Tổng thu ngân sách nhà nước giảm 6,9% so cùng kỳ năm 2022

Việt Thắng 09/05/2023 11:06

Tổng thu NSNN đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán, giảm 6,9% so cùng kỳ năm 2022.

Ngày 9/5 tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Theo đó, về tình hình thu, chi 4 tháng đầu năm 2023 tổng thu NSNN đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán, giảm 6,9% so cùng kỳ năm 2022, trong đó: thu nội địa đạt 39,5% dự toán, giảm 4,2%; thu dầu thô đạt 47,5% dự toán, giảm 17,6%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 35,9% dự toán, giảm 18,9% so cùng kỳ 2022.

Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (tác động làm giảm thu khoảng 38 nghìn tỷ đồng, chưa được tính trong dự toán thu NSNN năm 2023). Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; số giảm sẽ được cấn trừ vào số phải nộp năm 2023 (tác động làm giảm thu NSNN khoảng 3.500 tỷ đồng); trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 về việc gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 (tác động làm giảm thu trong thời gian gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng). Đồng thời, đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trên cơ sở đó, đã lấy ý kiến các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đã có Tờ trình số 70/TTr-BTC ngày 28/4/2023 trình Chính phủ về lập đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% (dự kiến thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm tác động giảm thu NSNN khoảng 35 nghìn tỷ đồng).

Bên cạnh đó, tổng chi NSNN 4 tháng ước đạt 500,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2022, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 15,2% dự toán Quốc hội (15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tăng 15,6%; chi trả nợ lãi đạt 33% dự toán, giảm 3,3%; chi thường xuyên đạt 30,3% dự toán, tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2022. Các nhiệm vụ chi NSNN được đảm bảo theo dự toán và tiến độ triển khai của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, thanh toán các khoản nợ đến hạn, chi cho công tác phòng, chống Covid-19, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 30/4/2023, đã thực hiện phát hành 139,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,26 năm, lãi suất bình quân 3,93%/năm.

Thẩm tra vấn đề trên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, kinh tế -xã hội 3 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục biến động và bất ổn. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; phục hồi kinh tế chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tuy nhiên, với độ mở kinh tế lớn, năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế thì rủi ro, thách thức tới tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô là không nhỏ. Dưới tác động không thuận, việc triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2023 còn khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt là cơ quan thuế và hải quan để hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra.

Về tình hình phân bổ và giao dự toán NSNN năm 2023, Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, đối với các bộ, cơ quan trung ương đến hết tháng 4/2023 có 50/52 bộ, cơ quan trung ương có báo cáo gửi Bộ Tài chính với tổng vốn đầu tư phát triển đã phân bổ chi tiết đạt 94,29%. Số vốn kế hoạch chưa phân bổ chi tiết còn lại của 25 bộ, cơ quan trung ương là 11,09 nghìn tỷ đồng. Về kinh phí thường xuyên, các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ là 1,1 nghìn tỷ đồng; đồng thời hiện còn 6,4 nghìn tỷ đồng dự toán chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương Bộ Tài chính chưa thống nhất phân bổ do chưa đủ hồ sơ, thuyết minh căn cứ phân bổ. Theo quy định, chậm nhất đến ngày 31/12/2022 phải thực hiện phân bổ và giao dự toán đến các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan đôn đốc việc phân bổ, khẩn trương giao số dự toán còn lại, tăng cường rà soát, kiểm tra việc phân bổ và giao dự toán theo đúng quy định của Luật NSNN.

Đối với các địa phương, về thu nội địa, phần lớn các địa phương lập dự toán thấp, nhưng lại giao cao hơn so với dự toán trung ương giao, có 43/63 địa phương quyết định dự toán thu cao hơn dự toán trung ương giao. Việc xây dựng dự toán thu ngân sách địa phương chưa sát với khả năng thu của các địa phương vẫn xảy ra khá phổ biến. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khắc phục tình trạng này để bảo đảm việc xây dựng dự toán NSNN trong những năm tới sát với thực tế.

Về chi ngân sách địa phương, quyết định tổng chi cân đối tăng 8,3%, khoảng 84,8 nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn thu giao tăng thêm (56,3 nghìn tỷ đồng), nguồn thu và kết dư năm trước chuyển sang (28,5 nghìn tỷ đồng). Trong đó chi cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo và dạy nghề tăng 3,8%; chi sự nghiệp khoa học và công nghệ tăng khá lớn 58,3%. Điều này cho thấy, có áp lực khá lớn thực hiện tăng thu ngân sách địa phương để bảo đảm nhiệm vụ chi HĐND đã giao. Bên cạnh đó, số vốn đầu tư phát triển còn lại chưa phân bổ của 34 địa phương là 54,39 nghìn tỷ đồng.

Việt Thắng