Nhớ mẹ
Vào những ngày xuân, bầu trời Hà Nội mờ ảo trong làn mưa bụi, tôi bỗng như nhìn thấy trên con đường bên Hồ Gươm, mẹ tôi thong thả trở về gốc cây đa Đền Bà Kiệu. Bóng dáng gầy gò lả lướt của mẹ tôi như đang dựa vào chiếc cặp to sù mà bà ôm bên mình. Từ trong chiếc cặp thò ra một đầu thước kẻ gỗ dính đầy bụi phấn. Đi theo sau mẹ tôi là hai em học trò, một em xách một cái khay gỗ đựng dãy lọ mực tím, một em ôm một chồng vở học trò. Các em đi theo mẹ tôi về đến nhà, dò dẫm bước trên một cầu thang gạch cũ mà các bậc thang đều sứt sẹo...
Tôi nhớ về một thời những buổi tối ở phố cổ bên Hồ Gươm không gian yên tĩnh lắm. Thỉnh thoảng chỉ nghe thấy tiếng lá khô rơi xuống góc sân thượng bên thềm. Căn phòng nhà tôi ấm áp trong ánh đèn điện vàng mờ sáng yếu. Mẹ tôi ngồi trầm lặng trước những chồng vở học trò, vẻ mặt bà thanh tao điềm đạm. Bà nhìn chăm chú đọc từng nét chữ, từng con số tròn xoe ngây ngô trong những trang vở ấy. Thế rồi bà dùng bút đỏ để nắn lại một vài nét vụng về, đánh dấu những con tính sai. Ánh mắt dịu hiền của bà chợt có chút đăm chiêu trước khi viết một con số cho điểm bên lề trang vở…
Mẹ trong ký ức của các nhà văn
Ngày 14/5 năm nay là Ngày của Mẹ (Mother's day). Đó là dịp để tất cả chúng ta tôn vinh, tri ân đấng sinh thành. Nhưng quan trọng hơn, đó là ngày để mỗi người trong chúng ta nhớ và nghĩ về mẹ của mình, trở về thăm mẹ, hoặc đơn giản hơn, trở về với những câu chuyện còn vọng vang trong ký ức.
Ai cũng có người một người mẹ để nhớ, để thương, để tôn vinh…
Ai cũng có thể kể những câu chuyện tươi xanh về người mẹ của mình…
Tinh hoa Việt xin giới thiệu những câu chuyện về mẹ được kể bởi 3 nữ nhà văn.
Cả đời mẹ tôi chỉ làm một nghề dạy trẻ con học tập đọc, làm tính, viết chính tả và làm thủ công… Trong những năm tháng thời bao cấp khi đi dạy học bà thường mặc áo trắng quần đen như tất cả mọi phụ nữ cán bộ ai ai cũng có Phiếu vải 5m/1 năm. Tuy vậy thỉnh thoảng có dịp lễ hội mẹ tôi vẫn mặc áo dài.
Mỗi khi bà mặc áo dài, ai nhìn bà cũng cảm thấy vẻ thanh lịch sang trọng dịu dàng của người Hà Nội xưa cũ. Mẹ tôi có mấy cái áo dài đều may từ thời 1949-1954, khi bà từ nơi tản cư trở về thành phố mở trường dạy học ở nhà 22 Hàng Dầu, trong thời Hà Nội bị Pháp tạm chiếm. Những năm từ 1955 đến 1965, tất cả những chiếc áo dài đẹp đẽ của mẹ tôi đều đã lần lượt bị phá ra để biến thành những chiếc áo ngắn cho tôi và em trai tôi…
Giờ đây những hình ảnh đẹp của mẹ tôi mặc áo dài chỉ còn trong album gia đình để con cháu ngày sau được biết. Những chiếc áo dài đẹp của mẹ tôi đã tan thành tro bụi. Thế nhưng có những hình ảnh không còn trên trần thế, cũng không còn là vật chất có mặt trong bảo tàng, vẫn được lưu lại sâu thẳm trong ký ức con người.
Đã hơn 40 năm qua, tôi không bao giờ còn được nghe thấy tiếng nói của mẹ tôi. Trong thăm thẳm tâm can, tôi vẫn nghe thấy giọng nói nhẹ nhàng ấy, giọng nói duy nhất và không bao giờ có một người thứ hai nào có thể nói với tôi bằng một giọng như thế nữa vẫn mãi mãi ở bên tôi, giúp tôi đi qua bao nhiêu năm tháng vất vả đầy thử thách.
Năm 1978, mẹ tôi 53 tuổi, chỉ còn hai năm nữa là bà được nghỉ hưu, bà sẽ được nghỉ ngơi sau gần 30 năm làm giáo viên tiểu học. Dạo đó có chủ trường lớn phổ cập tiểu học toàn quốc. Để thực hiện được mục tiêu tất cả các học sinh đều tốt nghiệp tiểu học, nhà trường dồn các em học sinh cá biệt (lười học, nghịch ngợm…) vào một lớp và mời một giáo viên giỏi tận tâm giàu kinh nghiệm tự nguyên nhận dạy lớp đó. Thế là mẹ tôi xung phong nhận lấy một việc hao tâm tổn sức khi tuổi đã cao. Lúc đó, mẹ tôi còn có niềm vui mới con gái bà (là tôi) đã lấy chồng và mẹ tôi sắp được “lên chức” bà ngoại. Đúng lúc lớp học “cá biệt” của mẹ tôi đang tiến bộ từng ngày thì một căn bệnh ác tính đã ập đến với mẹ tôi.
Từ hơn một tháng trước tôi đã biết mẹ tôi đã bị một khối ung thư quái ác. Nó ở một vị trí hiểm hóc ở ngã ba đường giữa thực quản, khí quản và dây thanh quản. Khối u đó làm cho một con người nội tạng bình thường, trí não sáng suốt mà lại không thể nào nuốt trôi một hạt cơm, một ngụm nước nào qua cổ họng được nữa. Sau khi đưa mẹ tôi đi khám bệnh được các bác sĩ thông báo kết quả hội chẩn, gia đình tôi đã đồng ý để mẹ tôi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u tại Bệnh viện Bạch Mai.
…Niềm khao khát sống trên trần thế của mẹ tôi luôn tràn trề hy vọng. Chẳng bao lâu sau khi được chữa trị chăm sóc tốt mẹ tôi đã hồi phục sức khỏe và được ra viện. Một trong những niềm vui khiến bà háo hức trở về nhà là để được bế thằng cu cháu ngoại, con trai đầu lòng của tôi đã ra đời…
Niềm vui nhất của mẹ tôi ngày trở về nhà là được bế cháu. Khi mẹ tôi ôm chặt cháu vào lòng, có lẽ bà cảm thấy một niềm khát khao được nựng nà thằng cu bé tí. Tình cảm ấy khiến bà không “kiêng” nói được nữa, dù cho tiếng nói của bà chỉ lào thào như gió thì thầm, thì nó vẫn là tiếng nói từ tâm can bà…
Thế nhưng, niềm mơ ước cuối cùng của mẹ tôi đã không được toại nguyện. Vài ba tháng sau bệnh đã di căn, mẹ tôi giã từ đời sống để về miền vĩnh hằng cực lạc.
Mẹ tôi chỉ là một giáo viên tiểu học nhưng sau này nhiều học trò nhớ mãi mẹ tôi. Đã nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau, tôi đã từng bất ngờ bắt gặp một nụ cười, một câu chào: “Chị Liên, em biết chị là con gái cô giáo Thi!”
Vâng, tôi là con gái cô giáo Thi! Đó là một thực danh mà tôi sung sướng có được suốt cả cuộc đời.