Tiktok đưa tin xấu, độc xuất hiện tràn lan gây lo lắng trong dư luận xã hội
Một số trang mạng xã hội như Tiktok đưa tin xấu, độc xuất hiện tràn lan gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Ngày 9/5 tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng GDP Quý I/2023 rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn. Tổng cầu yếu đã ảnh hưởng trực tiếp lên tổng cung của nền kinh tế. Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận mức giảm.
Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4 chỉ là 2,75% thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, số liệu tiêu thụ điện 4 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ cũng cho thấy các hoạt động sản xuất suy giảm. Khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp khi tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng. Trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn, số liệu về lao động, việc làm lại có những cải thiện với tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm giảm, thu nhập tăng, đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn tình hình lao động, việc làm trong Quý I/2023 và làm rõ nhận định tình hình lao động, việc làm có mâu thuẫn với số liệu về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, hoạt động doanh nghiệp.
Đặc biệt, bên cạnh những khó khăn từ môi trường kinh tế thế giới và trong nước, doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực. Tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông, thị trường xăng dầu đôi lúc còn điều hành, phối kết hợp chưa kịp thời, dẫn đến thiếu cục bộ, việc tăng giá điện gần đây cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chỉ rõ, nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý đã tạo ra những điểm nghẽn đối với nền kinh tế. Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm. Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu, đến nay vẫn còn 93/111 quy hoạch, trong đó có nhiều quy hoạch quan trọng như Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện VIII chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt. Giải ngân đầu tư công tuy cải thiện song vẫn chậm tạo áp lực lớn lên giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023.
Đáng nói, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao và tín dụng tăng trưởng thấp cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nợ xấu có xu hướng tăng, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm có thể gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tài chính. Kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm sút vai trò huy động vốn cho nền kinh tế. Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu; một số vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn gây bức xúc dư luận, giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ngân hàng thương mại lãi cao, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng tiếp tục tăng so với năm 2021, tuy nhiên nếu tình hình kinh tế không được cải thiện thì nợ xấu sẽ tăng và năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại sẽ bị bào mòn. Công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính còn nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính, ngân hàng, thị trường bảo hiểm.
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được quan tâm thực hiện nhưng công tác thực thi hiệu quả không đồng đều. Với nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, hệ thống pháp luật đã được tích cực rà soát, hoàn thiện trong những năm qua. Đồng thời, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết với những chính sách chưa có tiền lệ để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch hoặc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Thực tiễn cho thấy cùng một hệ thống quy định pháp luật nhưng giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện đem lại kết quả rất khác nhau, ví dụ như vấn đề đầu tư công có bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, có bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt.
Uỷ ban Kinh tế cũng nhận thấy, mặc dù đã cơ bản được kiểm soát, số ca mắc Covid đã có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trong thời gian gần đây; một số dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, viêm não vi rút, chân tay miệng cũng tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn chưa được giải quyết triệt để gây dư luận không tốt trong nhân dân. Quyền lợi của người có thẻ BHYT nhưng phải mua thuốc, vật tư y tế trong danh mục được BHYT chi trả nhưng cơ sở khám chữa bệnh không có để cung cấp vẫn chưa được giải quyết. Tình trạng tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp. Một số trang mạng xã hội như Tiktok đưa tin xấu, độc xuất hiện tràn lan gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Những khó khăn, thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt đến từ cả yếu tố bên ngoài và bên trong, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bên ngoài, lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ duy trì xu hướng thắt chặt; kinh tế thế giới hồi phục chậm và dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm; sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới càng làm sụt giảm niềm tin của thị trường. Rủi ro an ninh năng lượng, lương thực vẫn hiện hữu. Biến đổi khí hậu cực đoan và các bệnh dịch tiếp tục là rủi ro tiềm ẩn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ở trong nước, những tồn tại, yếu kém từ nội tại nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ ràng, nhất là liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; khả năng chống chịu, thích ứng với các tác động bên ngoài còn hạn chế. Các doanh nghiệp sức chịu đựng bị bào mòn sau tác động của dịch Covid-19 nhưng vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Một số tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý: việc xử lý ngân hàng yếu kém; việc chậm phê duyệt, quyết định các quy hoạch, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Công tác dự báo, tham mưu còn bị động, phản ứng chính sách trong một số thời điểm chưa kịp thời, chưa lường trước và có kịch bản ứng phó với những khó khăn từ môi trường kinh tế thế giới. Khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của VCCI cho thấy tình trạng thiếu năng động, sợ trách nhiệm đang tồn tại ở một số địa phương trên cả nước.
Có ý kiến cho rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần được quan tâm hơn; cách thức làm việc theo tư tưởng kiến tạo, tinh thần phục vụ, tuân theo quy luật kinh tế thị trường, đồng hành cùng doanh nghiệp bị thay thế bởi cách thức làm thiên về kiểm tra, kiểm soát, can thiệp hành chính chủ quan, coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý đã tác động hết sức tiêu cực đến hoạt động, sản xuất kinh doanh. Đây chính là những nút thắt gây đình trệ các hoạt động kinh tế-xã hội.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ báo cáo, làm rõ về những khó khăn nhất là nguyên nhân, trách nhiệm để có giải pháp phù hợp.