những lao động có trình độ cao sẽ được ưu tiên giữ lại bởi họ có thể đảm nhiệm cùng lúc nhiều công việc khác nhau. Do vậy, để ứng phó với những biến động của thị trường, người lao động cần nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc”- Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Lê Bảo