Hiện thực hóa giấc mơ an cư
Mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở được chốt ở mức 4,8%/năm. Tuy nhiên, để có thể sở hữu một căn hộ nhà ở xã hội cũng không dễ.
Giá như… giá nhà ở xã hội mềm hơn
Nói về mức lãi suất cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở, chị Nguyễn Thanh Nga (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, nếu như ai được vay một khoản tiền bằng 70% giá trị căn hộ mà chỉ trả với mức lãi suất 4,8% thì may mắn.
Tuy nhiên theo lời chị Thanh Nga, muốn vay được lãi suất thấp ở Ngân hàng Xã hội cũng không hề đơn giản. Là người trong cuộc, đã mua được 1 căn hộ ở tầng 12, giá 1 tỷ đồng ở quận Long Biên với mức giá được công bố là 16 triệu đồng/m2 (thời điểm 2018), chị Nga cho biết, đầu tiên là phải xin xác nhận hộ nghèo của Hội Phụ nữ nơi mình ở. Tiếp đó là chạy ngược, chạy xuôi xin xác nhận đủ nơi mới vay được vốn. Cuối cùng thì chị cũng đã vay được tiền ở Ngân hàng chính sách, khoản vay kéo dài 18 năm, tính ra mỗi tháng chỉ riêng tiền lãi trả ngân hàng là 2 triệu đồng, còn tiền gốc được trừ dần theo các năm.
Nhưng không phải ai cũng kiên trì như chị Thanh Nga, anh N.B.M. kể lại chính trường hợp của mình, anh cũng có suất mua nhà ở xã hội vào năm ngoái, giá căn nhà anh tính mua chỉ 1,2 tỷ đồng cho 70m2. Tuy nhiên, vì phải nhờ người này người kia, rồi muốn được căn chọn như ý anh phải bỏ ra thêm 300 triệu đồng nữa.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, với quy định áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi 5 năm là quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài, như Luật Nhà ở 2014 quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm. Theo ông Châu, sau khi hết thời gian ưu đãi, người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường sẽ là gánh nặng cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động.
Nhà ở xã hội và mong muốn được tiếp cận nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp vẫn là câu chuyện dài. Chẳng hạn ngày 29/3 vừa qua, một dự án nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc dự án nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận hồ sơ đăng ký đợt mua đầu tiên, giá bán được công bố là 19,5 triệu đồng/m2. Một con số gây thất vọng, thậm chí gây sốc cho những người có thu nhập trung bình.
Anh Trần Phương - đang ở trọ ở quận Nam Từ Liêm, nói: “Tôi làm ở Hà Nội tính ra tròn 10 năm, tiết kiệm được gần 500 triệu đồng, nếu muốn mua nhà, tôi sẽ phải vay 900 triệu đồng. Nếu vay được tiền lãi suất 4,8%, tính ra mỗi năm cả gốc cả lãi trả cho ngân hàng khoảng vài chục triệu đồng. Nói chuyện tiền tỷ với người lao động thì chỉ là giấc mơ” - anh Phương chia sẻ.
Cần thêm cơ chế phát triển nhà ở xã hội
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nói rằng, khi Chính phủ chốt mức lãi suất ưu đãi cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội là 4,8% có nghĩa là cơ quan quản lý đã tạo điều kiện vốn cho phía bên cầu. Nhưng hiện nay giá nhà ở xã hội cũng không hề thấp, chưa kể số dự án nhà ở xã hội quá ít thì dù có hỗ trợ phía cầu (là người dân mua nhà) cũng chưa đủ. Còn phải hỗ trợ cho cả doanh nghiệp (DN) để DN tập trung phát triển nhà ở xã hội, như vậy mới kỳ vọng hiện thực hóa giấc mơ có nhà cho người dân được.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành nói, làm nhà ở xã hội chỉ lãi 10% nhưng thời gian làm mất hết 5 năm, vậy mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2%. Do đó, nếu không có nhiều tâm huyết thì các DN sẽ không làm.
Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân đã đề cập đến “4 rào cản” trong phát triển, xây dựng nhà ở xã hội, gồm: vốn, quỹ đất, chính sách và thủ tục hành chính. Đặc biệt, vấn đề thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội, hiện vẫn bị cho là vô cùng phức tạp, kéo dài, thậm chí khó khăn hơn cả làm nhà ở thương mại. Chi phí đầu vào cao, thời gian kéo dài trong khi giá bán thì phải rẻ khiến nhiều DN thiếu “mặn mà”.
Mới đây, Bộ Xây dựng có tờ trình gửi Chính phủ ban hành Nghị quyết riêng về nhà ở xã hội. Theo đó, phần đất xây nhà ở xã hội được chủ đầu tư quan tâm nhất được Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp. Cụ thể, khi lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.
Bên cạnh các ưu đãi cho chủ đầu tư như cũ (miễn tiền sử dụng đất, thuế, lãi suất, lãi 10%), chủ đầu tư còn được thêm ưu đãi phần kinh doanh dịch vụ trong dự án. Đặc biệt, DN còn được UBND cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án và chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu nối hạ tầng chung khu vực có dự án.
Thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã khởi công xây dựng được 34.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7,8 triệu m2.
Hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 401 dự án với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2. Số lượng nhà ở xã hội hoàn thành đã giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp được cải thiện, có chỗ ở ổn định. Chính Bộ Xây dựng cũng đánh giá kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, đến nay tổng số diện tích nhà ở xã hội hoàn thành mới đạt 7,8 triệu m2/12,5 triệu m2 (62%) theo yêu cầu đến năm 2020. Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội vẫn còn khó khăn, vướng mắc về cơ chế, nguồn vốn.