Nhật hỗ trợ Việt Nam radar thời tiết tần số cao quan trắc mây gây mưa
Radar eagle băng sóng X cùng với 13 radar hiện có trên cả nước sẽ là công cụ quan trọng để hoàn thiện mạng lưới radar nhằm quan trắc phục vụ dự báo, cảnh báo sớm các thiên tai tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác tự nguyện của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), ngày 9/5 đã diễn ra lễ bàn giao và vận hành radar eagle giữa Tổng Cục Khí tượng Thủy văn với Công ty Weathernews Inc Nhật Bản.
Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết thông qua chương trình hợp tác tự nguyện của WMO, Chính phủ Nhật Bản cùng Công ty Weather News đã hỗ trợ Việt Nam thiết bị radar eagle băng sóng X nhằm nâng cao khả năng quan trắc, dự báo cảnh báo sớm thiên tai.
Radar eagle băng sóng X cùng với 13 radar hiện có trên cả nước sẽ là công cụ quan trọng để hoàn thiện mạng lưới radar nhằm quan trắc phục vụ dự báo, cảnh sớm các thiên tai, trong đó đặc biệt là bão, mưa lớn, lũ, lũ quét...
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn bày tỏ mong muốn sau lễ bàn giao, hai bên sẽ lên kế hoạch cụ thể trong việc vận hành, khai thác radar và tìm kiếm được các nguồn lực dịch vụ để duy trì hoạt động lâu dài của radar này.
Về phía đối tác, ông Kusabiraki Chihiro - Tổng Giám đốc Công ty Weathernews Inc Nhật Bản cho biết kể từ khi ký kết Biên bản ghi nhớ với ngành khí tượng thủy văn Việt Nam vào năm 2015, mối quan tâm về rủi ro biến đổi khí hậu của công ty này đã tăng lên đáng kể và các biện pháp đối phó đã trở thành một vấn đề cấp bách.
Vì thế, việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm sử dụng hạ tầng radar và công nghệ phân tích thời tiết được Công ty Weathernews Inc kỳ vọng sẽ giảm rủi ro thiên tai đối với cuộc sống và hoạt động kinh tế của người dân Việt Nam.
Theo ông Kusabiraki Chihiro, khả năng dự báo và phân tích của Công ty Weathernews Inc sử dụng dữ liệu quan sát khí tượng dựa trên cơ sở dữ liệu thời tiết lớn nhất thế giới và công nghệ tiên tiến, được đánh giá hàng đầu trên thế giới.
“Nhiệm vụ của công ty là tiếp tục phát triển nội dung dựa vào dữ liệu radar tại Việt Nam, góp phần hỗ trợ nâng cao độ chính xác dự báo. Để đạt được điều đó, công ty mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác và tiếp tục trao đổi ý kiến với Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam trong thời gian tới,” ông Kusabiraki Chihiro nói.
Sau lễ bàn giao, Công ty Weathernews Inc Nhật Bản đã cùng các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã trao đổi và nghiên cứu phương án vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả radar để phù hợp với nhu cầu sử dụng tại Việt Nam.
Với kinh nghiệm sử dụng hiệu quả đa nguồn dữ liệu quan trắc, kết hợp với công nghệ và kỹ thuật dự báo tiên tiến, Công ty Weathernews Inc đề xuất phương án hợp tác với Tổng Cục Khí tượng Thủy văn xây dựng dự báo thời tiết khắc nghiệt trước 3 tiếng với độ chính xác cao, hỗ trợ tích cực cho hoạt động phòng tránh thiên tai cũng như giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất cho các ngành kinh tế xã hội.
Theo kế hoạch, radar trên sẽ được đặt tại Trạm Khí tượng Nông nghiệp Hoài Đức (Hà Nội). Đây là công cụ hữu hiệu phục vụ cho công tác cảnh báo sớm mưa lớn cho địa bàn Hà Nội và một số địa bàn lân cận, nơi có mật độ dân cư lớn nhất và cũng thường xuyên chịu nhiều tác động bởi ngập lụt do mưa lớn.
Nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của công nghệ radar, đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết thời gian qua, ngành khí tượng thủy văn đã có những bước chuyển mình rất lớn, cơ sở hạ tầng và năng lực cán bộ đã được từng bước nâng cao. Nhờ vậy, Việt Nam đã có những bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thiên tai kịp thời, chính xác phục vụ người dân giảm thiểu rủi ro thiên tai và phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt, hệ thống cảnh báo, dự báo sớm của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đã được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ghi nhận không chỉ phục vụ cho Việt Nam mà còn phục vụ tốt cho các quốc gia khu vực xung quanh với hai Trung tâm khu vực Đông Nam Á về thời tiết nguy hiểm và Trung tâm khu vực về hỗ trợ cảnh báo lũ quét.
Để có được những thành công trên, không thể không kể đến nguồn lực đến từ các đối tác quốc tế quan trọng trong những năm qua của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, nhất là các nguồn lực đến từ WMO và các thành viên của tổ chức này.