Mẹ và con - những chuyện chưa kể

PHONG ĐIỆP 14/05/2023 11:16

Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra khi tôi còn rất nhỏ. Bố mẹ tôi lúc đó đang công tác tại Bệnh viện tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Bệnh viện tỉnh Nam Định). Do yêu cầu của đất nước trong thời chiến, bố tôi (sinh năm 1946, nguyên bộ đội thời chống Mỹ, đã ra quân) tiếp tục được huy động quay trở lại quân ngũ với nhiệm vụ là bác sĩ quân y, trực tiếp đi các địa phương làm công tác tuyển quân để gửi ra mặt trận. Hoàn cảnh gia đình tôi lúc ấy khá khó khăn: mẹ vừa học vừa làm, bố vắng nhà triền miên, tôi thì ốm đau quặt quẹo quanh năm suốt tháng, nên bố mẹ tôi đành gửi chị gái tôi (hơn tôi 4 tuổi) về quê dưới xã Giao Tiến, huyện Xuân Thủy (nay tách thành Xuân Trường và Giao Thủy) để sống với bà nội và gia đình bác cả.

Nhà văn Phong Điệp và mẹ. Ảnh: NVCC.

Không có chị và bố ở bên, những năm tháng ấy tôi được sống trọn vẹn bên mẹ. Tôi nhớ những đêm mẹ đi trực bệnh viện, tôi được mẹ chở đi theo. Để tránh bị người khác phát hiện gây phiền phức cho mẹ, tôi được lệnh ở yên trong phòng trực của mẹ, phòng rộng chừng 6m2, có một giường cá nhân phủ ga trắng, là nơi để nhân viên y tế tranh thủ nghỉ ngơi khi không phải giải quyết công việc. Những lần như vậy, hễ nghe thấy có tiếng người lạch cạch ngoài cửa là tôi chui vội xuống gầm giường, ngồi im thin thít.

Mẹ thương tôi lắm nhưng không còn cách nào khác, vì tôi quá nhỏ để có thể bỏ mặc tôi ở nhà qua đêm. Tôi thì không hề cảm thấy phiền hà, thậm chí còn có phần háo hức, thích thú bởi đêm muộn thế nào mẹ sẽ mang về cho tôi chiếc bánh bột mì nóng rẫy thơm lừng là suất ăn dành cho nhân viên ca trực nhưng mẹ không ăn mà để phần mang về cho tôi. Chiếc bánh có hình tròn, thân dẹt, to bằng lòng bàn tay, làm từ bột mì do Liên Xô viện trợ, vỏ ngoài giòn bên trong mềm, thơm ngậy vị sữa và đường được tôi ăn nghiến ngấu trong nỗi thèm thuồng.

Tôi có một bí mật chưa từng tiết lộ, đó là lâu nay tôi đã chọn văn chương để bày tỏ tình yêu của tôi với mẹ. Để mẹ hiểu rằng tôi đã không chọn sai con đường. Rằng tôi đang hạnh phúc. Rằng những gì tôi viết ra, tôi đều muốn dâng tặng cho bà. Và tôi mong bà hạnh phúc vì có tôi.

Với tôi, được ngủ trong vòng tay của mẹ là cảm giác dễ chịu nhất. Người mẹ luôn tỏa ra mùi thơm không thể trộn lẫn. Mùi thơm tỏa ra từ mái tóc chảy dài như suối trên gối, mùi thơm tỏa ra từ bộ quần áo sờn chỉ, mùi cơ thể của mẹ ngọt ngọt, dìu dịu. Mùi của mẹ luôn khiến tôi đi vào giấc ngủ rất nhanh.

Thực ra cả ngày mẹ tất bật công việc, hết việc ở bệnh viện, đến trăm thứ viêc ở nhà, trước khi đi ngủ mới là lúc hai mẹ trò chuyện nhiều nhất. Khi đó tôi sẽ lại được nghe các câu chuyện kể của mẹ, từ chuyện cổ tích đến những chuyện về quê hương bản quán mà không lúc nào mẹ không nhung nhớ. Nhiều lúc mẹ còn hát cho tôi nghe. Mẹ thích hát. Hồi còn là thanh niên xung phong, tham gia giữ tuyến đường Trường Sơn chạy qua tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An và Hà Tĩnh) mẹ được bầu là “cây văn nghệ” của đơn vị. Đó là ký ức đẹp đẽ trong những năm tháng thanh xuân của mẹ, thường được mẹ kể đi kể lại trong các câu chuyện của mình… Thực ra ở tuổi ấy, tôi chưa đủ khả năng để hiểu hết những gì mẹ tâm sự. Nhưng mẹ vẫn coi tôi như người bầu bạn, để dốc hết nỗi lòng, nhờ vậy giúp mẹ vơi bớt nỗi nhớ quê nhà, vơi bớt sự cô quạnh của cảnh nhà một mẹ một con.

Chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc, gia đình tôi được đoàn tụ. Mẹ đón bố mừng mừng tủi tủi, việc nhà giờ đã có thêm bàn tay người đàn ông đỡ đần, sẻ chia. Mẹ không còn phải loay hoay một mình sửa mái nhà dột, chằng chống cửa rả mỗi khi bão về.

Những năm tháng ấu thơ ấy, nhà neo người, kinh tế khó khăn nên mẹ luôn tìm mọi cách xoay sở để chồng con không phải đói khổ. Tôi nhớ những đận mẹ vừa gây được đàn gà thì dịch cúm làm cho gà chết hết. Mẹ héo hon vì buồn. Hay có năm nuôi được con lợn ăn tết, đến lúc gần xuất chuồng thì lợn lăn ra ốm, đành phải bán tống bán tháo gỡ gạc được đồng nào hay đồng ấy. Mẹ bần thần mất mấy hôm, cả ngày chỉ thở dài thườn thượt vì tiếc của. Nhưng chưa khi nào mẹ nản mà bỏ cuộc. Đợi hết dịch, mẹ mua ổ gà mới. Lợn trong chuồng lúc nào cũng có ít nhất 2 con. Có năm lợn được giá, mẹ quyết định sắm cho cả nhà cái tết thật tươm, gói tận 50 cái bánh chưng, còn chị em tôi xúng xính quần áo giầy dép mới tinh đi chơi khắp xóm để đám bạn tha hồ lác mắt.

Từ bé đến lớn, lúc nào mẹ cũng dành mọi sự chăm chút cho chị em chúng tôi. Tôi nhớ mãi bộ quần áo blu trắng được bệnh viện cấp phát theo chế độ hàng năm, nhưng mẹ nhất quyết mặc lại bộ đồ cũ đã ngả mầu còn bộ đồ mới mẹ dành cho hai chị em chúng tôi. Mẹ gỡ tung các cạnh chỉ may, rồi xếp các khuôn vải căn sao cho khéo để cắt thành các bộ quần áo mặc nhà cho hai chị em. Những chiếc áo len bị cộc, chật, mẹ gỡ ra, giặt, hấp cho sợi bông lên rồi đan thành những chiếc áo mới cho các con. Ngoài công việc chính ở bệnh viện, mẹ nhận đủ thứ việc để làm thêm: bóc lạc thuê, thêu áo len, dệt áo len, gỡ sợi...

Tôi nhớ những ngày mùa hè, ngôi nhà ngói ba gian của chúng tôi có lúc xếp chất ngất các bao tải lạc. Tối tối, mẹ giục chúng tôi ngủ trước, ưu tiên chúng tôi chiếc quạt con cóc quay với tốc độ đuổi ruồi vì điện quá yếu dù đã sử dụng cả súp-vôn-tơ để tăng lên hết cỡ. Còn mẹ vẫn kỳ cạch ngồi bóc lạc đến quá nửa đêm mới chịu đi ngủ, để rồi sáng hôm sau mới tờ mờ sáng sớm mẹ đã dậy, lạch cạch nấu nướng, sắp đặt các công việc nhà, bắt đầu một ngày mới bận rộn. Mẹ luôn động viên chúng tôi cố gắng vượt qua khó khăn. Nhờ vụ lạc mà chúng tôi có thêm tiền công bóc, lại có vỏ lạc để đun và tích cóp được ít lạc loại (hạt bé, xấu mã) để cải thiện bữa ăn. Nào là lạc nấu canh, lạc chưng mắm, lạc làm kẹo, muối vừng lạc...

Những vất vả vì thế trở nên nhẹ nhàng hơn. Mẹ luôn có cách dạy con mà như không dạy. Đó là mẹ cứ làm để chúng tôi quan sát mà học theo. Nhìn cách mẹ đan len mà chúng tôi biết đan được chiếc áo cho mình. Nhìn cách mẹ khâu mà chúng tôi biết vá những miếng rách trên áo quần. Nhìn cách mẹ nhóm lửa nấu ăn mà chúng tôi biết nấu những bữa cơm khi mẹ vắng nhà.

Nhìn cách mẹ cuốc đất trồng cây mà chúng tôi biết tạo nên mảnh vườn cho riêng mình. Không chỉ có vậy, mẹ còn dạy chúng tôi cách nương tựa vào chính mảnh vườn nhà những lúc thiếu thốn. Vậy nên dù chế độ tem phiếu ngặt nghèo thời bao cấp khiến chúng tôi không khỏi ngắc ngứ trước bữa ăn với khoai hà, gạo mốc, thì mảnh vườn nhà đã bao bọc chúng tôi…

Những năm tháng sống bên cạnh mẹ là những năm tháng êm đềm và ngọt ngào của tôi. Tôi đã ước những ngày tháng ấy cứ kéo dài, để tôi luôn là đứa con bé nhỏ trong vòng tay của mẹ, không cần bận tâm đến những sóng gió ngoài kia.

Mẹ trong ký ức của các nhà văn

Ngày 14/5 năm nay là Ngày của Mẹ (Mother's day). Đó là dịp để tất cả chúng ta tôn vinh, tri ân đấng sinh thành. Nhưng quan trọng hơn, đó là ngày để mỗi người trong chúng ta nhớ và nghĩ về mẹ của mình, trở về thăm mẹ, hoặc đơn giản hơn, trở về với những câu chuyện còn vọng vang trong ký ức.

Ai cũng có người một người mẹ để nhớ, để thương, để tôn vinh…

Ai cũng có thể kể những câu chuyện tươi xanh về người mẹ của mình…

Tinh hoa Việt xin giới thiệu những câu chuyện về mẹ được kể bởi 3 nữ nhà văn.

PHONG ĐIỆP