Thi đua phải thực chất
Ngày 15/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Tại Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của Bộ Nội vụ nhấn mạnh, việc khen thưởng được thực hiện theo các nguyên tắc chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời, thực chất.
Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) kế thừa đầy đủ những ưu điểm của Luật hiện hành; bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng đồng thời giải quyết hạn chế, tồn tại trong tổ chức phong trào thi đua, công tác khen thưởng và công tác phát hiện, bồi dưỡng; tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.
Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có nhiều điểm mới. Trước hết đó là thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích” trước đây (điểm c Khoản 2 Điều 5). Đáng chú ý, Luật đã bổ sung quy định “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là tiêu chuẩn có thể thay thế nếu không có sáng kiến, đề tài, đề án (Khoản 2 Điều 23).
Đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, hạn chế tính hình thức trong thi đua, Luật đã bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua (Điều 7), đồng thời bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị (Khoản 1 Điều 13). Cùng đó, chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…
Rất đáng chú ý, Luật bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân” cho đối tượng là “hộ sinh” (Khoản 1 Điều 65); bổ sung cách tính thời gian (nhân hệ số 2) làm tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước đối với cán bộ y tế, giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy có thể thấy, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) bao quát đầy đủ các đối tượng, trong đó nhấn mạnh tới đối tượng là người lao động trực tiếp. Đặc biệt, với danh hiệu cao quý được nhà nước phong tặng, đối tượng là hộ sinh cũng được xét tặng như các đối tượng “quyền cao chức trọng” khác vẫn thường thấy trước đây.
Nhiều năm qua, thi đua - khen thưởng đã trở thành động lực thúc đẩy và lan tỏa năng lượng tích cực trong đời sống. Nhiều tấm gương xuất sắc được suy tôn thông qua công tác thi đua được xã hội trân trọng. Trong đó có những tấm gương bình dị mà cao quý, gần gũi với cuộc sống.
Tuy nhiên, công tác thi đua - khen thưởng vẫn bộc lộ hạn chế, người được danh hiệu cao nhưng không hẳn đã là tấm gương cho cơ quan, đơn vị, cộng đồng. Danh hiệu thi đua có lúc còn như một sự ban phát, khiến nó mất đi ý nghĩa cao quý vốn phải có.
Từ đó cũng xuất hiện việc “chạy” danh hiệu thi đua, khiến cho bệnh thành tích, thói háo danh càng nảy nở. Có người còn chuẩn bị cho mình nhiều danh hiệu, vừa làm đẹp hồ sơ, vừa như một tấm áo giáp che chắn “khi có biến”. Một bộ phận người lao động chán nản vì nghĩ rằng mình không bao giờ được ghi nhận một cách xứng đáng, vì thế mất động lực thi đua.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác thi đua. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, 3 năm sau, trong bộn bề công việc, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào giai đoạn gay go, quyết liệt nhưng Người đã viết "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", ngày 11/6/1948. Khoảng 4 tháng sau, tháng 10/1948, trong một phiên họp Hội đồng Chính phủ, Người nhắc nhở, trong cuộc vận động thi đua phải tránh xu hướng “bàn giấy”, “công chức hoá". Người căn dặn, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua, từ đó mà phấn đấu làm tốt. Tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước năm 1966, Người khen ngợi nhưng cũng không quên đề nghị những người đạt danh hiệu Anh hùng, chiến sĩ thi đua phải cố gắng vươn lên hơn nữa, phải khiêm tốn và không được kiêu ngạo, để làm sáng tỏ danh hiệu thi đua.
Trở lại với Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi, năm 2022, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024) đã được xây dựng với những quy định phù hợp, thiết thực, thúc đẩy thực chất các phong trào thi đua, từ đó sẽ tạo ra động lực và nguồn lực rất quan trọng trong đời sống xã hội. Với những quy định cụ thể, Luật sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả, ngăn chặn từ gốc việc thi đua hình thức, tô hồng; kể cả việc lấy danh hiệu thi đua làm "bình phong" che chắn cho mục đích cá nhân.