Nhiều khu vực có mưa dông, đề phòng lốc sét, mưa đá

P.Vân 09/05/2023 06:47

Các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh.

Theo dự báo thời tiết hôm nay 9/5 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các khu vực trên cả nước dự kiến có mưa rải rác, riêng Hà Nội và Đông Bắc Bộ có gió đông đến đông nam cấp 2 - 3.

Dự báo chi tiết các khu vực:

Hà Nội: Nhiều mây, sáng có mưa rải rác; sau có mưa vài nơi. Gió đông đến đông nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất từ: 23-25 độ. Nhiệt độ cao nhất từ: 26-28 độ.

Phía Tây Bắc Bộ: Nhiều mây, có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 22-25 độ, có nơi dưới 22 độ. Nhiệt độ cao nhất từ: 26-29 độ, riêng khu Tây Bắc có nơi trên 29 độ.

Phía Đông Bắc Bộ: Nhiều mây, sáng có mưa, mưa rào rải rác; sau có mưa vài nơi. Gió đông đến đông nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất từ: 22-25 độ. Nhiệt độ cao nhất từ: 25-28 độ.

Thanh Hóa - Thừa Thiên - Huế: Nhiều mây, có mưa rào vài nơi. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất từ: 23-26 độ. Nhiệt độ cao nhất từ: 28-31 độ, có nơi trên 31 độ

Đà Nẵng đến Bình Thuận: Nhiều mây, phía Bắc có mưa rào vài nơi, riêng chiều tối có mưa rào và dông rải rác; phía Nam chiều và đêm có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 26-29 độ. Nhiệt độ cao nhất từ: 28-31 độ, phía Bắc có nơi trên 31 độ.

Tây Nguyên: Nhiều mây, chiều và đêm có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 21-24 độ, có nơi dưới 20 độ. Nhiệt độ cao nhất từ: 25-28 độ, có nơi trên 28 độ.

Nam Bộ: Nhiều mây, chiều và đêm có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 24-27 độ. Nhiệt độ cao nhất từ: 28-31 độ, có nơi trên 31 độ.

Thiên tai gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương

Theo TTXVN, tính đến 16 giờ 30 phút ngày 8/5, mưa to, dông lốc, mưa đá, gió giật mạnh đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương như hoa màu gẫy đổ, gia súc chết, nhà bị sạt lở.

Trường học ở xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, Đắk Lắk bị tốc mái. (Ảnh: TTXVN phát).

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 16 giờ 30 phút ngày 8/5, mưa to, dông lốc, mưa đá, gió giật mạnh đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương.

Cụ thể, mưa to, dông lốc, mưa đá, gió giật mạnh đã làm 1 người mất tích do chìm thuyền nan trên biển (ông Nguyễn Văn Th, sinh năm 1971, trú tại thôn Trung Thành, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình); 2 người bị thương ở huyện Quế Phong (Nghệ An); 1.003 nhà tốc mái, hư hỏng (Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Thuận, Đồng Nai).

Cùng với đó, có 7.581 ha lúa, hoa màu thiệt hại (Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận); 1.005m mương bị sạt lở (tại Lào Cai); 3 tàu chìm, hư hỏng (Quảng Trị 2, Thừa Thiên-Huế 1); 16 con gia súc chết (Hà Giang).

Tại thành phố Cần Thơ, khoảng 3 giờ ngày 8/5, vụ sạt lở bờ sông đã xảy ra tại khu vực ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền khiến phần nhà phía sau của 7 hộ dân bị sụp xuống sông Cần Thơ. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 2 người chết và mất tích trên biển (tỉnh Quảng Trị). Hiện địa phương chưa xác định được nguyên nhân và đang tổ chức tìm kiếm.

Theo báo cáo của Điện lực Trị An, Đồng Nai, cơn mưa lớn kèm dông lốc xảy ra chiều 8/5 đã khiến hơn 7.600 hộ dân thuộc thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai bị mất điện.

Sau khi xảy ra sự cố, Điện lực Trị An đã bố trí lực lượng kiểm tra xử lý đóng điện trở lại tuyến chính. Đến gần 16 giờ cùng ngày, đơn vị đã cung cấp điện trở lại cho gần 7.300 khách hàng.Chiều tối cùng ngày, Điện lực Trị An vẫn đang cô lập trạm biến áp dân cư Thị Đội để xử lý và vẫn còn 355 khách hàng đang bị mất điện.

Cùng ngày, tại thành phố Biên Hòa và các huyện lân cận như Trảng Bom, Định Quán, cơn mưa lớn bất ngờ ập xuống khiến nhiều nơi ngập nặng.

Một số tuyến đường ở nội ô thành phố Biên Hòa như Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, Quốc lộ 51 đoạn qua phường Long Bình Tân… bị ngập sâu, nhiều nơi các phương tiện không thể di chuyển qua lại.

Ghi nhận, nút giao đường Đồng Khởi-Bùi Trọng Nghĩa và khu vực công viên 30/4 (thành phố Biên Hòa) bị ngập nặng nhất, nước cao hơn nửa bánh xe và chảy xiết khiến xe cộ đi lại hết sức khó khăn. Nhiều xe máy chết máy phải dắt bộ qua vùng nước ngập.

Ngoài ra, mưa lớn kèm dông lốc cũng khiến một số hàng quán tốc mái, một quán ăn đổ sập, hàng chục cây xanh ngã đổ…

Một số người dân sống ở phường Hiệp Hòa, Bình Đa và An Bình (thành phố Biên Hòa) cho biết, trong cơn mưa có xuất hiện mưa đá. Tuy nhiên, các hạt đá nhỏ và trong thời gian ngắn, không gây ảnh hưởng nhiều.

Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Nai cho biết, chiều cùng ngày, thành phố Biên Hòa và các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán đón cơn mưa lớn, đặc biệt lớn. Đây là trận mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Theo đó, lượng mưa đo được tại Biên Hòa đạt 54mm, tại trạm Phú Hiệp (xã Gia Canh, huyện Định Quán) đạt 111mm, tại Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) đạt 109mm. Ngoài ra, các nơi khác cũng ghi nhận lượng mưa từ 13-51mm.

Đối với tình trạng mưa đá, ông Nguyễn Phước Huy cho biết tại các trạm khí tượng không ghi nhận nhưng có thể có, bởi mưa đá diễn ra thường trong thời gian rất ngắn, chỉ vài phút và trên diện hẹp.

Ngày 8/5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do mưa lớn, dông, sét kèm theo gió lốc giật mạnh xảy ra trên địa bàn huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận).

Theo đó, ngày 7/5, tại một số xã Đa Kai, Sùng Nhơn và thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh có mưa to. Trong mưa kèm theo dông, sét và gió lốc xoáy giật với cường độ mạnh, phạm vi ảnh hưởng tương đối rộng. Do mưa lớn, dông, sét xảy ra nhanh kèm theo gió lốc giật mạnh bất ngờ và xảy ra vào rạng sáng nên việc chỉ huy, ứng phó không kịp.

Mưa gió không làm thiệt hại về người nhưng khiến 2 ngôi nhà và một số máy móc, trang thiết bị, văn phòng phẩm… của người dân bị hư hỏng.

Mưa to gió lớn cũng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn. Hơn 300 cây sầu riêng (5- 15 năm tuổi) bị đổ gãy hoàn toàn; hơn 500 cây khác bị gãy ngọn, cành, rụng trái non tại thôn 10, xã Đa Kai. Ước sản lượng sầu riêng thiệt hại khoảng 1.000 tấn. Ngoài ra, 25 ha khoai lang đang chuẩn bị thu hoạch cũng bị ngập nước. Tổng ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 62 tỷ đồng.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức giúp đỡ người dân di dời đến nơi an toàn, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Để tiếp tục ứng phó với các loại hình thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh, đồng thời tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

P.Vân