Điện ảnh dẫn lối cho du lịch
Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch đã mang lại những hiệu quả bất ngờ. Có thể lấy ví dụ, nếu không xem nhiều phim Hàn Quốc thì trào lưu người Việt Nam du lịch sang Hàn không đông đảo như hiện nay. Nói vậy để thấy hiệu quả của quảng bá du lịch qua phim ảnh đã rõ ràng, tiếc rằng lâu nay chúng ta chưa thực sự chú trọng điều này. Trong khi Việt Nam đang thực hiện chính sách kích cầu du lịch thì việc “bắt tay” giữa điện ảnh và du lịch, để điện ảnh có thể tạo “cơn sốt” thu hút du khách lại càng cần thiết. Bởi mỗi bộ phim hay chính là cơ hội vàng để du lịch phát triển.
Gắn kết điện ảnh và du lịch
Mới đây, Netflix đã phát sóng bộ phim "Hành trình tình yêu” (A tourist's guide to love). Đây là dự án phim quốc tế đầu tiên được quay tại Việt Nam từ sau dịch Covid-19, cũng là bộ phim Mỹ đầu tiên quay hoàn toàn tại Việt Nam với bối cảnh thực. Trong phim, nhiều danh lam thắng cảnh, địa điểm quen thuộc với khách du lịch tại TPHCM, Quảng Nam, Hà Nội, Hà Giang... đã hiện lên một cách sống động và đầy chất thơ.
Nhằm hiện thực hóa ước mơ về thành phố điện ảnh của Việt Nam, vào cuối tháng 5/2023, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tiến hành loạt sự kiện nhằm thực hiện chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nêu rõ: Điện ảnh là một ngành nghệ thuật trọng điểm, một trong 13 điểm nhấn cần thực hiện khi phát triển công nghiệp văn hóa. Điện ảnh hiện là ngành đi đầu trong phát triển, cả về số lượng lẫn chất lượng. Đây là ngành duy nhất đạt vượt mức các kế hoạch đặt ra đến năm 2018, vượt mốc doanh thu 4.000 tỷ trước đại dịch Covid -19. Điện ảnh Việt Nam được quốc tế đánh giá là có tăng trưởng hàng năm đứng ở nhóm cao của thế giới. Có những tác phẩm điện ảnh Việt Nam trước đây mơ ước đạt 100 tỷ doanh thu nhưng hiện nay đã có nhiều phim vượt qua con số này. Như hai phim của Trấn Thành (“Bố già” và “Nhà bà Nữ”), một phim thu được 500 tỷ, một phim vượt mốc 400 tỷ đồng.
Đặc biệt, điện ảnh là một cầu nối gắn bó chặt với hội nhập quốc tế, một hình thái nghệ thuật mà đạt được nhiều kết quả quan trọng nhất khi hội nhập quốc tế. Có thể nói đến Hàn Quốc với trào lưu KPop, thời trang, du lịch... đều có xuất phát điểm từ điện ảnh, họ hướng tới việc đưa diện ảnh ra nước ngoài để tạo sức mạnh mềm quảng bá thương hiệu nội địa. Đây là hướng đi mà hầu hết các nước đều đi theo. Dựa trên hướng đi này, Bộ VHTTDL thấy rằng, việc gắn bó thương hiệu điện ảnh của Việt Nam với du lịch là quan trọng.
Với "Hành trình tình yêu”, một chuyên gia du lịch tại Việt Nam nhận định, bộ phim đã khéo léo giới thiệu hầu hết cảnh đẹp của Việt Nam vào các bối cảnh phim. Phim có lẽ được xem là bình thường với nhiều người Việt nhưng lại lạ lẫm và gây tò mò với người Mỹ. Chắc hẳn đây là bộ phim làm được nhiều nhất cho du lịch Việt Nam và cũng đầy hứa hẹn sức hút du khách.
Trước đó, nhiều bộ phim nước ngoài đã được quay tại Việt Nam từng, gây ngạc nhiên với khán giả trên thế giới, bởi hình ảnh đất nước con người Việt Nam trên phim. Nhìn lại các tác phẩm điện ảnh như: “Người tình” (L'Amant, 1991), “Đông Dương” (Indochine, 1992) của điện ảnh Pháp; “Người Mỹ trầm lặng” (The Quiet American, 2002)… Sau khi những bộ phim này được công chiếu ở nhiều quốc gia, các địa danh của Việt Nam được chọn làm bối cảnh trong phim đã hấp dẫn được rất nhiều du khách từ khắp nơi tới tham quan, nhất là vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
Đáng chú ý, bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” - phim "bom tấn" của điện ảnh Hollywood sau khi ra mắt khán giả, một loạt địa điểm đã từng là bối cảnh của phim đã trở thành điểm đến trong tour du lịch mới, thu hút du khách đến với Quần thể Di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình). Từ đó cho thấy những địa điểm các đạo diễn chọn trong phim đã góp phần tạo nên một “cơn sốt” du lịch vì phim đã thôi thúc du khách tìm đến với những danh thắng. Điều đó đã minh chứng rằng, khi một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng ngoài giá trị nghệ thuật, nó còn được gắn kết với địa điểm đã được vào phim của một vùng miền, một địa chỉ để trở thành địa danh của điện ảnh và du lịch.
Với thế giới, đặc biệt là những quốc gia có nền điện ảnh phát triển, qua những bộ phim để thu hút du khách, mang lại lợi ích cho đất nước không còn là điều mới mẻ. Như với New Zealand, loạt phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn", từ năm 2001, khi phần đầu tiên của phim ra mắt, New Zealand bỗng trở thành “ngôi sao" trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo một khảo sát, 14% khách du lịch trả lời phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” là một yếu tố khiến họ quyết định du lịch New Zealand. Bên cạnh đó, đất nước Campuchia được thế giới biết đến nhiều hơn nhờ bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ”. Hay quần đảo Koh Phi Phi thuộc Phuket (Thái Lan) trở thành điểm đến có sức hấp dẫn du khách nước ngoài từ sau bộ phim ăn khách "Nhiệm vụ bất khả thi" quay tại đây....
Nói đến làm điện ảnh để tạo sức hút cho du lịch ở châu Á, không thể không nhắc đến Hàn Quốc, đất nước xác định điện ảnh, truyền hình là “kim chỉ nam” phát triển kinh tế và du lịch. Bởi vậy, qua các bộ phim: “Nàng Dae Jang Geum”, “Thái vương tứ thần ký”, “Khu vườn bí mật” hay “Vườn sao băng”, đảo Jeju là sự lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến du lịch Hàn Quốc. Rồi đảo Nami được biết đến qua bộ phim “Bản tình ca mùa Đông” đã thu hút lượng lớn du khách đến mỗi năm. Theo thống kê, thành công của phim này đã mang lại cho Hàn Quốc 3.000 tỷ won (2,27 tỷ USD), trong đó 840 tỷ won cho du lịch, 20 tỷ won từ sách ảnh của Bae Yong Joon (nam diễn viên chính) và 10 tỷ won từ các cuốn lịch có hình ảnh anh. Phim "Ký sinh trùng" của Hàn Quốc thành công rực rỡ ở các liên hoan phim quốc tế danh giá nhất thế giới. Ngay từ tháng 12/2019, tour khám phá các địa điểm quay phim đã được chính quyền thành phố Seoul giới thiệu trên trang du lịch Seoul, thu hút hơn 60.000 lượt truy cập.
Theo nghiên cứu của TS Đoàn Mạnh Cương - Vụ Văn hóa, Giáo dục (Văn phòng Quốc hội), khoảng 20 năm trở lại đây, khi làn sóng phim Hàn Quốc tràn vào nước ta, điều dễ nhận thấy người dân Việt Nam có xu hướng chọn du lịch Hàn Quốc. Đại diện Văn phòng Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch được ngành chức năng Hàn Quốc rất coi trọng. Bởi lẽ, những bộ phim truyền hình, điện ảnh xuất khẩu ra nước ngoài đã giúp du khách trên thế giới biết đến Hàn Quốc.
Tạo “cơn sốt” du lịch qua điện ảnh
Vậy với phim trong nước, thời gian qua, những bộ phim nào gắn với sự thúc đẩy phát triển du lịch? TS Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) thông tin: Năm 2015, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra mắt, đạt doanh thu 80 tỷ đồng, lập kỷ lục doanh thu phòng vé tại Việt Nam vào thời điểm phát hành. Sau đó, vùng đất Phú Yên, nơi được chọn làm bối cảnh chính trong phim đã trở thành một điểm đến của nhiều du khách, lượng du khách đến Phú Yên tăng 30% so với trước đó.
Hay như Hà Giang trong bộ phim “Chuyện của Pao” với hình ảnh núi non hùng vĩ, sông nước thơ mộng, con người nồng hậu, ấm áp đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế. Bản Sủng Là, huyện Đồng Văn - bối cảnh chính trong phim trở thành một điểm tham quan không thể thiếu với du khách khi đến với Hà Giang. Tới phim “Mắt biếc” với cố đô Huế làm bối cảnh chính không chỉ được đánh giá cao về nghệ thuật, tạo ra doanh thu kỷ lục phòng vé dịp cuối năm 2019 đầu năm 2020 ước tính đạt 172 tỷ đồng. “Mắt biếc” còn thúc đẩy du lịch ở Huế…
Từ những minh chứng trên cho thấy, các điểm quay phim của nhiều tác phẩm điện ảnh sau khi kết thúc đã trở thành những điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Việc phát triển sản phẩm du lịch thông qua các sản phẩm điện ảnh đã có thực tiễn hiệu quả, sinh động minh chứng sự đóng góp quan trọng của điện ảnh trong việc quảng bá đất nước, con người Việt Nam cũng như sự phát triển của du lịch Việt Nam. “Thực tế đã chứng minh, sự quảng bá một địa danh thông qua điện ảnh luôn đem lại hiệu quả bất ngờ và mạnh mẽ”, TS Hà nhấn mạnh.
Về phía du khách, chị Lê Kim Anh (45 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: Nếu chưa xem “Chuyện của Pao” có thể tôi chưa đủ động lực đi du lịch Hà Giang. Qua bộ phim, tôi cảm thấy rất yêu thích bản sắc văn hóa của đồng bào Mông và cảnh đẹp hùng vỹ của cao nguyên đá. Tôi tự hỏi tại sao không đến với nơi này sớm hơn. Thực sự “Chuyện của Pao” đã dẫn lối cho tôi đến một điểm du lịch tuyệt vời nơi địa đầu của Tổ quốc.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, hoạt động điện ảnh đã tác động tích cực đến nhiều điểm du lịch. Cả Việt Nam và thế giới đều chứng kiến những bộ phim thành công đã góp phần giúp địa điểm quay phim tỏa sáng thành những điểm đến hấp dẫn. Ngược lại, du lịch cũng là điều kiện tạo cảm hứng cho các phim. Một nơi phong cảnh đẹp, độc đáo có thể nâng tầm bộ phim lên rất nhiều. Mối quan hệ qua lại giữa du lịch và điện ảnh là tương hỗ, tạo ra những giá trị mới.
Dù vậy, theo TS Đoàn Mạnh Cương, không thể phủ nhận điện ảnh đã góp phần quan trọng, tích cực cho du lịch Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, thực tế là hiện nay, những hiệu ứng cho du lịch khi khán giả trở thành du khách trong phim, vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Đã đến lúc điện ảnh và du lịch cần “bắt tay” đồng hành. Mỗi bộ phim hay là cơ hội vàng để "nền công nghiệp không khói" phát triển. Một bộ phim giàu tính nghệ thuật, có ý nghĩa quảng bá cho du lịch đòi hỏi trình độ quay phim, khả năng dàn dựng tinh tế, mục tiêu là tạo sức tác động tới tâm trí và tình cảm người xem, cuốn hút và thúc đẩy họ lên đường đến tận nơi, xem tận chốn. Sự hợp tác này, không chỉ dừng lại ở việc ăn sẵn vài phim trường cũ hay địa danh, mà phải tạo thành một chuỗi du lịch phong phú, đa dạng.
“Để mỗi khán giả điện ảnh trở thành một du khách, thì ngành du lịch và điện ảnh cần ngồi lại với nhau. Điều này cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý du lịch ở cấp Trung ương và địa phương cùng các nhà làm phim thực hiện các dự án”, TS Cương gợi mở.
Để khán giả trở thành du khách
Khẳng định vai trò của điện ảnh trong việc quảng bá du lịch, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng: Điện ảnh có vai trò vô cùng quan trọng, bởi khả năng thể hiện ngôn ngữ và gắn kết câu chuyện của bộ phim, sự thú vị của bối cảnh đó để thu hút người xem…
Cùng quan điểm, theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã điện ảnh giống như một vũ khí trong việc góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa dân tộc của nước ta ra thế giới. Nhưng, sử dụng nó như thế nào lại là vấn đề khác: Thông thường người ta xem phim trước hết không phải xem bối cảnh mà người ta xem cả bối cảnh và con người. Và vì yêu nhân vật ấy, yêu câu chuyện phim mà người ta mới quan tâm đến bối cảnh bộ phim. Bởi thế du lịch là sản phẩm luôn luôn đi tiếp theo…
Có một thực tế, lâu nay, phần lớn những bộ phim nổi tiếng góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến với du khách quốc tế đều thuộc về những bộ phim của những đạo diễn nước ngoài. Một vài bộ phim truyện của các nghệ sỹ nước ta cũng đã rất chú trọng khai thác những cảnh đẹp thiên nhiên và nét văn hóa dân tộc độc đáo để hướng tới hiệu quả quảng bá du lịch cho đất nước. Tuy vậy, những bộ phim thuần Việt tạo nên cơn sốt du lịch chưa nhiều.
Để mỗi khán giả điện ảnh trở thành một du khách thì ngành du lịch và điện ảnh cần ngồi lại với nhau, từ khi xây dựng đề án làm phim, xây dựng kịch bản, chọn cảnh quay cho đến khi chọn góc máy, hướng tới mục đích giới thiệu được bối cảnh đẹp nhất, qua đó phản ánh giá trị di sản văn hóa, thắng cảnh, sinh hoạt văn hóa, nền nghệ thuật dân tộc...
Có ý kiến cho rằng, điều cốt lõi nhất để điện ảnh có khả năng quảng bá du lịch, lan tỏa tới khán giả khát khao được đặt chân tới bối cảnh là phải có phim hay.
Việc dùng điện ảnh để làm tăng sức hấp dẫn, quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia là câu chuyện không mới. Với Việt Nam, cơ hội quảng bá du lịch qua điện ảnh từng được mở ra, nhưng bị bỏ lỡ một cách lãng phí. Do đó, muộn còn hơn không, nhà quản lý ngành cần sớm phải xem xét lại vấn đề, tạo cơ chế phù hợp nhằm thúc đẩy sự phối hợp giữa du lịch và điện ảnh, góp phần hỗ trợ công tác quảng bá điểm đến của Việt Nam. Du lịch và điện ảnh Việt Nam rất cần một chiến lược lâu dài cho sự kết hợp phát triển.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Chúng ta nên tập trung cho các tài năng sáng tạo
Chúng ta đã từng chứng kiến những bộ phim Hàn Quốc chinh phục khán giả Việt Nam để từ đó chúng ta yêu mến âm nhạc, ca sĩ, diễn viên, người mẫu, rồi thời trang, mỹ phẩm và mong muốn đi du lịch Hàn Quốc. Chúng ta đang chứng kiến những bộ phim Hàn Quốc như Parasite (ký sinh trùng), hay Squid Game (trò chơi con mực), ban nhạc BTS đã lôi cuốn cả thế giới để tạo nên sức mạnh mềm của Hàn Quốc như thế nào. Chỉ riêng ban nhạc BTS thôi, báo cáo vào tháng 12 năm 2018 của Viện nghiên cứu Huyndai ước tính mỗi năm, thương hiệu BTS đem lại 4,1 nghìn tỷ won (3,51 tỷ USD) cho nền kinh tế Hàn Quốc, khi giúp nâng cao hình ảnh các sản phẩm Hàn Quốc ra nước ngoài và thúc đẩy du lịch. Nghiên cứu của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc công bố mới đây cho thấy gần 90% người hâm mộ ban nhạc K-pop này ở 111 quốc gia khác tuyên bố họ muốn tới thăm Hàn Quốc trong tương lai. Sự chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế bằng/thông qua văn hóa thực sự khích lệ những người yêu văn hóa nghệ thuật Việt Nam mong muốn đóng góp công sức cho sự phát triển đất nước bằng chính tài năng của mình.
Để học tập kinh nghiệm Hàn Quốc, tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu bằng cách tập trung cho các tài năng sáng tạo. Chiến lược đào tạo tài năng nghệ thuật của Hàn Quốc bằng cách gửi rất nhiều nghệ sĩ sang Mỹ và các nước phát triển công nghiệp điện ảnh để từ đó trở thành những hạt nhân trong ngành công nghiệp điện ảnh, âm nhạc đã thực sự thành công. Tài năng sáng tạo chính là nguồn lực quan trọng nhất của một đất nước. Chúng ta cũng cần tạo ra một môi trường phù hợp với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa bằng hệ thống các chính sách và cơ sở hạ tầng phù hợp. Đó là hệ thống ưu đãi thuế, đất đai, pháp lý phù hợp cho các tổ chức nghệ thuật và không gian sáng tạo, hay các sự kiện tầm vóc khu vực và quốc tế cho các lĩnh vực như điện ảnh (có thể là Liên hoan phim quốc tế Hà Nội trong bài học kinh nghiệm của Liên hoan phim quốc tế Busan), âm nhạc (Festival âm nhạc Monsoon), thời trang (Tuần lễ thời trang quốc tế Hà Nội)... để xây dựng thương hiệu cho các sự kiện, nghệ sĩ, sản phẩm nghệ thuật của Việt Nam. Bằng những giải pháp như vậy, chúng ta hy vọng bài học Hàn Quốc có thể hữu ích đối với Việt Nam.
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế: Bài học từ các nước là kinh nghiệm quý
Điện ảnh các quốc gia châu Á như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đã rất hiệu quả khi quảng bá những hình ảnh về văn hóa, ẩm thực, trang phục, thu hút khách du lịch và các ngành nghề kinh doanh khác. Đây là kinh nghiệm quý đối với điện ảnh Việt Nam. Với tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng văn hóa, di sản thu hút các nhà làm phim trong nước và quốc tế. Cụ thể, Huế là vùng đất lịch sử, văn hóa đặc sắc với gần 1.000 di tích, trong đó có 7 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu đã được UNESCO công nhận. Với tiềm năng này, Huế được các nhà làm phim lựa chọn là điểm đến cho các cảnh quay. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến: Truyền hình Studio Lambert Associates và Đài truyền hình NHK (Nhật Bản), Công ty CyArt (Mỹ), Trung tâm kỹ thuật số DAC (Hàn Quốc)... Những năm gần đây, nhiều nhà làm phim chọn Huế làm bối cảnh cho các tác phẩm nổi tiếng trong nước như: “Nàng thơ xứ Huế “và “Gái già lắm chiêu 3 - 4” (đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito), “Mắt biếc” (Victor Vũ)... Qua đó khẳng định điện ảnh góp phần thúc đẩy ngành du lịch Thừa Thiên Huế phát triển. Đồng thời Huế xác định điện ảnh sẽ là một trong những ngành công nghiệp văn hóa chủ lực của địa phương. Chính vì thế, chúng tôi có chính sách cho các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến Huế để xây dựng các phim trường lớn, ưu đãi với các nhà làm phim đến đây ghi hình, lấy bối cảnh. Trung bình một năm, chúng tôi đón khoảng 30-50 đoàn làm phim ở các hãng phim quốc tế đến khu di tích cố đô Huế. Tất cả đoàn phim đều được miễn phí vé vào hoàn toàn, tạo điều kiện tốt nhất để tác nghiệp.