Khai mạc Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 17, khoá IX
Sáng ngày 9/5, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 17, khoá IX. Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Hữu Dũng, Hoàng Công Thủy.
Tham dự Hội nghị có ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Quốc hội cùng các cụ, các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, thực hiện Quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam và Chương trình công tác năm 2023, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức họp lần thứ 17, khoá IX. Tại Hội nghị lần này, Đoàn Chủ tịch sẽ thảo luận, đi đến thống nhất để tổ chức thực hiện 4 nội dung quan trọng.
Nội dung thứ nhất, Đoàn Chủ tịch sẽ thảo luận, cho ý kiến thống nhất để ban hành Đề án tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, theo quy chế làm việc, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị lãnh đạo Đại hội. Ngày 05/5/2023, Ban Bí thư đã họp, thảo luận thống nhất ban hành Chỉ thị lãnh đạo Đại hội. Ban Thường trực đang phối hợp với Văn phòng Trung ương tiếp thu ý kiến của Ban Bí thư hoàn thiện Chỉ thị để trình ký ban hành.
Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp lần này tiếp tục làm sâu sắc thêm vị trí, vai trò, tầm quan trọng của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị; đánh giá đúng đắn kết quả đã đạt được, chỉ rõ hạn chế nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời, xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, yêu cầu cần đạt được trong nhiệm kỳ tới. Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam (nếu có); hiệp thương thống nhất cử Ủy ban, Ban Thường trực, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch theo hướng nâng cao chất lượng, có cơ cấu hợp lý, mở rộng được các Ủy viên đại diện cho các giai cấp, giai tầng trong xã hội có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết, có uy tín cao, đủ sức tập hợp, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Dự thảo Đề án trình Đoàn Chủ tịch đã đề cập toàn diện các nội dung. Trân trọng đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí phát huy trí tuệ, dân chủ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, hoàn thiện Đề án, ban hành để tổ chức thực hiện Đại hội lần này thành công hơn lần trước, mỗi lần Đại hội MTTQ Việt Nam là một lần khích lệ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi kết luận cuộc họp bàn về Chỉ thị lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Về nội dung báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí thảo luận, trao đổi, góp ý thêm những nội dung cần thiết với Đảng và Nhà nước. Làm sao bản tổng hợp, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân thực sự mang hơi thở cuộc sống, phải phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Chất lượng bản báo cáo sẽ góp phần nâng cao vị thế, uy tín của MTTQ Việt Nam.
Đối với Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ làm 7.000 - 8.000 ngôi nhà cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, đây là một Đề án có ý nghĩa chính trị, xã hội và tinh thần nhân văn sâu sắc do Đoàn Chủ tịch kêu gọi các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo của tỉnh Điện Biên.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí thảo luận, cho ý kiến thêm về cách thức tổ chức thực hiện thành công Đề án, thiết thực giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo qua đó góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Liên quan đến nội dung Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn báo cáo, trao đổi với Hội nghị liên quan đến công tác giáo dục - đào tạo, nhất là đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, tiếp tục đổi mới phương thức phối hợp công tác giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan nhà nước, thông qua ký kết chương trình phối hợp công tác, phản biện xã hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam dự kiến mỗi một kỳ họp Đoàn Chủ tịch, họp Uỷ ban, theo tình hình thực tiễn sẽ mời 1 - 2 lãnh đạo các Bộ, ngành báo cáo, trao đổi cụ thể một số nội dung để rõ thêm thông tin, tăng cường đồng thuận, đáp ứng mong đợi của cử tri và Nhân dân.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến kỳ vọng với tinh thần đoàn kết, dân chủ, thẳng thắn, các cụ, các vị, các đồng chí sẽ đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào các nội dung tại Kỳ họp này, qua đó góp phần vào thành công của Hội nghị.