Quý 3 xét xử vụ Việt Á
Chiều 10/5, Ban Nội chính Trung ương tổ chức cuộc họp thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại cuộc họp, ông Đặng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương thông báo về nội dung cơ bản cuộc họp. Theo đó trong buổi sáng, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để thảo luận, cho ý kiến đối với: Kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo đến nay; Kế hoạch kiểm tra chuyên đề năm 2023 của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Ông Dũng cho hay, trên cơ sở đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ sau phiên họp thứ 23 (tháng 1/2023) đến nay, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác này. Tinh thần được Thường trực Ban Chỉ đạo nêu rõ là “kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh phải thực hiện “4 hơn” và “3 không”. Theo đó “4 hơn là: tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Còn “3 không” là: không đùn đẩy, không né tránh và không đỗ lỗi khách quan”- ông Dũng cho biết.
Về kết quả nổi bật, theo ông Dũng, Nổi bật là các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ/2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án/864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022). Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 4 vụ án/24 bị can, khởi tố thêm 78 bị can trong 11 vụ án, kết thúc điều tra 3 vụ án/88 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 8 vụ án/153 bị can, xét xử sơ thẩm 6 vụ án/51 bị cáo. Nhất là, đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân, như các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm Đăng kiểm một số địa phương; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; các vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả; công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực ở địa phương, cơ sở có nhiều chuyển biến rõ rệt, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện như: Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu Những kết quả đạt được nêu trên tiếp tục khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Trả lời nội dung liên quan đến vụ án xảy ra tại cục đăng kiểm, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu rõ các vi phạm, sai phạm là có thật và liên quan trực tiếp đến Cục đăng kiểm của Bộ Giao thông vận tải. “Vi phạm, sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều người. Hành vi ở đây diễn ra liên tục, liên quan đến nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau. Giá trị tiêu cực ở đây tính bằng tiền ở đây là không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội vô cùng lớn”-ông Yên nói. Ông Yên dẫn chứng, mỗi năm ở nước ta làm 8.000-10.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó có phần lỗi của đăng kiểm không đến nơi, đến chốn dẫn đến hậu quả.
Ông Yên chỉ rõ: Việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến một người đã bị xử lý ở khung cao nhất. Còn ở đây là “giết người trong giao thông” cũng rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Hậu quả để lại cho xã hội rất nặng nề cho nên phải đồng thuận, có sai, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì phải xử lý. Nhưng xử lý như thế nào để không ảnh hưởng đến đăng kiểm cho phương tiện giao thông của tổ chức, người dân và không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường trong lưu thông, phát triển kinh tế xã hội. “Từ cách nhìn như thế, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương giao các cơ quan chức năng phải ngồi lại vơi nhau bàn bạc để có giải pháp xử lý phù hợp nhất. Trong đó, cần thống nhất chủ trương phân hoá xử lý các đối tượng có liên quan trong các vụ án, để có 1 cơ chế phân hoá, phân loại, xử lý thống nhất đồng bộ, áp dụng trên toàn quốc. Bảo đảm người cần xử thì xử và người không cần thiết xử lý hình sự sẽ xử lý bằng biện pháp khác; tạo điều kiện để có kiểm định viên những người không chủ động, không cố ý để hưởng lợi”-ông Yên nói và cho biết, Thường trực Ban Chỉ đạo đã giao các cơ quan Trung ương và Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục là cơ quan chủ trì để nghiên cứu, tham mưu ban hành cơ chế này.
Trả lời về tiến độ điều tra 3 vụ án lớn gồm Việt Á, AIC, Vạn Thịnh Phát, ông Yên cho biết: Thường trực Ban Chỉ đạo ưu tiên để các cơ quan bảo vệ pháp luật thực thi đúng theo thời hạn luật định. Trong từng giai đoạn, trong từng hoàn cảnh cần phải đảm bảo mục tiêu chính trị, nhiệm vụ để an dân. Ban Chỉ đạo quyết định đưa ra những thời điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ, tập trung tháo gỡ khó khăn đưa vụ án ra truy tố xét xử.
Vụ Việt Á đến nay cơ bản các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra rõ, tuy nhiên xảy ra từ trung ương đến địa phương không phải đơn giản. Do đó Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất theo đề nghị của cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương quyết định cho lùi thời hạn kết thúc điều tra trong quý 2 và ban hành cáo trạng để truy tố và xét xử trong quý 3. Còn đối với hai vụ án còn lại, yêu cầu các cơ quan tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo thời hạn của Bộ Luật Tố tụng hình sự cho phép, quy định.
Ông Yên cũng cho hay, riêng đối với bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì các cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp với nhau để áp dụng các biện pháp cố gắng truy bắt. “Hiện đã đưa vụ án ra xét xử, từ bị can chuyển thành bị cáo và giờ đã chuyển thành bị án, tức là người đã có bản án nên trách nhiệm của bị án phải thi hành, Nhà nước cũng phải quyết tâm thi hành án với bị án này. Tuy nhiên hiện nay chưa bắt được”-ông Yên nói.