Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Đôi khi phim chọn người
Bùi Thạc Chuyên không làm quá nhiều phim nhưng tác phẩm nào của anh cũng ấn tượng, chỉn chu, gây tiếng vang cả trong nước và quốc tế. Chừng 7-10 năm tìm kiếm để cho ra đời một tác phẩm, đạo diễn khẳng định mỗi bộ phim đều là cái duyên, đôi khi “phim chọn người”.
Khó nhất là… tiền
Phim “Tro tàn rực rỡ” “ngốn” 10 năm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Anh mất 2 năm chuyển thể kịch bản từ hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bùi Thạc Chuyên dành thêm 5 năm nữa để chuẩn bị cho việc quay phim.
Mỗi năm, anh vào Cà Mau vài lần để hiểu đời sống của người dân bản địa, tìm thêm trải nghiệm và cảm hứng cho tác phẩm của mình. Anh từng lang thang qua nhiều làng nghề, sinh hoạt cùng dân chài, cùng họ ăn cơm, theo họ ra biển đánh cá. Có lúc, anh thức tới 3 giờ để cùng một tàu cá ra biển, trải qua nhiều ngày lênh đênh, từ đó tìm ra hướng đi cho ý tưởng kịch bản.
Bùi Thạc Chuyên khẳng định: “Với nhà làm phim độc lập như tôi, làm phim là hành trình đơn độc, phải đương đầu nhiều thứ như: tự đi tìm dự án, viết kịch bản, tìm nhà sản xuất đồng hành, tìm tiền, ê-kíp, diễn viên… Ở nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển, họ có đội ngũ cùng làm những công việc đó. Một mình tôi không tránh khỏi những lúc bế tắc, có khi chững lại, thậm chí stress…”.
Tất nhiên, 10 năm đó anh không hoàn toàn làm một bộ phim. Anh vẫn viết kịch bản và làm nhiều việc khác. “Một bộ phim đến với mình như là cái duyên, đôi khi là… phim chọn mình” - anh tâm sự. Không nói tới nghệ thuật, việc để ra đời một bộ phim, theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên “tìm tiền là khó nhất”. Anh viết xong kịch bản “Tro tàn rực rỡ”, gửi đi các liên hoan phim để tìm tài trợ tại các hoạt động trong khuôn khổ LHP Cannes, LHP Busan, LHP Lorcano… “Nhận được sự tài trợ của 3-4 quỹ uy tín nhưng tôi vẫn chưa đủ tiền làm phim” - anh kể.
Thời gian chuẩn bị, tìm nguồn kinh phí kéo dài đến mức, nhiều diễn viên yêu thích kịch bản và nhân vật, đã chủ động “giục” đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: “Anh cứ quay đi, chúng ta chờ đợi quá lâu rồi”. Trước ngày quay, dàn diễn viên đã xuống Cà Mau khoảng một tháng trời, để hiểu và hòa nhập đời sống miền Tây với người dân địa phương. Rất nhiều diễn viên nói anh không cần trả thêm thù lao, dù phải gác lại hết mọi việc riêng, miễn là họ được tham gia dự án. “Họ đã tiếp thêm động lực cho tôi bởi họ quá yêu dự án và nhân vật. Tôi chỉ ước có thêm chi phí để trả cho các diễn viên. Họ đã làm hơn cả những điều tôi mong đợi”.
Khán giả Việt đã quan tâm phim nghệ thuật
Trước khi ra mắt khán giả Việt Nam, “Tro tàn rực rỡ” đã “chu du” và được vinh danh tại nhiều giải thưởng quốc tế như: Giải Khinh khí cầu Vàng, hạng mục Phim xuất sắc nhất tại LHP quốc tế 3 châu lục (Festival des Trois Continents) diễn ra ở Nantes, Pháp; tranh giải chính thức tại LHP Quốc tế Tokyo… Mặc dù vậy, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên rất “cảnh giác” với các giải thưởng. Anh cho rằng: “Mỗi liên hoan phim có một tiêu chí riêng nhưng để được lựa chọn vài phim trao giải giữa hàng trăm, hàng ngàn phim gửi về cũng rất khó. Khi vào vòng trong rồi, phim chiến thắng hay không phụ thuộc nhiều vào gu thưởng thức của hội đồng giám khảo. Nói chung, nguy cơ trượt rất cao, nếu cứ đau đáu giải thưởng thì đau khổ lắm, không thể làm phim được”.
Mặc dù phim thương mại vẫn được nhiều khán giả ưa chuộng, nhưng theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, khán giả Việt ngày càng quan tâm tới chất lượng phim. Gu thưởng thức phim của khán giả được nâng cao dần bởi họ được xem nhiều phim trên các nền tảng. Những phim dở sẽ khó được khán giả ủng hộ.
Xác định phim nghệ thuật như “Tro tàn rực rỡ” chắc chắn “kén” khán giả nên ngay từ đầu đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không đặt kỳ vọng vọng quá lớn về doanh thu. Tại nhiều buổi chiếu trong nước và quốc tế, nhiều người bày tỏ họ yêu thích bộ phim, kết thúc rồi mà khán giả như chưa muốn đứng dậy ra về. Điều đó khiến vị đạo diễn thấy vui và cảm động. Anh chia sẻ: “Phim “Tro tàn rực rỡ” có những khán giả riêng. Ai yêu thì sẽ rất yêu bởi bộ phim có điều gì đó lay động trái tim, chạm tới suy nghĩ, nỗi buồn, cảm thức… của họ”.
Theo đạo diễn, khán giả Việt hiện giờ đã quan tâm nhiều hơn tới phim nghệ thuật để làm giàu có vốn kiến thức, văn hóa… Họ đang tiến gần hơn tới việc làm chủ thị hiếu, xu hướng xem phim. Bên cạnh phim giải trí giống như những “món ăn nhanh”, khán giả cần được thưởng thức nhiều hơn những bộ phim nghệ thuật với nhiều dư âm cảm xúc sau khi rời khỏi rạp chiếu.
Kiên trì “cuộc chơi” điện ảnh
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sinh năm 1968, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là nhà văn Bùi Bình Thi, mẹ là họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ. Anh theo học Khoa Diễn viên - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và về đầu quân tại Nhà hát Kịch Việt Nam từ năm 1990. Bùi Thạc Chuyên chỉ xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam một thời gian ngắn, tham gia các vở “Vua Lia” (vai Edgar), “Ngụ ngôn năm 2000” (vai ông già)…, rồi chuyển hẳn sang điện ảnh.
Bùi Thạc Chuyên theo học lớp Đạo diễn Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 1997. Năm 2000, bộ phim truyện ngắn tốt nghiệp của anh - “Cuốc xe đêm” đã giành giải thưởng tại một trong những hạng mục chính của LHP Cannes 2000, hạng mục Cinéfondation - chú trọng đến các tài năng điện ảnh mới. Anh cũng là biên kịch kiêm đạo diễn các phim ngắn: “Nỗi buồn vĩnh cửu” (giải Cánh én Vàng - LHP Sinh viên toàn quốc lần thứ nhất, 1993), “Ăn mày”, “Ngôi nhà người điên”, “Cảm xúc thật”, “Người trên phố”...
Trong khi nhiều đạo diễn trẻ, đạo diễn “tay ngang” thường ra phim đều đặn mỗi năm hoặc 2 năm/phim, thì đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từ 2006 đến nay mới làm tổng cộng 4 phim. Trong đó, 3 phim của anh đều gây tiếng vang và “oanh tạc” các giải thưởng quốc tế lớn.
Phim truyện dài đầu tay của Bùi Thạc Chuyên là “Sống trong sợ hãi” (2006), xoay quanh nhân vật chính là một người lính của chế độ cũ cố gắng mưu sinh tại vùng đất mới bằng nghề phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh để lấy phế liệu đem bán.
Tác phẩm đã giành giải thưởng Lớn của Ban giám khảo LHP châu Á - Thái Bình Dương; giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất, Diễn viên nam chính và nam phụ xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Cánh diều 2006 của Hội Điện ảnh Việt Nam. Phim cũng đã tham dự LHP Rotterdam và được Trung tâm hợp tác văn hóa Việt - Mỹ tại New York mời tham gia trong chương trình chiếu phim tại 15 trường đại học của Mỹ vào tháng 3/2007.
“Chơi vơi” (2009) - tác phẩm thứ hai của diễn Bùi Thạc Chuyên cũng giành các giải thưởng như: giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Họa sĩ thiết kế xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam 2010; Giải thưởng của Hiệp hội Phê bình quốc tế Fipresci tại LHP Venice; tham dự và giành giải thưởng tại nhiều LHP quốc tế khác. Với “Chơi vơi”, để kể câu chuyện tình yêu của những người phụ nữ Hà thành, vừa khuôn phép vừa phá cách, vừa dịu dàng vừa dữ dội, đạo diễn cũng dành tới 7 năm trời chuẩn bị từ khâu kịch bản đến huy động kinh phí, tìm nguồn đầu tư, tìm kiếm diễn viên, ê kíp làm phim…
Say mê với cuộc chơi điện ảnh, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không vội vàng hấp tấp, không chạy theo doanh thu, thị trường... Anh cầu toàn, chỉn chu, kiên trì, lặng lẽ và tạo dựng cho mình một phong cách làm phim riêng biệt. Khai thác đề tài tình yêu, phụ nữ, gia đình... nhưng mỗi tác phẩm của Bùi Thạc Chuyên đều đem đến cho khán giả những dư âm và nhiều điều bất ngờ.
Song song với đó, Bùi Thạc Chuyên vẫn tham gia “cuộc chơi” điện ảnh trong vai trò “thuyền trưởng” ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển Tài năng Điện ảnh trẻ (TPD). “Tôi dạy thì ít mà các em dạy cho tôi thì nhiều. Các em truyền cho tôi năng lượng để thấy động lực đến với nghệ thuật vẫn nên đơn giản và hồn nhiên. Càng toan tính thì sẽ thành rào cản và mình không thể làm phim được” - anh bày tỏ.