Ngân hàng chưa nguôi nỗi lo nợ xấu
Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối tháng 2/2023 tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng. Năm 2023 này, đại diện lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh của hệ thống ngân hàng.
Theo ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank, tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm chứng tỏ sức hấp thụ của nền kinh tế đang chững lại. Doanh nghiệp (DN) thu hẹp sản xuất, thiếu vắng đơn hàng, thu nhập của người dân sụt giảm… là những yếu tố tác động đến “sức khỏe” của các ngân hàng, bởi ngân hàng là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, DN khó khăn thì ngân hàng không thể khỏe được.
“Báo cáo tài chính quý I/2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, lợi nhuận quý I/2023 giảm 4,4%. Từ năm ngoái tới nay, các ngân hàng thương mại đối mặt với nhiều rủi ro. Nếu năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất và cả rủi ro danh tiếng (do liên quan tới trái phiếu DN, bảo hiểm nhân thọ) thì năm 2023, rủi ro lớn nhất của các ngân hàng là vấn đề về tín dụng. Khi DN khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Chưa kể, nền kinh tế khó khăn cũng khiến các rủi ro khác gia tăng như: rủi ro an ninh các phòng giao dịch, rủi ro gian lận nội bộ, tấn công mạng…” - ông Tùng cho biết.
Báo cáo gửi tới Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến cuối tháng 2/2023 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,9% tăng so với mức 1,49% vào cuối 2021 và mức 2% vào cuối năm 2022.
Thực tế cho thấy, nợ xấu đang gia tăng tại một số ngân hàng. Chẳng hạn TPBank là ngân hàng có khối lượng nợ xấu tăng mạnh nhất khi tổng nợ xấu tăng 84% từ 1.357 tỷ đồng lên gần 2.500 tỷ đồng vào quý I/2023, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 3 con số từ 385 tỷ đồng hồi cuối năm 2022 lên gần 1.200 tỷ đồng vào cuối quý I/2023.
Dù đứng trước nhiều khó khăn, nhưng đại diện nhiều ngân hàng cho biết sẽ đồng hành hỗ trợ DN. Ông Bùi Thành Trung - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh Tiền tệ và Đầu tư, Ngân hàng OCB cho hay, OCB đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN, hỗ trợ bán lẻ với lãi suất cố định trong ngắn và dài hạn phụ thuộc vào từng đối tượng khách hàng. OCB sẽ tiếp tục đồng hành, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho khách hàng.
Bà Dương Thị Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cũng cho biết, chủ trương của NHNN là tăng trưởng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực ưu tiên. Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ thông tin, thời gian qua, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn. Tuy vậy, DN muốn vay được vốn thì phải đáp ứng được các yêu cầu, chứng minh năng lực, hoạt động hiệu quả, khả thi.
Đại diện NHNN cũng cho biết, sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, tiến tới tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm tới nay, NHNN đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất với mức giảm 0,3-1% trong tháng 3 và 4-2023 nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, DN và người dân.
Nếu ngân hàng hoãn, giãn nợ, ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ bị chuyển về phía ngân hàng. “Mong muốn về giảm lãi suất của doanh nghiệp là chính đáng, ngành ngân hàng cũng không ai muốn lãi suất huy động và cho vay cao, song chúng ta còn phải tính tới sự ổn định vĩ mô, tỷ giá…, tựu trung là ổn định hệ thống ngân hàng” - Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết.