Sửa Luật Bảo hiểm xã hội phù hợp thực tiễn
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều ban, ngành, chuyên gia cho rằng cần sửa đổi, bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động.
Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã đề xuất 2 phương án tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ đóng BHXH theo khu vực DN đang trả lương tối thiểu vùng. Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động. Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. So với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của NLĐ.
Trước đề xuất này, đại diện BHXH TP Hà Nội cho rằng cần sửa đổi, bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của khu vực DN ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ. Lý do đưa ra đề xuất này là nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của NLĐ. Tán thành với đề xuất trên, Sở LĐTBXH Thái Bình và Hưng Yên cũng cho rằng quy định như vậy là phù hợp với xu hướng phát triển chung hiện nay, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Đồng tình với việc đóng BHXH của NLĐ khu vực DN tối thiểu bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản phụ cấp khác có tính chất lương, TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Uỷ ban Xã hội) cho rằng, nếu thực hiện được thì tiền lương hưu sẽ cao hơn và đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người về hưu.
Mặc dù vậy, theo ông Lợi, cần phân biệt 2 vấn đề, đó là với khu vực công chức nhà nước thì yên tâm về việc đóng BHXH bằng 100% tổng tiền lương và các khoản phụ cấp khác có tính chất lương. Tuy nhiên, ở khu vực khác thì phải xem xét cụ thể, bởi có lương tối thiểu 4 vùng và những khoản phụ cấp có tính chất tiền lương, được hạch toán vào giá thành sản phẩm. Cần làm sao để không biến tướng phụ cấp mang tính chất tiền lương, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Thực tế Nghị quyết số 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH cũng đặt vấn đề: Tới đây khi sửa đổi luật thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của khu vực DN tiến tới ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ. Tuy nhiên để thực hiện không dễ, theo các DN việc đóng tiền BHXH bằng 70% khá nhân văn, hướng đến bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, song trong bối cảnh hiện nay không phù hợp. Bởi hiện nay do ảnh hưởng lạm phát, nhiều DN không có đơn hàng, để cầm cự giữ việc cho NLĐ đã nan giải nếu giờ phải “gánh” thêm chi phí đóng BHXH tăng thêm sẽ càng khiến DN gặp khó.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết, pháp luật lao động đã quy định chung việc xây dựng cơ chế tiền lương, thang bảng lương của khu vực DN là hoàn toàn giao cho DN. Mỗi DN được xây dựng các khoản và từng đơn vị lại có những quy định khác nhau. Thậm chí, có DN đã gửi tới Bộ LĐTBXH danh sách hơn 100 khoản, như vậy không thể xây dựng cứng các khoản làm căn cứ đóng BHXH được.
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, tiền lương bình quân đóng BHXH của hơn 17 triệu người tham gia BHXH bắt buộc năm 2022 là 5,73 triệu đồng. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, mức thu nhập bình quân nhóm đối tượng làm công ăn lương là 7,54 triệu đồng/tháng. Mức đóng BHXH bình quân hằng tháng bằng khoảng 75 - 76% mức thu nhập bình quân thực tế. Có DN trả tổng thu nhập cho người lao động 20 - 30 triệu đồng/tháng nhưng đóng BHXH theo mức lương 5-6 triệu đồng. Điều này ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ BHXH của người lao động, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già không đủ sống.