Người được lấy phiếu có mức tín nhiệm thấp xin từ chức trong 10 ngày: Lý giải rõ cơ sở việc xác định mốc thời hạn
Ngày 11/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn.
Tại phiên họp, trình bày tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quá trình tổng kết, đánh giá Nghị quyết số 85/2014/QH13 cho thấy, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người trên tổng số 50 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, kết quả không có trường hợp nào có trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp.
Ở HĐND các cấp, đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 99.836 người, hầu hết đều đạt trên 50% số phiếu “tín nhiệm cao”, tỷ lệ người có số phiếu “tín nhiệm thấp” ở các cấp, cụ thể như sau: ở cấp tỉnh, có 02/1.750 người, chiếm tỷ lệ 0,11%; ở cấp huyện có 25/13.852 người, chiếm tỷ lệ 0,18%; ở cấp xã có 186/84.234 người, chiếm tỷ lệ 0,22%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: Nghị quyết số 85/2014/QH13 chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn thực hiện, dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước; phiếu lấy phiếu tín nhiệm và phiếu bỏ phiếu tín nhiệm còn sử dụng cùng một tên (phiếu tín nhiệm) nên dễ dẫn đến nhầm lẫn; hướng dẫn việc triển khai hình thức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người được lấy phiếu tín nhiệm chưa kịp thời nên khi triển khai còn lúng túng; biểu mẫu báo cáo kết quả công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm còn chung chung, chưa cụ thể nên một số báo cáo còn sơ sài, chưa nêu rõ được những tồn tại, hạn chế của bản thân và phương hướng khắc phục trong thời gian tới, gây khó khăn cho đại biểu trong việc đánh giá mức độ tín nhiệm.
“Do đó, Ban Công tác đại biểu nhận thấy cần thiết phải ban hành một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13”-bà Thanh cho hay.
Về điểm mới của Nghị quyết, bà Thanh cho biết, Nghị quyết số 85/2014/QH13 chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn và thời điểm thực hiện. Điều đó dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước. Do đó, Ban Công tác đại biểu đã bổ sung quy định về thời hạn và thời điểm tại Điều 10, Điều 15 và khoản 4 Điều 18 của dự thảo Nghị quyết. Cụ thể: đối với việc xin từ chức là không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm; đối với việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm; việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, thị xã, phường ở nơi không có HĐND thì kể từ thời điểm có đề nghị của HĐND quận, thị xã, Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định trong thời gian tối đa không quá 30 ngày.
Thẩm tra nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các nội dung quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm phù hợp với yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức có mức độ tín nhiệm thấp theo tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW và Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết.
Về vấn đề này Uỷ ban Pháp luật cũng cho biết, qua thảo luận vẫn còn có một số ý kiến khác. Theo đó, về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm (Điều 10): có ý kiến cho rằng, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp cho cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để “tự soi”, “tự sửa”. Vì vậy, ý kiến này đề nghị thiết kế theo hướng trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì vẫn nên có cơ chế cho họ chủ động xin từ chức, trường hợp không từ chức thì mới tiến hành miễn nhiệm. Tuy nhiên, đề xuất này lại chưa phù hợp với tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Về hệ quả đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 15) có ý kiến cho rằng, bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là một hình thức xem xét kỷ luật đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Bởi vì, theo quy định tại Điều 11 của dự thảo Nghị quyết thì các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND thường là do phát hiện có dấu hiệu sai phạm hoặc qua thăm dò cho thấy, người được Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn đạt mức tín nhiệm thấp. Trong khi đó, hệ quả nặng nhất đối với người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm quy định trong dự thảo Nghị quyết đều là trình Quốc hội, HĐND quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm. Do đó, ý kiến này đề nghị trong trường hợp người được bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá không tín nhiệm thì Quốc hội, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị lý giải rõ hơn hoặc chỉnh lý một số nội dung như: Lý giải rõ hơn cơ sở của việc xác định mốc thời hạn quy định trong dự thảo Nghị quyết là 10 ngày để người được lấy phiếu có mức tín nhiệm thấp xin từ chức và 30 ngày để UBND có thẩm quyền xử lý đối với trường hợp Chủ tịch UBND có mức tín nhiệm thấp.
Bên cạnh đó, đề nghị quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết trường hợp người giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn mà không còn được Quốc hội, HĐND tín nhiệm thì xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm đối với tất cả các chức vụ đang giữ bởi theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết thì trong trường hợp này, Quốc hội, HĐND thực hiện lấy phiếu một lần đối với các chức vụ mà người đó đảm nhiệm.