Hóa giải tâm lý sợ sai
E dè, né trách nhiệm, sợ sai tới nay đã thành “bệnh” trong một bộ phận cán bộ, công chức. Điều đó khiến công việc ngừng trệ, gây bức xúc xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, “căn bệnh” này cần gấp rút có “thuốc” chữa.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần chỉ rõ trách nhiệm của bộ ngành, địa phương, cán bộ, công chức khi không dám chịu trách nhiệm về phần việc được giao; không dám đột phá thực hiện nhiệm vụ trong thẩm quyền và cũng không dám mạnh dạn tham mưu, đề xuất các giải pháp cần thiết để thúc đẩy tiến độ công việc. Thủ tướng chỉ rõ, đó là bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai.
Ngày 19/4, chủ trì phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh, cần chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, bộ, ngành, giữa Trung ương với địa phương. "Không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cơ quan khác" - Thủ tướng nói và cho rằng nếu cần thiết, phải có biện pháp xử lý cán bộ, đồng thời động viên, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nhanh chóng trình Chính phủ ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Thủ tướng cũng chỉ rõ, thời gian qua có tình trạng bộ phận cán bộ e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Có nơi còn sách nhiễu người dân, doanh nghiệp; tham nhũng vặt, khiến công việc bị kéo dài, giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp.
Ngày 5/5, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh cần khắc phục ngay, khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc cùng với tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy công vụ "không dám làm gì".
Trước đó, chủ trì cuộc làm việc với với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, ngày 16/4, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức để TPHCM vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng của vùng kinh tế đầu tàu.
Tại cuộc làm việc này, góp ý với TPHCM, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, một trong những lý do lớn khiến kinh tế thành phố đi xuống là do tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ hướng dẫn, chưa chủ động, quyết liệt trong thực hiện. Ông Dũng cho biết, năm 2022, TPHCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ đã có 604 văn bản trả lời; trong khi hầu hết các vấn đề đều thuộc thẩm quyền của thành phố. "Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau. Trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời cho thành phố 2 văn bản, mà chúng tôi còn trăm nghìn việc khác, trong khi trách nhiệm đã được phân công, phân cấp" - ông Dũng nói.
Còn theo Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an thì vấn đề này không chỉ diễn ra tại TPHCM mà ở nhiều địa phương. Không những lo ngại mà còn co cụm, cầu an, thận trọng quá mức để xử lý các công việc chung trong điều hành của thành phố. Trong khi đó, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng đang có tình trạng “3 không”: không nói; không tham mưu, đề xuất; không triển khai hoặc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng.
“Nâng cao kháng thể” từng người trong đội ngũ
Quý I/2023, kinh tế TPHCM chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ); thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương.
Nhận rõ nguyên nhân để tìm cách tháo gỡ trong thời gian tới là nhiệm vụ rất quan trọng với TPHCM. Tới nay, việc e dè, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai đã được lãnh đạo TPHCM nhận diện đầy đủ và xác định đó là một trong những nguyên nhân chủ quan quan trọng khiến tăng trưởng của thành phố đạt thấp.
Tại cuộc làm việc với Thủ tướng (ngày 16/4), ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM, đã thẳng thắn nhìn nhận những năm qua thành phố "mất đà" trong tăng trưởng kinh tế. Một trong những bất cập lớn nhất mà thành phố nhận ra là tư tưởng e dè, thiếu tính chiến đấu của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Ông Nên cũng cho biết, Thường trực Thành ủy đã và đang tổ chức các đoàn đi các địa phương, sở ngành để kiểm tra, giám sát, uốn nắn. Ai chậm trễ, tránh né, trì trệ, sợ sai phạm, không dám làm, cầu an, thận trọng quá mức thì sẽ thay đổi.
Trước đó, ngày 1/3, tại Hội nghị Thành ủy TPHCM tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho rằng thành phố phải tăng cường các biện pháp thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phòng chống biểu hiện suy thoái, tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Phát huy tinh thần mỗi cán bộ, đảng viên tự học tập, rèn luyện, tự quản trị bản thân, tự phê bình và phê bình để các cấp ủy đảng kiểm tra, giám sát.
"Một mặt phát động từ bên ngoài, kiểm tra giám sát cán bộ, nhưng phải tác động từ bên trong nội lực từng cán bộ, và từng chi bộ phải phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện để xây dựng, đóng góp. Lâu nay, người ta nói phát hiện những tiêu cực từ bên ngoài nhiều hơn bên trong. Phải cố gắng nâng cao kháng thể, để từng cán bộ tự phát hiện, rèn luyện, học tập và tự kiểm soát mình" - ông Nên nói.
Khắc phục tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai
Trong một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, vì thế mà không muốn làm gì. Sáng 17/8/2022, phát biểu tại Phiên họp thứ 22 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Anh nào làm không tốt thì thay luôn, chúng ta không thiếu người”.
Tinh thần ấy của Tổng Bí thư cũng là sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ. Cùng với xử lý cán bộ sai phạm là khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.
Tháng 9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (Kết luận số 14-KL/TW). Điểm đáng lưu ý trong Kết luận là khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Cụ thể hóa Kết luận 14, Bộ Nội vụ cũng đã 2 lần gửi sở nội vụ các địa phương dự thảo nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung để trình Chính phủ.
Theo đó, khuyến khích là tin tưởng, tôn trọng, ghi nhận, động viên, khích lệ, tạo động lực, nguồn lực, điều kiện, môi trường để cán bộ chủ động, tích cực đổi mới, sáng tạo cống hiến vì lợi ích chung. Các cán bộ cũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Trường hợp bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm thì tùy theo tính chất, mức độ, người gây cản trở, gây khó khăn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật, được quy định trong những trường hợp cụ thể.
Như vậy, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là rõ ràng: Khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm. Vì thế, tâm lý e dè, sợ trách nhiệm, sợ sai là thiếu căn cứ. Nhân đây xin được nhắc lại, ngày 12/6/2021, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Cứ làm đi, có hiệu quả, dân tin”.