Đề xuất BHYT thanh toán cho bệnh nhân khi phải mua thuốc bên ngoài: Đảm bảo tối đa quyền lợi cho người bệnh
Tại Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung hình thức thanh toán BHYT trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc do cơ sở khám, chữa bệnh không cung ứng được. Đề xuất này đang thu hút sự quan tâm của người dân.
Đến cuối năm 2022, theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tổng số người tham gia BHYT đạt trên 91 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92% dân số. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc nên Bộ Y tế đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật BHYT (sửa đổi). Nội dung đề xuất sửa đổi nêu rõ trước mắt chưa có điều kiện sửa đổi toàn diện Luật này mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Một trong những đề xuất đáng chú ý được Bộ Y tế đưa ra trong Tờ trình nói trên, đó là đề xuất mở rộng hình thức thanh toán trực tiếp. Theo đó, bổ sung hình thức thanh toán trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc do cơ sở khám, chữa bệnh không cung ứng được và việc thanh toán theo dòng mua sắm tập trung cấp quốc gia hoặc thông qua mua sắm đặc biệt qua tổ chức quốc tế.
Đây là đề xuất đưa ra từ thực tế thời gian trước đây, rất nhiều các bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế khiến không ít bệnh nhân tham gia BHYT phải tự bỏ tiền túi để mua những vật tư này từ bên ngoài để điều trị.
Anh D.V.T. (42 tuổi, ở Hưng Yên) cho biết có tham gia BHYT, tuy nhiên quá trình điều trị anh phải tự mua nhiều vật tư y tế. "Tôi bị suy thận, thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện. Tôi có tham gia BHYT, nhưng khi điều trị bác sĩ lại kê đơn thuốc tự mua nhiều vật tư y tế. Thực tế, thời gian trước, không ít lần các bác sĩ kê đơn tự mua cả găng tay sạch, dây truyền dịch, kim luồn tĩnh mạch, bơm tiêm vô trùng. Thậm chí, cả băng keo và bông gòn bệnh nhân cũng phải tự mua. Thú thực, điều này khiến những bệnh nhân nghèo như tôi gặp nhiều khó khăn"- anh T. cho biết.
Còn bệnh nhân N.T.X. (60 tuổi, ở Hưng Yên) bị đục thủy tinh thể, có chỉ định phải phẫu thuật. Tuy nhiên, khi bà tới Bệnh viện Mắt Trung ương để phẫu thuật thì không thể thực hiện được, bởi bệnh viện cho biết, loại thủy tinh thể nằm trong danh mục được BHYT chi trả hiện đã hết. Được biết, nếu phẫu thuật, bệnh nhân cần bỏ ra số tiền lớn hơn nhiều lần để sử dụng loại thủy tinh thể không có trong danh mục được BHYT chi trả.
Thực tế, những trường hợp bệnh nhân phải mua trang thiết bị, vật tư y tế ở bên ngoài là khá nhiều. Có bệnh nhân bị tiểu đường biến chứng, kèm chấn thương phần mềm do tai nạn nhưng phải điều trị trong nhiều ngày không tiến triển vì bệnh viện thiếu thuốc. Đến khi gia đình bày tỏ nguyện vọng ở lại và ký cam kết đồng ý mua thuốc bên ngoài thì tình trạng bệnh nhân đã cải thiện nhanh chóng.
Cần nói rõ, trong quy định về thanh toán BHYT ở Nghị định 146, không có trường hợp người bệnh đi mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài rồi về cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán. Còn Thông tư 09 của Bộ Y tế dù có quy định trường hợp đặc biệt được thanh toán trực tiếp, nhưng không có trường hợp nào quy định người bệnh mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài được thanh toán.
Trao đổi về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E cho biết, thời gian trước đây, có tình trạng thiếu thuốc tại bệnh viện và người bệnh phải mua loại đáng lẽ được hưởng BHYT. “Ở những trường hợp này, người bệnh phải chịu thiệt thòi rất lớn vì tham gia BHYT, họ có quyền lợi được hưởng khi đi khám, chữa bệnh nhưng lại phải bỏ tiền túi để mua các loại thuốc này, do bệnh viện thiếu”.
BS Lê Công Tước - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cũng cho hay: “Để bệnh nhân phải đi mua trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc ở ngoài là điều không bệnh viện nào mong muốn. Thế nhưng đây là điều bất khả kháng, ví dụ như trước đây, các công ty dược phẩm nhập thuốc về rồi tham gia đấu thầu thì hiện nay, họ tham gia đấu thầu, trúng thầu rồi mới đặt hàng thuốc từ nước ngoài. Do vậy, sẽ có khoảng thời gian chậm trễ từ khi trúng thầu tới khi thuốc được cung ứng”.
Trước thông tin Bộ Y tế đề xuất bổ sung hình thức thanh toán trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc do cơ sở khám, chữa bệnh không cung ứng được, BS Tước nhận định: “Nếu đi vào thực tế, hình thức này sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn cho người dân. Chúng ta đều biết, rất nhiều trường hợp bệnh nhân khó khăn trông chờ vào sự hỗ trợ của BHYT, thế nhưng, khi phải mua thuốc, vật tư y tế ở bên ngoài, bệnh nhân không được thanh toán những khoản này, từ đó khiến gánh nặng kinh tế đối với người bệnh trở nên khó khăn hơn.
Theo ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trước đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đề xuất thanh toán BHYT cho bệnh nhân với 2 hình thức: Cơ sở khám, chữa bệnh tổng hợp các thuốc, vật tư y tế bệnh nhân phải mua ngoài và thanh toán cho người bệnh, sau đó Bảo hiểm Xã hội sẽ quyết toán với cơ sở y tế. Cách thức này sẽ giảm được tối đa tiêu cực. Tuy nhiên, sẽ gặp khó là những hồ sơ hầu hết đã được quyết toán xong, nên nếu tổng hợp lại sẽ lại phải quyết toán, bóc lại hồ sơ.
Và Bảo hiểm Xã hội thanh toán trực tiếp cho người bệnh. Việc này đòi hỏi giám định viên phải kiểm tra từng bệnh án, giám định hồ sơ, mất nhiều thời gian, đồng thời, còn gặp khó là áp mức giá nào, chất lượng thuốc bệnh nhân mua ngoài có đảm bảo không. Do đó, cần đề xuất được giá thanh toán là không cao hơn giá thuốc trúng thầu liền kề. Việc này có lợi là Bảo hiểm Xã hội sẽ quản lý được tốt hơn giá thanh toán, đồng thời, quản lý được giá thuốc và đề xuất xử lý nếu phát hiện các nhà thuốc bán giá chênh lệch quá cao.