Tai nạn dị vật đường thở: Nhiều biến chứng nguy hiểm

Đức Trân 13/05/2023 14:00

Cấp cứu dị vật đường thở là cấp cứu thường gặp trong chuyên khoa tai mũi họng, nếu không được chẩn đoán và xử trí nhanh chóng dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Nội soi cho bệnh nhân gặp dị vật đường thở tại cơ sở y tế.

Dị vật đường thở là những vật bị mắc lại trên đường thở của bệnh nhân từ thanh quản đến phế quản. Nguyên nhân có thể là do cười nói trong khi ăn, rối loạn phản xạ họng ở bệnh nhân bị hôn mê, gây mê hoặc khi không tỉnh táo, thói quen hay ngậm đồ trong lúc làm việc hoặc vui chơi,… Khi có dị vật đường thở, bệnh nhân thường có triệu chứng như: Ho (ho dai dẳng kéo dài, ho ra máu), khó thở, khàn tiếng, mất tiếng, có những đợt sốt.

Trong trường hợp bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời thì việc lấy dị vật sẽ dễ dàng hơn, ít gây ra biến chứng nhưng nếu đến muộn, bệnh nhân đã xuất hiện phản ứng viêm phù nề tổ chức, nhiều biến chứng sẽ xảy ra, việc lấy dị vật khó hơn và nguy cơ tử vong cao hơn. Một số biến chứng do dị vật đường thở thường gặp là: Tắc thở; tử vong do ngạt thở cấp; Suy hô hấp, thở rít; Xẹp phổi; Áp xe phổi; Viêm phế quản…

Thông tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp cấp cứu dị vật đường thở. Điển hình, bệnh nhân Nguyễn N. T. (40 tuổi, ở Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng khó thở, thỉnh thoảng xuất hiện ho ra máu. Các bác sĩ chỉ định nội soi khí quản, phế quản và phát hiện dị vật đường thở trong khí quản và phế quản gốc phải. Ngay sau đó, các bác sĩ đã hội chẩn và thực hiện kỹ thuật can thiệp lấy dị vật cho người bệnh. Khi gắp ra là một hạt hồng xiêm to có kích thước 3x1,5cm.

BS Đào Đình Thi - Trưởng Khoa Nội soi, Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương cho biết: “Hạt hồng xiêm là một trong những dị vật đường thở khó lấy. Do hạt hồng xiêm có kích thước lớn và có gai sắc nhọn ở cạnh nên khi đưa qua thanh quản là vùng hẹp nhất của đường thở, dị vật bị mắc kẹt và gây ra kích thích làm co thắt khiến người bệnh khó thở. Bên cạnh đó, hạt hồng xiêm có vỏ cứng, bề mặt nhẵn rất dễ bị trơn tuột khi lôi kéo, kèm gai nhọn có nguy cơ gây xước, tổn thương thanh, phế quản”.

Đáng nói hơn, đối với trẻ nhỏ, dị vật đường thở là một tai nạn nguy hiểm thường gặp, bởi bản tính thích khám phá bằng cách đưa các vật thể vào miệng hay do những bất cẩn trong sinh hoạt, vui chơi. Trên thực tế, nhiều phụ huynh cũng có tâm lý chủ quan chỉ nghĩ trẻ nuốt phải vật lạ, nhưng không lường được nguy hiểm khi dị vật bít kín đường thở nếu không xử trí kịp thời sẽ gây viêm phế quản; viêm phổi; xẹp phổi, áp xe phổi, nặng hơn là suy hô hấp, di chứng não do thiếu ô xy…

Cũng tại Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, bệnh nhi Phạm G. H. (8 tuổi, ở Nam Định) nhập viện trong tình trạng khó thở, khi thở bị vướng đau, khò khè. Sau khi kiểm tra phim chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ phát hiện có dị vật nằm ở phế quản gốc phải. Khi gắp ra là chiếc nắp bút kích thước khoảng 2x1cm.

Tại bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận không ít những trường hợp trẻ phải nhập viện do dị vật đường thở. Bệnh nhi Đ.V. (9 tuổi, ở Hà Nam) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải đặt nội khí quản để chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Do trong lúc chơi đùa với bạn, V. bất cẩn nuốt đầu bút gây bít kín đường thở khiến tình trạng suy hô hấp nặng nề. Do dị vật có kích thước lớn 1,0x1,0cm, khẩu kính phế quản của trẻ lại nhỏ nên rất khó khăn để lấy dị vật. Sau 2 lần nội soi khí quản, các bác sĩ Trung tâm Hô hấp đã thành công lấy được dị vật, giúp cháu bé vượt qua được nguy kịch.

BS Đào Đình Thi - Trưởng Khoa Nội soi, Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ bị dị vật đường thở, mọi người nên chú ý, cẩn trọng trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm, như đối với quả hồng xiêm nên cắt ngang và loại bỏ hết hạt trước khi ăn, loại bỏ xương trong thịt, cá cho trẻ nhỏ,… Khi ăn nên tập trung ăn chậm, nhai kỹ, không nên cười đùa, la hét. Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý kiểm soát khi trẻ cầm, chơi những đồ vật có kích thước nhỏ vì bé có thể vô tình nhét vào mũi hoặc nuốt.

Đối với những trường hợp dị vật là những vật sắc nhọn không nên tự ý nôn ra hoặc cố nuốt xuống có thể làm tổn thương thêm cho đường thở. Khi người bệnh gặp tình trạng dị vật đường thở, cần lập tức đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Đức Trân