Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42
Ngày 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Thủ đô Hà Nội lên đường dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch ASEAN 2023 Joko Widodo.
Chiều ngày 9/5 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới sân bay Labuan Bajo, Indonesia, bắt đầu tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 và các hoạt động liên quan.
Lãnh đạo các nước ASEAN và khoảng 550 đại biểu chính thức sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 từ ngày 9-11/5, tại thị trấn Labuan Bajo trên đảo Flores, thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia.
Cùng đi với Thủ tướng có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan; Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hải Bằng.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra từ ngày 9-11/5, với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Thủ tướng Timor Leste được mời tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần đầu tiên với tư cách quan sát viên.
Cũng trong dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị.
Tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 và các hoạt động liên quan của Thủ tướng cho thấy Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm, góp phần củng cố đoàn kết ASEAN, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra; thể hiện ưu tiên của Việt Nam về kết nối hạ tầng chiến lược, chuyên đổi số, chuyển đổi xanh, an ninh lương thực, năng lượng, phát triển tiểu vùng và ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định vai trò, hình ảnh và uy tín của ASEAN, qua đó đóng góp cho công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN; giữ vững lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề quốc tế và khu vực. Qua đó, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế” và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh tế thể giới có những dấu hiệu phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sản xuất, thương mại, đầu tư thấp; lĩnh vực tài chính, tiền tệ tiềm ẩn nhiều bất ổn; quá trình tái cơ cấu sản xuất, thương mại, đầu tư, tiêu dùng... tiếp tục diễn ra mạnh mẽ; kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia đặt ở vị trí ưu tiên.
ASEAN đang nỗ lực hoàn tất Kế hoạch Tổng thể 2025 trên cả 3 trụ cột (Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo với việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Quan hệ giữa ASEAN với các đối tác được tăng cường. Trong tiến trình đó, Việt Nam đã chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng các nước thành viên duy trì và đề cao cách tiếp cận cân bằng, hài hòa trong các vấn đề khu vực và quốc tế, củng cố vai trò trung tâm, phát huy trách nhiệm, tiếng nói của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và phát triển.
Các phiên họp của Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 sẽ tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tập trung vào chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ diễn ra các phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Thanh niên, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) và Nhóm Đặc trách Cao cấp (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Dự kiến Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 sẽ xem xét, thông qua nhiều văn kiện quan trọng về các lĩnh vực hợp tác trên cả 3 trụ cột: Cộng đồng chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.