Đi tìm cội nguồn múa sạp
Tại Việt Nam, điệu múa dân gian nổi tiếng nhất, phổ biến nhất chắc chắn là múa sạp. Múa sạp một thời được nhiều người tin có gốc Mường. Nhưng sau này, khi có điều kiện giao lưu, học hỏi rộng hơn, người ta mới hay điệu múa này còn phổ biến ở nhiều dân tộc khác ở châu Á. Để rõ hơn về cội nguồn của múa sạp, Tinh hoa Việt xin giới thiệu bài viết của nhà dân tộc học Tạ Đức.
Múa sạp - điệu múa mừng chiến thắng
Sạp là biến âm của sặt, tên một loài tre mọc nhiều ở vùng núi, có thân thẳng, vỏ cứng rất thích hợp cho việc dùng làm đạo cụ cho điệu múa này. Sự nổi tiếng và phổ biến của điệu múa sạp gắn với các nghệ sĩ của Tổng đội Văn công thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thành lập ngày 15/3/1951 tại Việt Bắc, Tổng đội đã nhanh chóng tham gia chiến dịch Quang Trung tại 3 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Từ cảnh dân công Mường lúc nghỉ ngơi dùng đòn cáng thương bằng sặt múa nhịp nhàng, các biên đạo: Hoàng Bội, Thúc Hiệp đã lấy chất liệu múa Mường để dựng nên một tiết mục mới mang tên “Múa sạp” với phần nhạc do ca sĩ - nhạc sĩ Mai Sao sáng tác dựa trên dân ca Thái. Các nam nữ chiến sĩ văn công khi múa mặc trang phục Mường.
Tiết mục này sau đó được đem phục vụ bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, được các chiến sĩ hoan nghênh nhiệt liệt.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, các nghệ sĩ: Trần Minh, Doãn Khôi, Minh Hiến của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị lại tiếp tục nâng cấp điệu múa, đưa múa sạp cùng với bài ca "Chiến thắng Điện Biên" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận thành hai tiết mục chính, nổi bật để biểu diễn trong các lễ hội chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ, ca ngợi tình đoàn kết của quân dân và các dân tộc Việt Nam. Đó cũng là hai tác phẩm nghệ thuật tạo ra không khí tưng bừng, náo nức tại Thủ đô Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Người Hà Nội đã xem là nhớ mãi hình ảnh bộ đội đội mũ lưới mặc áo trấn thủ múa cùng cô gái mặc áo cóm Thái, cổ choàng khăn dài, từng đôi cầm tay nhau bay lượn trong tiếng sạp dập tưng bừng, trong lời ca bay bổng với những câu mở đầu thật đẹp:
Từng đàn bướm bướm xinh, tung tăng bướm bay vờn
Tây Bắc tiếng cười vang vang, suối tươi gieo màu nắng vàng
Một đoàn bộ đội dân quân, nắm tay ta cùng liên hoan...
Khi Việt Nam đưa múa sạp đi biểu diễn ở: Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Liên Xô (cũ) và dự Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ 6 ở Mạc Tư Khoa (Mátxcơva), múa sạp cũng được nhiệt liệt đón chào, được gọi là “Múa tre Việt Nam". Sau điệu múa cùng tiếng vỗ tay là tiếng hô “Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp” vang dội. Múa sạp trở thành một biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết và vẻ đẹp Việt Nam.
Tôi còn nhớ, đầu những năm 1960, vào các dịp lễ Quốc khánh và kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, tại các sân khấu văn nghệ ở quanh Hồ Gươm hay các khu phố đều có biểu diễn múa sạp. Tôi hồi đó đi xem chỉ biết vỗ tay và hát theo: “Sòn sòn sòn đô sòn, sòn sòn sòn đô rế”… Đó là những nốt nhạc đầu tiên ngân nga trong đầu tôi, từ ấy không thể nào quên.
Có vẻ, những kỷ niệm ấy cứ âm ỉ trong tôi cho đến khi tôi trở thành một nhà dân tộc học. Vì thế, khi có ý định viết bài về nguồn gốc và sự phát triển của một loạt giá trị đặc sắc trong văn hóa dân gian Việt Nam cho Tạp chí Văn hóa Dân gian, bài đầu tiên tôi viết chính là bài “Nguồn gốc và sự phát triển của múa sạp”.
Từ tư liệu về múa sạp của người Khmer ở Campuchia và người Toraja ở Indonesia, tôi đi đến kết luận rằng: Múa sạp có nguồn gốc từ múa chày, một biến thể của múa chày - cối. Chày ở đây là loại chày gỗ dài còn thấy trong tục khua luống của người Thái hay đâm đuống của người Mường ngày nay. Để múa, chỉ cần hai người ngối đối mặt nhau, hai tay cầm hai chày nằm ngang dập xuống đất cho một hoặc hai người khác nhảy vào - ra, lên - xuống... Điệu múa đòi hỏi người múa phải nhanh và khéo để khỏi bị dập vào chân. Có lẽ, múa chày ra đời ngẫu nhiên sau một buổi giã gạo mệt nhọc, người xưa muốn nhảy múa với cây chày ngay tại chỗ cho sảng khoái. Sau này, người ta mới dùng các thanh tre dài hơn thay cho chày.
Vào năm 2001, sang dự một khóa học trong một tháng ở Philippines, tôi có dịp xem điệu múa sạp Philippines. Người bạn Philippines bảo tôi đó là điệu múa quốc gia của họ, nên phần lớn họ đều biết múa. Học sinh, sinh viên thường múa sạp tại trường trong ngày Quốc khánh để thể hiện lòng tự hào dân tộc. Múa sạp Phillippines nổi tiếng đến mức ở Mỹ nó được đưa vào các trường học như một bài thể dục nhịp điệu cho các lớp giáo dục thể chất.
Với “căn bệnh nghề nghiệp”, tôi cố so sánh và tìm ra những điểm giống - khác nhau giữa múa sạp ta với múa sạp bạn.
Giống thì dễ thấy rồi, đều có đạo cụ bằng tre, nhịp điệu rộn ràng, động tác múa đẹp mắt, không khí náo nức. Còn khác thì bạn có nhiều bản nhạc cho múa sạp và nhạc của họ nghe hơi Tây. Tìm hiểu kỹ hơn mới biết dàn nhạc cho múa sạp của họ là dàn nhạc dây gốc Tây Ban Nha thời Trung cổ. Còn nhạc cho múa sạp ở Việt Nam, cho đến nay như tôi biết, vẫn một bài “sòn sòn sòn đô sòn”. Nhưng tôi nghĩ giai điệu ấy vẫn hay, và mãi mãi hợp với múa sạp, bởi nó sẽ làm chúng ta nhớ mãi tới chiến thắng Điện Biên, khí thế Điện Biên năm nào. Giai điệu duy nhất ấy sẽ sống mãi cùng với hào khí Điện Biên, với bản lĩnh cây tre Việt Nam.
Còn nữa, trong khi ta không có một truyền thuyết lịch sử nào về nguồn gốc múa sạp thì bạn lại có ít nhất là hai.
Truyền thuyết thứ nhất, phổ biến và được ưa chuộng nhất, cho rằng, điệu múa mới chỉ ra đời vào thời nước này là thuộc địa của thực dân Tây Ban Nha (1521-1898), do các công nhân đồn điền phải luyện chân nhanh chân khéo để chống lại cách trừng phạt bằng đánh gậy vào chân họ của giới chủ Tây Ban Nha. Họ đã làm được và điệu múa ra đời như một cách thể hiện sự chiến thắng các thế lực thực dân, thể hiện lòng lạc quan và chí kiên cường của người Philippines.
Truyền thuyết thứ hai lại cho rằng, điệu múa có tên là “Tinikling”, có nghĩa là múa như chim tikling, một loài chim chân dài rất thân thuộc với người trồng lúa nước này. Điệu múa đã ra đời ở đảo Leyte, nơi vẻ đẹp duyên dáng, sự nhanh nhẹn và khéo léo của loài chim này đã trở thành một huyền thoại. Khi múa, người múa bắt chước các động tác của chim tikling khi bước giữa các đám cỏ, qua các cành cây, hoặc né tránh bẫy chim bằng tre của người trồng lúa.
Có thể thấy truyền thuyết thứ nhất khiến múa sạp Philippines giống múa sạp Việt Nam. Cả hai đều là điệu múa chiến thắng trước chế độ thực dân, đều thể hiện tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Còn truyền thuyết thứ hai lại khiến múa sạp Philippines giống múa - hát xoan Phú Thọ, có gốc từ điệu múa cò trắng - múa chim Lạc của người Lạc Việt.
Lý giải nguồn gốc của múa sạp
Trong một bài viết năm 1988 cho Tạp chí Văn hóa Dân gian, từ tư liệu về múa chày của người Khmer ở Campuchia và của người Toraja ở Indonesia, tôi cũng đi đến kết luận: Múa sạp có gốc từ múa chày, loại chày gỗ dài dùng cho dạng cối nằm hình máng của người Mường, người Thái cũng như cho dạng cối đứng lưng eo của các tộc Tây Nguyên. Sau một buổi giã gạo mệt nhọc, người ta cần múa để thư giãn, vui vẻ. Hai người ngồi xuống, hai tay cầm hai chày nằm ngang song song dập xuống đất và dập vào nhau cho một hoặc hai người khác nhảy. Điệu múa đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo của người múa và luôn tạo ra không khí vui nhộn, sôi nổi.
Tuy nhiên, giờ đây, với các tư liệu mới về điệu múa sạp ở châu Á và các điệu múa thiêng Bách Việt, tôi đã có một cách lý giải khác.
Người Philippines có hai cách lý giải về điệu múa sạp mang tên Tinikling của họ.
Thứ nhất, múa Tinikling có nghĩa là múa như chim tikling, một loài chim chân dài rất thân thuộc với người trồng lúa nước này. Người múa bắt chước các động tác của chim tikling khi bước giữa các đám cỏ, qua các cành cây, hoặc né tránh bẫy chim bằng tre của người trồng lúa. Người dân đảo Leyte, quê hương của điệu múa này, coi chim tikling là loài chim duy nhất có được các động tác như vậy. Vẻ đẹp duyên dáng, sự nhanh nhẹn và khéo léo của loài chim này đã đi vào các huyền thoại của họ.
Thứ 2, điệu múa ra đời thời thực dân Tây Ban Nha (1521-1898). Để trừng phạt những công nhân đồn điền làm việc chậm chạp, chủ Tây Ban Nha dùng hai cây gậy tre có gai đánh vào chân họ. Các công nhân luyện cách tránh đòn, từ đó ra đời điệu nhảy.
Tôi nghĩ cách lý giải đầu có cơ sở văn hóa - lịch sử hơn.
Với tôi, điều lý thú nhất là tikling là một loài chim cùng họ gà nước với chim xít, một loài chim cũng có mặt trên trống Đông Sơn và trong bài hát quan họ "Trống cơm" nổi tiếng. Một động tác chính của múa Tinikling là “nhảy lò cò”, tức nhảy một chân. Đứng một chân là tư thế nghỉ đặc trưng của cò, loài chim nổi bật nhất trên trống đồng Đông Sơn và cũng là loài chim thân thuộc nhất với người nông dân Việt.
Tôi tự hỏi phải chăng múa tikling có gốc từ một điệu múa kết hợp hai điệu múa thiêng thời xa xưa: múa chày - cối gắn với tín ngưỡng phồn thực và múa chim gắn với tín ngưỡng vật tổ chim thời Đông Sơn?
Và tôi tự trả lời: Sao lại không?
Trước hết, như chúng ta biết, mọi dạng cối giã gạo đều gồm một cặp chày - cối, khi giã một trên - một dưới, lên - xuống, đóng - mở nhịp nhàng. Trong tâm thức nhiều tộc người xưa nay, chúng được đồng nhất với dương - âm, có tác động qua lại với sự sinh sôi nảy nở của người và vạn vật.
Cối là một dạng trống và là gốc của chiếc trống da. Trong tiếng Việt, từ “trống” chỉ chiếc trống phản ánh đặc tính trống, rỗng một mặt của chiếc cối. Chiếc cối lưng eo chính là nguyên mẫu của trống đồng Đông Sơn với cách đánh trống tương tự cách giã cối còn thấy trên các trống sớm như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ.
Từ đó, trống chày - cối đã trở thành một nhạc cụ thiêng trong các lễ cầu mưa - cầu mùa - cầu sinh sôi nảy nở của người Bách Việt xưa. Họ tin tiếng trống chày - cối càng vang vọng, càng rộn rã, tổ tiên - thần linh càng vui sướng và nghe thấu những lời cầu nguyện của họ. Dạng trống chày - cối đó ngày nay vẫn còn đây đó với tục “đâm đuống” của người Mường hay “khua luống” của người Thái, trong đó “đuống”, “luống” là dạng cối hình máng dài.
Rồi trong một ngày đẹp trời, một dạng trống mới: trống chày - chày - cùng với một điệu múa mới: múa chày - như một ma thuật mô phỏng mới ra đời. Trong các lễ cầu mưa - cầu mùa - cầu sinh sản, sự mô phỏng việc đực - cái vẫn như ở trống chày - cối, nhưng với tiếng chày dồn dập, mạnh mẽ hơn, nghe sầm sập như tiếng sấm đầu mùa, như trời đổ mưa rào, người xưa tin có sấm, mưa thì nghi lễ sẽ càng linh nghiệm.
Ma thuật mô phỏng là dạng ma thuật phổ biến trong văn hóa loài người từ xưa tới nay. Một nguyên tắc của ma thuật, đó là muốn cái gì, người ta tạo ra những cái tương tự và tương ứng với cái đó. Người Đông Sơn đánh trống cối, trống chày, trống đồng trong các lễ cầu mưa - cầu mùa - cầu sinh sản bởi họ tin hay hy vọng âm thanh trống gần với tiếng sấm gọi mưa trong tự nhiên, động tác đánh trống giống quan hệ hòa hợp âm - dương.
Trong các lễ hội thời Đông Sơn (thế kỷ 7 TCN - thế kỷ 1) với tín ngưỡng Bà Tổ Chim, được đồng nhất với Bà Trời - Mẹ Lúa, người Bách Việt còn có điệu múa chim, trong đó người múa là người hóa trang thành chim, động tác múa là động tác của chim. Đó cũng là một ma thuật mô phỏng, có mục đích thể hiện lòng biết ơn Bà Tổ Chim, với niềm tin Bà Tổ sẽ nhận biết và phù hộ cho con cháu.
Cùng thờ Bà Tổ Chim, nhưng mỗi nhóm, mỗi dòng họ có thể thờ một loài chim khác nhau. Trên trống đồng Đông Sơn có hình nhiều loài chim, trong đó nổi bật nhất là loài cò trắng (chim Lạc) - vật tổ của hoàng tộc Văn Lang và Âu Lạc. Điệu múa thiêng trên trống đồng là điệu múa Cò Trắng với đoàn người - chim di chuyển cùng hướng với bầy cò trắng và mặt trời. Ở giữa hai ngôi nhà hình Bà Tổ Chim và Ông Tổ Rồng có cảnh hai người giã cối với cặp chày dài gắn lông chim.
Vào cuối thời Đông Sơn (thế kỷ 1 TCN), người Đông Sơn lại sáng tạo ra một điệu múa mới kết hợp múa chày và múa cò trắng.
Trong tiếng trống chày dồn dập náo nức, người múa là người - cò với các động tác như cò duyên dáng bay lượn trên đồng lúa, như cò nhanh nhẹn nhảy không để sa chân vào bẫy tre. Ngoài tính chất ma thuật cầu mưa - cầu mùa, điệu múa còn thể hiện tính linh hoạt, khôn khéo cùng tinh thần bất khuất của con cháu Bà Tổ Chim.
Rất có thể, cách lý giải thứ hai của người Philippines về múa Tinikling là một sự đổi mới ý nghĩa trên của điệu múa Đông Sơn đó.
Cũng vào thời đó và nhất là sau thất bại của cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo, nhiều nhóm người Đông Sơn đã phải di tản, tị nạn bốn phương. Một số nhóm mang theo trống đồng, vật thiêng mang hồn tổ tiên - thần linh, điều lý giải vì sao hơn trăm trống Đông Sơn lớn đã được tìm thấy tại hầu hết các nước Đông Nam Á. Nhiều nhóm mang theo các điệu múa thiêng.
Múa chày Khmer có gốc từ người Kui, một tộc họ hàng với người Katu ở Việt Nam. Văn hóa cổ truyền Katu bảo lưu nhiều yếu tố Đông Sơn, đặc biệt là ngôi nhà làng tổng hòa hai dạng nhà chim - rùa có trên trống đồng. Trong tổ tiên người Katu có một nhóm người Đông Sơn.
Trong tổ tiên của người Toraja ở Indonesia cũng có một nhóm người Đông Sơn. Bằng chứng rõ nhất là ngôi nhà cổ truyền của họ trông giống hệt ngôi nhà hình chim trên trống Ngọc Lũ.
Tộc có múa sạp ở Ấn Độ là người Mizo. Sử sách Mizo viết rằng điệu múa đó đã ra đời vào thế kỷ 1 khi tổ tiên người Mizo còn ở Vân Nam. Vào thời đó, Vân Nam là đất của người Điền Việt. Văn hóa Điền và văn hóa Đông Sơn là hai nền văn hóa anh em.
Người Murut ở Malaysia múa sạp với mũ cắm lông chim, áo vỏ cây, khố, hình xăm mình và các động tác của chim trong tiếng chiêng trống. Đó là những yếu tố Đông Sơn cũng thấy trong văn hóa của người Dayak láng giềng với họ. Người Dayak chắc chắn là con cháu của một nhóm di dân Đông Sơn. Nhưng chưa rõ vì sao họ không có múa sạp.
Cũng chưa rõ múa sạp Đông Sơn đã đến Philippines như thế nào, tuy nhiên tên gọi chim Tikling khá gần gũi với Klang/Kling, một từ chỉ chim trong tiếng Việt cổ. Có học giả cho rằng Kling là gốc của Mê Linh, tên gọi quê của Hai Bà Trưng.
Giờ đây, tôi tin rằng múa sạp của Việt Nam và nhiều nước khác cùng có chung cội nguồn văn hóa Đông Sơn.