Tận dụng cơ hội từ các FTA
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam có xu hướng sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, nếu tận dụng tốt các FTA thì có thể xoay chuyển tình thế.
Nhiều mặt hàng chủ lực sụt giảm
Bộ Công thương cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong số này có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.Tuy nhiên, cả 5 nhóm hàng lớn nhất này đều chung cảnh sụt giảm kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, điện thoại và linh kiện giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 17,425 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện 16,134 tỷ USD, giảm 8,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ PT khác 13 tỷ USD, giảm 5,9%; hàng dệt may 9,571 tỷ USD, giảm 19,3%; giày dép 6,13 tỷ USD, giảm 16,3%.
Trên thực tế, đà giảm xuất khẩu đã xuất hiện từ quý IV/2022, kéo tăng trưởng của một số ngành thấp hơn dự kiến. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện năm 2022 chỉ tăng 0,81% so với năm 2021, đạt 57,99 tỷ USD, chiếm 15,62% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), mặc dù rất nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, tận dụng cơ hội mở rộng thị trường, tận dụng ưu đãi từ các FTA (hiệp định thương mại tự do) nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, suy giảm tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Năm 2023, xuất khẩu đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% so với năm 2022, tương đương kim ngạch 393 - 394 tỷ USD. Sau 4 tháng, xuất khẩu mới đạt trên 108 tỷ USD, nên chặng đường còn lại của năm 2023 sẽ vô cùng vất vả.
Cơ hội từ các FTA
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần khai thác tốt hơn lợi thế từ các FTA, Hoạt động xuất khẩu của các DN vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa thích ứng với những thị trường có FTA.
Phân tích kỹ hơn về năng lực đáp ứng của DN, bà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, để được hưởng các ưu đãi thuế quan trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các DN xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng các quy định về xuất xứ. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn còn tỏ ra lúng túng khi xử lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), thậm chí còn thiếu kiến thức và năng lực thay đổi sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu đưa ra từ phía khách hàng EU…
Giới chuyên gia nhận định, còn cách biệt khá lớn giữa nhu cầu của DN với khả năng đáp ứng hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước, các địa phương. Mặt khác, những biện pháp hỗ trợ như đào tạo, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại hay hỗ trợ chính sách... vẫn áp dụng chung cho tất cả các ngành mà chưa đi sâu cụ thể vào ngành nghề, mặt hàng và lĩnh vực chiến lược cần tận dụng các FTA.
Tại hội nghị mới đây nhằm hỗ trợ cho việc tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu và mở rộng thị trường cho ngành hàng thiết bị máy móc nói riêng và xuất khẩu hàng hóa nói chung, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các đơn vị chú trọng làm tốt công tác thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng thông qua việc tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa Thương vụ Việt Nam với hiệp hội ngành hàng và các DN sản xuất, xuất khẩu lớn trong nước. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán các FTA mới với các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay. Đặc biệt, tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu.
Đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, đã và đang tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại để cung cấp các thông tin thị trường và tìm giải pháp gỡ khó cho DN xuất nhập khẩu. Cùng với đó, Bộ sẽ tập trung các giải pháp phát triển thị trường khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ latinh và những thị trường mới còn nhiều dư địa khai thác.