Căng thẳng nguồn viện trợ

Hà Anh 11/05/2023 07:06

Đối mặt với một loạt khủng hoảng ngày càng sâu sắc khiến nhu cầu hỗ trợ nhân đạo tại châu Phi tăng cao. Theo Liên hợp quốc (LHQ), thêm 5 triệu người nữa đang chạy trốn khỏi Sudan cần được hỗ trợ khẩn cấp, một nửa trong số đó là trẻ em.

Nhiều người Sudan đang cố chạy trốn sang các nước láng giềng để tránh cuộc xung đột. Ảnh: Reuters.

Gia tăng khủng hoảng vì Sudan

Cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa 2 phe quân sự ở Sudan đã phá vỡ nền hòa bình mong manh tại ngôi làng ở vùng Darfur, phía Tây đất nước, bản năng đầu tiên của Halime Yacoub Issac là mang theo 5 đứa con chạy trốn. Nhưng 4 ngày sau khi tìm được nơi ẩn náu ở nước láng giềng Chad - một quốc gia đang gặp khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng - cô vẫn chưa nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào và chỉ hy vọng họ sẽ không chết đói.

Các trận chiến giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự nổ ra ở thủ đô Khartoum vào giữa tháng 4 hiện đã nhấn chìm phần lớn Sudan, giết chết hàng trăm người, làm hàng nghìn người bị thương và gây ra một thảm họa nhân đạo không thể tồi tệ hơn ở bất cứ thời điểm nào.

Châu Phi đã phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc - từ hạn hán đến lũ lụt và danh sách các cuộc xung đột vũ trang ngày càng tăng - khiến nhu cầu hỗ trợ nhân đạo cứu người tăng cao. Giờ đây, theo LHQ, 5 triệu người nữa ở Sudan sẽ cần hỗ trợ khẩn cấp, một nửa trong số đó là trẻ em. Đến tháng 10, khoảng 860.000 người dự kiến sẽ chạy sang các nước láng giềng bao gồm cả Chad, gây thêm căng thẳng cho các quốc gia đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Tuy nhiên, một phân tích của Reuters về dữ liệu tài trợ của LHQ cho châu Phi chỉ ra rằng, hỗ trợ tài chính từ các chính phủ tài trợ đang giảm xuống. 12 nhân viên cứu trợ, nhà ngoại giao và quan chức chính phủ của các nhà tài trợ cho biết, việc đảm bảo có thêm tiền là một chặng đường dài. Nhiều khả năng, khoảng cách tài trợ sẽ tăng lên khi châu Âu tập trung vào Ukraine, nước Anh thời hậu Brexit hướng nội và một số nhà lập pháp ở Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất thế giới, nhằm mục tiêu cắt giảm ngân sách.

"Sẽ có ít tài trợ hơn trong năm nay" - Giám đốc điều hành mới của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Cindy McCain, cho biết trong chuyến thăm Somalia.

Mỗi ngày, hàng trăm người Sudan đi bộ qua sa mạc bụi rậm và lòng sông khô cạn ở vùng biên giới. Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), khoảng 30.000 người đã đến Chad, vì vậy sẽ cần thành lập thêm 5 trại mới để tiếp nhận.

Các cơ quan viện trợ đang gấp rút phân phát thực phẩm khẩn cấp và đăng ký những người mới đến, nhưng nguồn lực eo hẹp. Ngay cả trước cuộc khủng hoảng mới nhất, những lời kêu gọi nhân đạo của LHQ dành cho châu Phi đã phải đối mặt với khoản thiếu hụt tài trợ 17 tỷ USD trong năm nay, có nguy cơ khiến hàng triệu người không được hỗ trợ cứu sinh.

Ông Andrew Mitchell, Bộ trưởng Phát triển và vấn đề châu Phi của Anh, cho biết: “Chúng ta đã chứng kiến một vòng tròn đau khổ khổng lồ trên khắp khu vực này của châu Phi và Sudan chỉ là cuộc khủng hoảng mới nhất được thêm vào đó về mặt nhân đạo”.

Nguồn viện trợ co lại

Từ năm 2020 đến năm nay, nhu cầu cứu trợ của châu Phi được phản ánh trong các báo cáo của LHQ đã tăng gần 27%. Nhưng khi các quốc gia giàu có bắt đầu hướng nội để bảo vệ công dân của họ khỏi đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã cắt giảm các hoạt động nhân đạo ở nước ngoài.

Năm 2021, Anh đã tuyên bố sẽ tạm thời giảm ngân sách viện trợ từ 0,7% xuống 0,5% tổng thu nhập quốc dân để chi trả cho việc ứng phó với đại dịch. Theo một cơ quan giám sát viện trợ của Anh, năm ngoái, họ đã chi 1/3 ngân sách viện trợ nước ngoài cho những người tị nạn ở Anh.

Từ năm 2020, Vương quốc Anh là quốc gia đóng góp lớn thứ 3 cho các hoạt động kêu gọi nhân đạo của LHQ ở châu Phi, và đến năm 2022, đóng góp của Vương quốc Anh đã giảm 55%.

Dữ liệu của LHQ cho thấy, từ năm 2021 đến 2022, nhu cầu nhân đạo của châu Phi tăng gần 13%. Nhưng các nhà tài trợ hàng đầu như Canada, Thụy Điển, Nhật Bản, Na Uy và Hà Lan, tất cả đều giảm tài trợ cho châu lục này.

Mỹ trong những năm gần đây đã bước vào để lấp đầy khoảng trống. Washington đã đóng góp gần gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2022. Năm ngoái, Mỹ đã cung cấp gần 6,4 tỷ USD, tương đương hơn 56% tổng số tiền tài trợ thông qua LHQ. Tuy nhiên, điều đó có vẻ sẽ thay đổi khi hầu hết các khoản viện trợ bổ sung của Washington đều thông qua phân bổ ngân sách bổ sung từ Quốc hội, ban đầu là để cứu trợ đại dịch và vào năm ngoái để giảm thiểu tác động của xung đột ở Ukraine.

Đối với các cơ quan viện trợ, điều đó có nghĩa là thắt lưng buộc bụng. Không chỉ Sudan mà Nigeria, Cộng hòa Trung Phi, Burkina Faso, Cameroon, Mali, Mauritania và Niger đều đang gặp khó khăn. Nếu không có thêm tài chính, họ sẽ ngừng mọi hỗ trợ cho hơn 700.000 người tị nạn và những người di tản nội bộ ở Chad trong tháng này.

Trước khi chiến sự bùng nổ vào tháng trước, Sudan đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn, chủ yếu đến từ Nam Sudan, Eritrea, Ethiopia và Syria. 1/3 trong số 46 triệu công dân của Sudan cũng dựa vào viện trợ. Nhưng việc thiếu kinh phí đã buộc WFP phải cắt giảm các can thiệp dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ nhỏ kể từ năm ngoái. Giờ đây, bạo lực đã khiến một số hoạt động nhân đạo bị đình trệ.

Hà Anh