Ngày 11/5: Số mắc Covid-19 tăng lên 2.823, có 2 F0 tử vong

P.Vân 11/05/2023 18:31

Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 11/5 của Bộ Y tế cho biết có 2.823 ca mắc mới, tăng hơn 300 ca so với hôm qua; Trong ngày có 925 bệnh nhân khỏi; 2 trường hợp tử vong tại Bến Tre và Sóc Trăng.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.585.390 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.079 ca nhiễm).

Biểu đồ số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua.

Tình hình điều trị Covid-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 925 ca

Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.630.260 ca

2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 109 ca, trong đó:

Thở ô xy qua mặt nạ: 95 ca

Thở ô xy dòng cao HFNC: 7 ca

Thở máy không xâm lấn: 1 ca

Thở máy xâm lấn: 6 ca

ECMO: 0 ca

3. Số bệnh nhân tử vong:

Trong ngày ghi nhận 2 ca tử vong tại: Bến Tre (1), Sóc Trăng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 1 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.200 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Tình hình tiêm vaccine Covid-19

Trong ngày 10/5 có 1.571 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.304.925 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.665.748 liều: Mũi 1 là 70.908.633 liều; Mũi 2 là 68.452.826 liều; Mũi bổ sung là 14.343.924 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.115.306 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.845.059 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.366 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.673.634 liều: Mũi 1 là 10.218.577 liều; Mũi 2 là 8.455.057 liều.

Mỗi ngày vẫn có khoảng 2.000 ca bệnh, khi nào Việt Nam có thể công bố hết dịch Covid-19?

Theo SKĐS, Hiện số ca mắc và tử vong do Covid-19 có giảm trên toàn cầu nhưng từng khu vực vẫn có sự gia tăng. Đầu tháng 4/2023, có khoảng từ 500 – 600 biến chủng nhưng đến tháng 5 lên tới 900 biến thể phụ của Omicron nên chúng ta không thể chủ quan...

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã nhấn mạnh thông tin trên khi trao đổi về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam sau công bố của WHO về việc Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu.

Xin ông cho biết các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào sau tuyên bố của WHO?

GS.TS Phan Trọng Lân: Tôi phải nhấn mạnh lại rằng công bố của WHO về việc Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, tuy nhiên Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh việc tuyên bố không có nghĩa là Covid-19 không còn là mối đe dọa hay Covid-19 ít nguy hiểm hơn.

WHO đánh giá rủi ro nguy cơ về Covid-19 vẫn ở mức cao trên toàn cầu, dù số mắc và số ca tử vong giảm trên toàn cầu nhưng từng khu vực vẫn có sự gia tăng. Bản thân virus SARS-CoV-2 vẫn có biến đổi, thay đổi. Nếu như đầu tháng 4, WHO công bố có khoảng 400-500 biến thể phụ của Omicron nhưng đến đầu tháng 5, con số này đã là 900.

Theo GS.ST Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Hiện dịch bệnh có sự gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mỗi ngày Việt Nam ghi nhận khoảng 2.000 ca bệnh Covid-19, trong đó bao gồm có nhập viện, có tử vong, 1/10 trong số này có liên quan hậu Covid-19. Vì vậy, Covid-19 vẫn gây gánh nặng cho hệ thống y tế.

WHO luôn nhắc các nước không được chủ quan, cảnh giác với các biến thể mới xuất hiện.

Với Việt Nam, chúng ta đã đưa ra các đáp ứng phù hợp với tình hình dịch tễ trong bối cảnh từng thời kỳ. Các hoạt động phòng chống dịch tại nước ta có sự chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian qua, đặc biệt từ tháng 10/2021 chúng ta đã chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát có hiệu quả. Đặc biệt, nghị quyết 38 vào tháng 3/2022 có kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong đó có dịch Covid-19

Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng kế hoạch ứng phó bền vững với đại dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong đó có tính đến bối cảnh có biến thể mới nguy hiểm xuất hiện, dịch lan rộng…; Tăng cường giám sát lồng ghép Covid-19 và các bệnh viêm đường hô hấp khác.

Bên cạnh đó, chúng tôi đa dạng hoá các hoạt động giám sát dịch bệnh để có thể đánh giá đúng tình hình dịch nhằm triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Vừa tăng cường giám sát trọng điểm, thường xuyên, lồng ghép, giám sát theo sự kiện, vừa giám sát ngẫu nhiên. Việc giám sát ngẫu nhiên ở cửa khẩu không mang tính bắt buộc nhưng vẫn mang lại lợi ích trong cộng đồng nên người dân cần phối hợp.

Vậy khi nào Việt Nam có thể công bố hết dịch Covid-19, thưa ông?

Hiện chúng ta không còn hạn chế đi lại, trong khi bản chất của SARS-CoV-2 vẫn có thể di chuyển trên những người khỏe mạnh, vượt qua hàng rào hành chính, do đó phòng chống dịch Covid-19 mang tính toàn cầu, không riêng một quốc gia, một địa phương.

Miễn dịch Covid-19 sẽ giảm theo thời gian và dịch vẫn có thể xuất hiện làn sóng mới từ khu vực này đến khu vực khác. Chính vì thế dịch bệnh Covid-19 khó dự báo, khó lường và có sự gia tăng ở từng khu vực. Hiện dịch bệnh có sự gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mỗi ngày Việt Nam ghi nhận khoảng 2.000 ca bệnh Covid-19, trong đó bao gồm có nhập viện, có tử vong, 1/10 trong số này có liên quan hậu Covid-19. Vì vậy, Covid-19 vẫn gây gánh nặng cho hệ thống y tế.

Liên quan đến công bố dịch, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định việc công bố dịch gồm 5 nội dung: Thứ nhất trên dịch bệnh; Thứ hai là thời gian, địa điểm, phạm vi, quy mô; Thứ ba là nguyên nhân, đường lây truyền và tính chất nguy hiểm của dịch; Thứ tư là các biện pháp phòng chống và thứ năm là các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận điều trị.

Như vậy với 5 nội dung này, vẫn cần tiếp tục công bố số liệu về dịch để các cơ quan liên quan và người dân nắm được. Mỗi số liệu đưa ra đều mang ý nghĩa giúp cho người dân và cơ quan liên quan biết thời gian, địa điểm, quy mô dịch và các biện pháp phòng chống để thực hiện một cách xuyên suốt thống nhất, giúp cho nhanh chóng khống chế dịch.

Đến nay, ngay cả trong cuộc họp của WHO ngày 5/5, câu hỏi bao giờ đại dịch kết thúc vẫn chưa rõ ràng. VÌ thế đối với Việt Nam, chúng tôi sẽ cùng các chuyên gia cập nhật, tham mưu cho Bộ Y tế, cho Chính phủ đưa ra các biện pháp linh hoạt, phù hợp mới mức độ, diễn biến tình hình dịch, đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết.

Các hoạt động phòng chống dịch hiện nay sẽ dựa trên tình hình dịch tễ, biện pháp phòng chống, nguồn lực… đặc biệt trong bối cảnh dịch chưa ổn định, vẫn có biến chủng, ca mắc mới hằng ngày. Các biện pháp này nhằm đảm bảo khi có tình huống phải áp dụng để kiểm soát dịch nhanh chóng.

P.Vân