Đắp thuốc nam điều trị ung thư vú: Tiền mất tật mang
Với bệnh ung thư, phát hiện bệnh giai đoạn sớm là yếu tố quyết định khả năng chữa khỏi. Đáng tiếc là có không ít người tuy phát hiện bệnh sớm nhưng vì chủ quan, đặt niềm tin sai chỗ mà bỏ lỡ giai đoạn “vàng” trong điều trị bệnh.
Một năm trước, bệnh nhân X. phát hiện có khối u tại vú phải, đi khám tại Bệnh viện K được chẩn đoán Carcinoma tuyến vú thể tiểu thùy xâm nhập, bác sĩ chỉ định nhập viện phẫu thuật. Tuy nhiên bệnh nhân không điều trị, tự về uống thuốc nam, đắp thuốc lá. Đến đầu năm 2023, khối u tăng kích thước, hoại tử, bệnh nhân mới đến khám tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội và được chỉ định nhập viện điều trị chăm sóc giảm nhẹ. Lúc này, u vú phải có kích thước lên đến 20-25cm, bác sĩ kết luận ung thư vú phải giai đoạn IIIC. Bệnh nhân gầy mòn, suy kiệt phải truyền máu và kết hợp xạ trị, hóa chất điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng trước khi tiến hành phẫu thuật.
Sau mổ, tình trạng bệnh nhân ổn định, lỗ khuyết hổng lớn khi cắt khối u đã được khép lại và liền tốt. Khi sức khỏe bệnh nhân hồi phục sẽ tiếp tục điều trị bổ trợ bằng hóa chất và xạ trị.
Bệnh nhân tâm sự: “Giá như năm ngoái tôi nghe bác sĩ phẫu thuật sớm thì đã khác, không bị tốn bao nhiêu tiền của mà vẫn tiền mất tật mang. Cũng may tôi kịp tỉnh ngộ, đến bệnh viện được các bác sĩ tận tình cứu chữa mới hồi phục”.
TS.BS Vũ Kiên - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Trưởng khoa Ngoại Vú - Phụ khoa cho biết: “Trên thực tế, chúng tôi đã gặp khá nhiều những trường hợp dù đã phát hiện ra bệnh nhưng lại bỏ lỡ cơ hội điều trị, rút ngắn thời gian sống. Hơn nữa, việc mù quáng tin tưởng vào các phương pháp chưa được khoa học chứng minh không chỉ gây tốn kém, lãng phí tiền bạc mà còn có thể gây hại đến sức khỏe, làm bệnh tình thêm nguy hiểm và tiến triển xấu đi. Người dân nên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị ung thư giai đoạn sớm”.
Theo thống kê của Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN 2020), tại Việt Nam, ung thư vú là căn bệnh ung thư thường gặp nhất với 21.555 ca mắc mới, chiếm tỷ lệ gần 25,8% tổng số ca ung thư và hơn 9.000 trường hợp tử vong mỗi năm do căn bệnh này. Đáng nói, mặc dù số ca bệnh mới tăng nhiều, tuy nhiên nước ta vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ tầm soát ung thư thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, do thiếu vắng những chương trình sàng lọc đồng bộ trên toàn quốc. Hệ quả là nhiều người chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn cuối, với cơ hội sống thấp.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Mặc dù ung thư vú có tỷ lệ mắc mới cũng như tử vong cao, tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị, ung thư vú là bệnh lý có thể phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị khỏi hoàn toàn. Để phòng bệnh ung thư vú, phụ nữ nên có thói quen khám bệnh định kỳ mỗi 6 tháng/lần, phụ nữ trên 40 tuổi nên đi tầm soát bệnh ung thư vú. Để có sức khỏe tốt, phòng tránh bệnh tật, cần có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan yêu đời”.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 9 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 14 ngày 6/5/2013 về hướng dẫn khám sức khỏe. Thông tư mới sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục liên quan đến sổ khám sức khỏe và nội dung khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, lần đầu tiên trong nội dung khám sức khỏe định kỳ đối với lao động nữ được bổ sung thêm 2 nội dung khám sàng lọc là ung thư vú và ung thư cổ tử cung.