Lỗ hổng an toàn hàng không: Kỳ 4 - Cần loại bỏ ngay những ẩn hoạ khôn lường

Nhóm PVĐT 14/05/2023 12:58

Sau khi đọc thông tin về lỗ hổng an toàn hàng không trên Báo Đại Đoàn Kết, nhiều chuyên gia, luật sư... bày tỏ bất ngờ, lo lắng và yêu cầu phải có các giải pháp loại bỏ ngay những ẩn hoạ khôn lường từ "dịch vụ bay không giấy tờ" này.

Ẩn hoạ khôn lường

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu chia sẻ "rất sốc" khi biết thông tin: có thể lên tàu bay mà không cần giấy tờ tuỳ thân!

Theo ông Hiếu, việc các đối tượng không có giấy tờ tuỳ thân vẫn lên được tàu bay tiềm ẩn những ẩn hoạ.

Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học.
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học.

Thượng tá Hiếu nhận định: Một trong những thủ đoạn nguy hiểm của tội phạm có thể thực hiện trên máy bay đó là tìm cách lên tàu trong vai trò hành khách rồi thực hiện hành vi không tặc như: tấn công phi hành đoàn, cướp máy bay..., hoặc trộm cắp tài sản, gây rối, uy hiếp an toàn bay… Vì vậy, một giải pháp an ninh quan trọng mà tất cả các hãng hàng không, sân bay trên thế giới đều triển khai là kiểm soát chặt thông tin về hành khách.“Theo Thông tư Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định chương trình an ninh hàng không Việt Nam thì người muốn lên tàu bay phải có giấy tờ tùy thân hợp lệ, có vé máy bay, thẻ lên tàu…Việc đưa người không có giấy tờ chứng minh nhân thân hợp lệ lên tàu bay ẩn chứa những nguy cơ uy hiếp an toàn bay, là lỗ hổng nghiêm trọng cần phải được điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - ông Hiếu khẳng định.

Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Công ty Luật Phúc Nguyễn - Đoàn Luật sư Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Công ty Luật Phúc Nguyễn - Đoàn Luật sư Hà Nội.

Tương tự, luật sư Nguyễn Văn Hùng, Công ty Luật Phúc Nguyễn - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Lỗ hổng này sẽ tạo ra kẽ hở cho các tội phạm trốn truy nã, tội phạm lừa đảo, những người mà bị cơ quan tố tụng đang cấm rời khỏi nơi cư trú, những người bị áp dụng các biện pháp hạn chế bay… vẫn sử dụng dịch vụ bay.

Ngoài ra, việc không cần giấy tờ tuỳ thân hợp lệ vẫn lên được tàu bay còn phát sinh nhiều các vấn đề khác ảnh hưởng an ninh hàng không như: Hành khách có thể vận chuyển các mặt hàng bất hợp pháp qua cảng hàng không. Giả sử đối tượng không mang giấy tờ tuỳ thân, sau khi đóng tiền lên máy bay sẽ sử dụng tên giả và hành lý, đồ ký gửi, việc kiểm soát của cơ quan chức năng sẽ rất khó khăn.

Nguy cơ rủi ro nữa là mất trật tự về an ninh, an toàn như tư trang hành lý của các hành khách trên tàu bay. Thực tế đã diễn ra các vụ trộm cắp trên các tàu bay. Vậy nếu những người không rõ về nhân thân khi không có giấy tờ tuỳ thân, nếu có hành vi trộm cắp trên tàu bay thì sau đó cơ quan chức năng khó có thể truy tìm hay có chế tài xử phạt. Nguy cơ tiếp là khó khăn trong việc xác minh các nghĩa vụ và quyền lợi hợp pháp của những người được kê khai hoặc thụ hưởng các dịch vụ bảo hiểm của hãng hàng không cung cấp dịch vụ bay.

Luật sư Trần Thu Nam, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.
Luật sư Trần Thu Nam, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Thu Nam, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cũng nhận định: Việc vận chuyển hành khách không có giấy tờ tuỳ thân để lại nhiều hệ luỵ, nguy cơ lớn về an ninh và an toàn hàng không.

Bởi để lên được tàu bay, Bộ Giao thông Vận tải đã có những quy định chặt chẽ về việc kiểm soát hành khách. Việc bỏ qua khâu quan trọng là giấy tờ tuỳ thân có nguy cơ dẫn tới các đối tượng trốn truy nã hay âm mưu thực hiện khủng bố lên tàu bay.

Trách nhiệm Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam và các hãng bay?

Trong quá trình tìm hiểu về "đường dây hỗ trợ bay không giấy tờ tuỳ thân", nhóm phóng viên trực tiếp ghi nhận việc đường dây hỗ trợ hành khách ra sân bay thiếu các giấy tờ tuỳ thân như: Căn cước công dân, chứng minh thư hết hạn, phụ nữ mang thai không có giấy khám thai… sau khi đóng khoản tiền từ 1 - 3 triệu đồng cho các đại lý bán vé máy bay. Việc này đã diễn ra công khai trong thời gian dài.

Những trao đổi, chốt giá của các đại lý vé máy bay sau khi nhận hỗ trợ hành khách bay không giấy tờ.

Việc nhân viên bán vé máy bay, nhận tiền của khách mà có thể “nhờ” toàn bộ hệ thống kiểm soát của cảng hàng không “hỗ trợ” những người không có giấy tờ tuỳ thân lên tàu bay là hiện tượng bất thường. Vậy, Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác, thực hiện công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không tại 21 cảng hàng không toàn quốc đã và đang điều hành, quản lý như thế nào? Trong khi đó, các nhóm hỗ trợ bay, những đối tượng hoạt động theo mạng lưới chặt chẽ, tự giới thiệu có thể "lo bay" toàn bộ các hãng máy bay đến tất cả cảng hàng không cả nước mà không cần giấy tờ tùy thân. Điều gì khiến các đối tượng này tự tin đến vậy?

Các "mật khẩu", "ký hiệu lạ" được viết trên vé máy bay.

Ghi nhận trực tiếp tại những cảng hàng không quốc tế như: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Cảng hàng không quốc tế Phú Bài… đều xảy ra tình trạng hành khách không có giấy tờ tuỳ thân được những người mặc đồng phục an ninh sân bay "tạo điều kiện" đưa qua các lớp kiểm soát và lên tàu bay sau khi chuyển tiền từ 1 đến 3 triệu đồng cho đại lý bán vé.

Cùng với đó, việc nhân viên làm thủ tục tại sân bay của 4 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air, Jetstar Pacific, một số nhân viên ở Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đã tư vấn, hướng dẫn, kết nối với những người mặc đồng phục an ninh sân bay hỗ trợ hành khách không có giấy tờ tuỳ thân. Thậm chí, cấp các giấy “thông hành” có con dấu mang tên hãng Bamboo Airways, Vietjet Air và đại diện lực lượng an ninh sân bay ký bảo lãnh đưa hành khách không có giấy tờ tuỳ thân lên máy bay.

"Giấy thông hành" có con dấu mang tên hãng Bamboo Airways, Vietjet Air và đại diện lực lượng an ninh sân bay ký bảo lãnh đưa hành khách không có giấy tờ tuỳ thân lên máy bay.

Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Công ty Luật Phúc Nguyễn - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: “Những người không có giấy tờ tuỳ thân tiếp cận dịch vụ qua đại lý bán vé, đại lý vé tiếp cận đại diện các hãng hàng không tại sân bay, đại diện hãng lại tiếp cận lực lượng an ninh sân bay… để hành khách không giấy tờ lên tàu bay cần sự tham gia của nhiều bộ phận, nhiều các chốt kiểm soát an ninh, qua các lớp an ninh cụ thể và độc lập. Từ thực tế này, người dân có quyền đặt câu hỏi: Vì sao lại làm được như thế nếu như không có sự liên kết, bàn bạc...?".

Nhân viên mặc trang phục các hãng hàng không Vietjet Air, Vietnam Airlines, Bamboo Airways hỗ trợ, giới thiệu hành khách với những người mặc đồng phục an ninh sân bay sau khi đã chuyển tiền "dịch vụ hỗ trợ bay" cho đại lý bán vé.

Theo Luật sư Hùng: Nếu khẳng định được có việc nhân viên Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), nhân viên đại diện 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air, Jetstar Pacific ở các cảng hàng không tham gia đường dây hỗ trợ hành khách bay không giấy tờ để thu tiền thì có thể bị khởi tố những tội danh sau:

Một là: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ, được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015: Việc tạo điều kiện cho những người không đủ điều kiện lên tàu bay có thể là dấu hiệu của lợi dụng chức vụ quyền hạn. Bởi họ là những người được giao nhiệm vụ để kiểm soát an ninh nhưng vẫn tạo điều kiện cho những người không có giấy tờ được lên máy bay là làm trái với quy định, là hành vi vi phạm pháp luật.

Hai là: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015: Nếu như trong trường hợp hành khách đi máy bay mất tiền cho hãng bay hoặc là mất tiền cho những người hứa hẹn là không có giấy tờ mà vẫn không được lên máy bay, sau đó người ta không trả lại tiền thì đấy là dấu hiệu của tội lừa đảo.

Những người mặc trang phục an ninh sân bay ở Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Cảng hàng không quốc tế Phú Bài hội ý, hướng dẫn, đưa hành khách không có giấy tờ tuỳ thân qua cửa an ninh để ra tàu bay.

Đảm bảo an toàn hàng không là nhiệm vụ sống còn, là bộ phận quan trọng đặc biệt trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội của đất nước. Qua loạt phóng sự điều tra của Báo Đại Đoàn Kết về đường dây hỗ trợ bay cho hành khách không giấy tờ tuỳ thân, gióng lên "hồi chuông" báo động về "lỗ hổng" an toàn hàng không Việt Nam. Việc các nhóm "dịch vụ bay" hoạt động công khai trên không gian mạng từ rất lâu tại sao không có cơ quan nào kiểm soát? Ai đang tạo cơ hội cho nhóm này hoạt động? Số tiền thu lợi bất hợp pháp kia đang chui vào túi ai? Trách nhiệm của Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam đến đâu trong câu chuyện này?

Hàng không tăng vọt số vụ vi phạm an toàn, an ninh

Ngày 22/2/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia chủ trì họp tổng kết công tác năm 2022 của Ủy ban, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

Theo đánh giá của Ủy ban, năm 2022, Việt Nam chưa xảy ra hoạt động khủng bố quốc tế nhưng đã phát hiện, ngăn chặn âm mưu, kế hoạch tấn công khủng bố, phá hoại của các cá nhân, tổ chức phản động trong và ngoài nước. Nguy cơ, điều kiện nảy sinh hoạt động khủng bố uy hiếp an ninh, an toàn hàng không dân dụng vẫn còn.

Năm 2022, Việt Nam đã xảy ra 680 vụ việc vi phạm an ninh hàng không dân dụng, tăng 445 vụ so năm 2021. Cùng với đó, số vụ việc trộm cắp tăng 73 vụ; số vụ việc gây rối trật tự, mang vật phẩm nguy hiểm tăng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng: Mỗi một sự cố, tai nạn hàng không, dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, cũng đều thu hút sự chú ý và có tác động rất lớn trong dư luận xã hội, vì thế an ninh, an toàn hàng không càng cần được quan tâm đặc biệt. Cùng với đó, thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn, khó lường, trong đó nguy cơ khủng bố cao hơn bất kỳ lúc nào, có thể tấn công vào những hệ thống an ninh hàng không yếu kém. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc củng cố và nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng không.

Nhóm PVĐT