Hai mặt của trí tuệ nhân tạo đối với nhiếp ảnh
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực nhiếp ảnh đã mang đến cho con người nhiều lợi ích, nhưng nó cũng gây ra nhiều cuộc tranh cãi. Không ít nhiếp ảnh gia đã đặt ra câu hỏi: Liệu con người có nên chấp nhận những bộ ảnh tạo ra bởi AI là một tác phẩm nhiếp ảnh, và những người đưa câu lệnh cho AI thực hiện là nghệ sĩ?
Nhập câu lệnh “Photo of Hoi An ancient town” vào ứng dụng Dream AI: Stable Diffusion, chọn phong cách ảnh “Imagine V1”, chọn cỡ ảnh “size 4:3” là 3 thao tác cực kỳ đơn giản để AI tạo ra một bức ảnh phố cổ Hội An trong 5 giây. Trí tuệ nhân tạo đang thể hiện sự hữu ích của một công cụ thông minh, trong tương lai có thể là mối đe dọa đến nhiều lĩnh vực nói chung và nhiếp ảnh nói riêng.
Tại Việt Nam, tháng 4 vừa qua trên mạng xã hội Facebook cũng nổi lên bộ ảnh phục dựng màu chân dung các nhà văn, nhà thơ do Phạm Sơn - một kỹ sư công nghệ 8X thực hiện. Theo anh Sơn, quá trình phục dựng một bức ảnh sẽ mất khoảng 6 - 10 phút với sự hỗ trợ của các công cụ AI. Sau một thời gian làm việc với nhiều công cụ tạo ảnh bằng AI, anh Sơn cho rằng: AI giúp cho ý tưởng được thực hiện nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn, do đó dễ phổ cập hơn, tuy nhiên AI trong nghành ảnh còn phải được học nhiều hơn thì mới có thể làm được nhiều thứ.
Những vấn đề mà AI ảnh chưa làm được, đó là nó cần được học về trang phục, lịch sử, văn hóa màu sắc ảnh của từng dân tộc quốc gia riêng lẻ, để các sản phẩm được tạo ra đúng hơn, đẹp hơn và sẽ có hồn hơn những cỗ máy chỉ biết vẽ những thứ con người ra lệnh mà không hiểu nó như thế nào. Suy cho cùng yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất để có những tác phẩm mang tính sáng tạo và trung thực, AI chỉ là những công cụ trợ giúp để những công việc đó được tốt hơn.
Theo nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân, nhờ những kiến thức rộng lớn và các thuật toán của AI, nên nhiếp ảnh có thể tận dụng AI để thay nhiếp ảnh gia làm những việc như: Phân tích các đặc trưng của ảnh và tự động nhận diện các đối tượng, màu sắc, hình dạng, độ sáng, độ tương phản và nhiều thuộc tính khác của bức ảnh; Chỉnh sửa ảnh tự động bằng cách loại bỏ các đối tượng không mong muốn, tăng độ sáng, tương phản và sử dụng các hiệu ứng đặc biệt; Tìm kiếm ảnh trở nên nhanh chóng và chính xác hơn bằng cách phân tích các nội dung của ảnh và gắn thẻ cho chúng; Xử lý dữ liệu ảnh lớn giúp các nhà nghiên cứu và chuyên gia nhiếp ảnh phát triển các mô hình và phân tích dữ liệu; Tạo ra hình ảnh theo ý tưởng của con người, có thể coi như một bản thảo, hoặc dùng cho các mục đích quảng cáo sản phẩm…
Bên cạnh nhiều lợi ích thì AI cũng gây ra nhiều tranh cãi. Trên thế giới đã có những cuộc thi ảnh mà giải thưởng được trao cho “nghệ sĩ” AI. Tháng 1/2023, công ty điện tử Australia DigiDirect tổ chức cuộc thi ảnh với chủ đề “SUMMER Photo Contest” đã trao giải thưởng cho tác giả Jane Eykes với bức ảnh chụp cảnh sóng biển trong chiều hoàng hôn. Ngay sau khi thông báo được đưa ra, studio có tên Absolutely AI thú nhận họ đã gửi dự thi bức ảnh được AI tạo ra và tuyên bố đây là “bức ảnh do AI tạo ra lần đầu đoạt giải thưởng trên thế giới”.
Vào tháng 2/2023, làng nhiếp ảnh thế giới xôn xao trước thông tin Jos Avery - một “nhiếp ảnh gia” nổi tiếng với gần 30.000 người theo dõi trên Instagram - thừa nhận rằng, những tác phẩm chụp chân dung của mình thực chất được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo. 180 bức ảnh của Jos Avery đăng tải trên Instagram đã được chọn lọc từ 14.000 bức ảnh, vốn được tạo ra bởi MidJourney - một công cụ tổng hợp hình ảnh được hỗ trợ bởi AI khá phổ biến.
Sau khi tạo ra 85 bức ảnh, chọn lựa và chỉnh sửa bằng phần mềm Adobe Lightroom và Photoshop, Jos Avery mới đăng tải lên trang Istagram của mình. Avery nhấn mạnh, mặc dù những hình ảnh này không phải là ảnh thực, nhưng chúng vẫn đòi hỏi rất nhiều tính nghệ thuật và chỉnh sửa từ phía anh để được coi là ảnh chân thực. Công đoạn này khiến Jos Avery, vốn trước đó còn không có tên tuổi trong lĩnh vực nhiếp ảnh, có cảm giác như mình là một người “nghệ sĩ” nhiếp ảnh.
Gần đây nhất, nhiếp ảnh gia người Đức Boris Eldagsen đã lên tiếng thừa nhận bức ảnh giúp anh giành chiến thắng tại hạng mục “Sáng tạo mở” của cuộc thi nhiếp ảnh thế giới do Sony tổ chức, thực chất được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo.
Boris Eldagsen đã từ chối nhận giải thưởng tại cuộc thi và hy vọng hành động đó sẽ thu hút được sự chú ý của cộng đồng nhiếp ảnh thế giới, giúp đẩy nhanh cuộc thảo luận. “Hình ảnh AI và nhiếp ảnh không nên cạnh tranh với nhau trong một giải thưởng như thế này. Chúng là những thực thể khác nhau. AI không phải là nhiếp ảnh. Đó là lý do tôi không nhận giải thưởng. Với việc từ chối nhận giải thưởng đã đạt được, tôi hy vọng sẽ giúp đẩy nhanh cuộc thảo luận về vấn đề này", Boris Eldagsen giải thích.
Thạc sĩ Đồng Hiếu - Giảng viên Khoa Nhiếp ảnh, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh cho biết, anh rất đồng ý với quan điểm của Boris Eldagsen: “Việc nhiếp ảnh gia người Đức từ chối nhận giải giống như lời tuyên ngôn của người nghệ sĩ đó đối với công nghệ AI. Trí tuệ nhân tạo suy cho cùng chỉ là công cụ, không phải là người nghệ sĩ, và đương nhiên bức ảnh nó tạo ra chỉ là thứ giống với nhiếp ảnh”.
Có thể thấy bên cạnh những tính năng hữu ích mà con người tận dụng được từ AI thì sự xâm nhập của trí tuệ nhân tạo đã mang đến cho đời sống nhiếp ảnh nhiều cuộc tranh luận trên khắp thế giới. AI có khả năng học hỏi rất nhanh, càng ngày những bức ảnh được AI tạo ra sẽ càng chân thật, điều đó đã phần nào làm ảnh hưởng đến trải nghiệm nghệ thuật của con người.
Không ít người nhầm lẫn và không thể phân biệt được đâu là bức ảnh do AI tạo ra, đâu là bức ảnh do con người chụp. Các nhiếp ảnh gia có thể tận dụng AI vào nhiều mục đích khác nhau nhưng sự lo ngại về việc AI có thể thay thế nghệ sĩ nhiếp ảnh là điều không thể phủ nhận.
Nhiếp ảnh gia Cao Anh Tuấn: Nghệ thuật đích thực phải do con người tạo ra
Đối với nhiếp ảnh, ngoài yếu tốt bố cục, ánh sáng, màu sắc thì cái quan trọng nhất là khoảnh khắc và hiện thực. Nghĩa là nó đóng băng được thời điểm. AI không làm được việc đó. Khi xem một bức tranh bạn sẽ không hỏi là bức tranh này được vẽ ở đâu, nhưng khi xem một bức ảnh bạn sẽ đặt ra câu hỏi bức ảnh này được chụp ở đâu, ở góc nào. Nếu bạn chụp một cụ già, sẽ có người hỏi bạn chụp cụ ở đâu, phố nào, cụ bao nhiêu tuổi... Trí tuệ nhân tạo thì không thể trả lời được câu hỏi ấy. Cho nên AI chưa phải là đối thủ của nhiếp ảnh.
Trí tuệ nhân tạo sẽ là công cụ hữu ích cho những người làm thiết kế. Thay vì phải đi ra biển để chụp ảnh bãi biển thì người ta chỉ cần đưa câu lệnh cho AI. Muốn diễn tả một bức ảnh đẹp cần có những câu lệnh mô tả chi tiết. Trí tuệ nhân tạo vẫn chưa đuổi kịp nhiếp ảnh thật, nó chỉ đạt được khoảng 80% độ thật của nhiếp ảnh. Nhưng đối với hội họa thì sẽ có một sự cạnh tranh khá lớn.
Bản chất của trí tuệ nhân tạo có sự học hỏi, nếu chúng ta không kiểm soát được mà để AI giỏi hơn con người thì có thể là một thảm họa. Tôi chỉ đang ứng dụng AI để tạo niềm vui, thực chất những giá trị con người làm ra sẽ luôn là nghệ thuật đích thực. Chúng ta chỉ nên dùng trí tuệ nhân tạo như công cụ vào thiết kế, tạo ý tưởng. Nhiếp ảnh ghi lại khoảnh khắc và chân thực của cuộc sống tại thời điểm nhất định. AI chỉ pha trộn dữ liệu chúng ta đưa cho vào với nhau, tạo ra sản phẩm như yêu cầu. AI chỉ là công cụ, không thể thay thế được sản phẩm của con người.
Nhiếp ảnh gia Chu Việt Hà: Sự không hoàn hảo là điều đặc biệt của nhiếp ảnh
Tôi thấy khá thú vị và bất ngờ với những bức ảnh do trí tuệ nhân tạo tạo ra. Rất nhiều bức ảnh mà có lẽ chỉ trong tưởng tượng hoặc trong điều kiện lý tưởng lắm mới có thể thực hiện được thì trí tuệ nhân tạo lại có thể tạo ra.
Hầu hết những bức hình AI tạo ra đều cho tôi thấy sự hoàn hảo, rất hoàn hảo từ bối cảnh, nhân vật, bố cục ánh sáng… hoàn hảo đến mức siêu thực. Nhưng tôi nghĩ rằng, sự không hoàn hảo của nhiếp ảnh do con người tạo ra sẽ là điều quan trọng để xác định giá trị của bức ảnh. Với một nhiếp ảnh gia đường phố như tôi thì điểm đặc biệt nhất của một bức ảnh do con người tạo ra chính là cá tính, phong cách của nhiếp ảnh gia.
Với tôi ảnh giống như người, tức là nhìn ảnh có thể biết được con người của nhiếp ảnh gia đó. Ngoài ra, với nhiếp ảnh, đặc biệt là nhiếp ảnh đường phố có một điểm đặc biệt đó là sự không hoàn hảo. Bởi những bức ảnh chụp đường phố thường xuất phát từ những nơi công cộng… Chắc chắn bối cảnh như thế sẽ có nhiều thứ diễn ra, nên ảnh đường phố thường ít khi có những bức hình quá hoàn hảo từ bối cảnh, con người, rồi tất cả những thứ khác xuất hiện trong khung hình. Chính cái không hoàn hảo đó mới là cuộc sống. Và điều này tôi không gặp trên những bức hình do AI tạo ra.
Bức ảnh có giá trị với hệ quy chiếu của một nhiếp ảnh gia đường phố đó là sự chân thực, phản ánh thực tế xã hội con người… Đôi khi xem một bức hình ta cả thấy được con người, thấy được nhân vật hoặc được xã hội ở thời điểm nào đó và lại được chính người chụp kể về quá trình thực hiện bức hình đó nữa thì thật sự rất tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng trong thời đại của sự phát triển trí tuệ nhân tạo, bất kể nhiếp ảnh gia hay những người làm sáng tạo thì nên chấp nhận điều này. Nó là tương lai của nhân loại, và chúng ta nên trang bị cho mình những kiến thức cũng như tìm hiểu về AI để hiểu biết hơn về trí tuệ nhân tạo. Hãy sử dụng AI một như một công cụ, đừng để nó biến chúng ta trở thành công cụ của AI.
Nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân: Ảnh do AI tạo ra thì không bao giờ có cảm xúc
Nhiếp ảnh không đơn thuần chỉ là việc cầm chiếc máy ảnh lên và chụp một tấm ảnh, mà nó còn là cách các nhiếp ảnh gia giao tiếp với thế giới, là phương tiện để kể lại những câu chuyện mà nhiếp ảnh gia nhìn thấy. Mỗi nhiếp ảnh gia đều có con đường khác nhau, cảm nhận vấn đề khác nhau và phong cách nhiếp ảnh khác nhau; những điều ấy đã tạo nên những tấm ảnh mang cá tính khác nhau và nó theo phong cách riêng của mỗi người. Đó là giá trị thật của nhiếp ảnh. Còn những tấm ảnh do AI tạo ra đều mang những sắc thái giống nhau, những vẻ đẹp hao hao và quan trọng là nó không mang lại cảm xúc cho người xem.
AI hiện tại học hỏi rất nhanh, các bức ảnh do AI tạo ra ngày càng chân thật đến nỗi người xem khó phát hiện nó là ảnh thật hay do AI tạo ra. Nhưng điều hạn chế của AI so với nhiếp ảnh đó là những hình ảnh đó không tồn tại trong thực tế. Điển hình là ảnh phong cảnh, du lịch... Các địa điểm do AI tạo ra là sự tổng hợp nhiều thông tin rồi chấp vá lại với nhau, và điều đó khác xa với thực tế. Tôi vẫn gọi những hình ảnh đó là ảnh vẽ. Việc các nhiếp ảnh gia phải bỏ nhiều công sức đến điểm chụp, canh chờ khoảnh khắc nó mang đến trải nghiệm cho họ, từ đó nó tạo ra những cảm xúc đặc biệt mà người nhiếp ảnh gia muốn chia sẻ và kể lại câu chuyện của mình đến người xem. Ảnh do AI tạo ra thì không bao giờ có trải nghiệm và cảm xúc.
Bản chất của AI là học hỏi. AI tạo ra những tấm ảnh là dựa trên nguồn ảnh từ xưa đến nay. Việc trí tuệ nhân tạo xuất hiện và phát triển đã là một điều hiển nhiên, chúng ta không thể né tránh mà hãy đón nhận nó. Hãy dùng nó một cách thông minh để biến nó thành công cụ hỗ trợ chúng ta chứ không phải để thay thế chúng ta. Các nhiếp ảnh gia nếu không muốn bị trí tuệ nhân tạo “lấn lướt”, “vượt mặt” thì phải luôn đổi mới mình, không ngừng nâng cao tư duy, kiến thức và tìm kiếm những ý tưởng mới và ngày càng sáng tạo hơn. Hãy để AI học hỏi và bước theo dấu chân chúng ta.