Chứng chỉ nghề và chất lượng nguồn nhân lực
Dạy nghề - học nghề, với quốc gia nào cũng là điều cần thiết, từ đó có nhiều hình thức dạy nghề khác nhau. Có khi là dạy tập trung hệ trung cấp, cao đẳng từ 1 đến 3 năm. Có khi dạy nghề - học nghề theo từng chương trình, đây là cách trang bị nghề cho người lao động ngắn ngày, với những nghề đơn giản. Tuy nhiên, chứng chỉ nghề rất cần thiết với nhiều người khi đi xin việc. Từ đó phát sinh tiêu cực.
Còn nhớ, cuối tháng 12/2022, Công an tỉnh Hải Dương đã phá vỡ một đường dây gồm 68 đối tượng làm giả chứng chỉ nghề hoạt động từ Bắc vào Nam. Số lượng phôi chứng chỉ các loại bị thu giữ khoảng 1 triệu cái cho thấy quy mô rất lớn của đường dây này. Đường dây này hoạt động từ năm 2017 đến khi bị công an phá vỡ (tháng 12/2022). Những người cầm đầu đường dây đã đứng ra mở các trường đào tạo nghề nhưng không đào tạo thật mà chỉ dùng làm thương hiệu lên mạng rao bán các loại chứng chỉ nghề. Mỗi chứng chỉ bán ra có giá từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng. Thật đáng ngạc nhiên khi đối tượng khai với cơ quan công an là nếu “khách” mua nhiều được giảm giá còn từ 300.000-450.000 đồng/chứng chỉ.
Phương thức hoạt động là nhân viên đăng thông tin lên nhiều trang web, Zalo để tìm kiếm “khách hàng” mua chứng chỉ mà không cần qua đào tạo, sát hạch. Đây cũng là một dạng “bằng thật mà học giả” vì người có chứng chỉ hoàn toàn không có tay nghề thật sự.
Từ đó đặt ra vấn đề: người có chứng chỉ có phải trải qua kiểm tra tay nghề hay chỉ cần có chứng chỉ nghề để nộp kèm hồ sơ cho đúng quy định là xong?
Thực tế thì việc kiểm tra ở đơn vị tuyển dụng dường như rất lỏng lẻo. Bằng chứng là cả 3 trường đào tạo nghề trong đường dây này hoặc đã bị cơ quan chức năng rút giấy phép như trường Kinh tế kỹ thuật Trường Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Trường Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn (TPHCM), hoặc chưa được cấp phép hoạt động ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như trường Kinh tế kỹ thuật miền Nam (tỉnh Bình Dương) nhưng không bị nơi tiếp nhận phát hiện.
Tính hợp pháp của chứng chỉ nghề bị bỏ qua, việc kiểm tra tay nghề cũng vậy. Điều đó dẫn đến việc người được đào tạo thật có tay nghề cũng không khác biệt nhiều với người không được đào tạo nghề.
Điều đó dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực thấp. Đồng thời tình trạng “làm đẹp hồ sơ” bằng các văn bằng, chứng chỉ - trong đó có chứng chỉ nghề vẫn tồn tại mà chưa có dấu hiệu chấm dứt. Bằng chứng là, trên mạng vẫn tồn tại nhiều địa chỉ rao bán chứng chỉ nghề, kể cả mức thu “trọn gói” cho bằng lái ô tô.
Đây thực sự là điều đáng lo ngại.
Từ câu chuyện này xin được nhắc lại số liệu được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đưa ra tại một hội thảo có tên “Giáo dục Việt Nam 2019 về vấn đề phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”. Theo đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bố trên phạm vi cả nước với 1.917 cơ sở, trong đó 400 trường cao đẳng, 492 trường trung cấp và 1025 trung tâm. Tỉ lệ người học tốt nghiệp ra trường có việc làm trong vòng 6 tháng đạt từ 80-85%, trong đó có những ngành nghề đạt 100%, với tỉ lệ thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Riêng năm 2022, học viên học nghề lên tới gần 2,45 triệu - cao nhất trong vòng 5 năm.